Đường trăm tỷ đồng ở Quảng Nam: 7 năm không xong vì vướng một hộ dân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dự án đường nối cứu nạn, cứu hộ với Quốc lộ (QL) 1A tại ngã ba cây Cốc (Thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn chưa thể giải quyết xong sau 7 năm chỉ vì một hộ dân có vướng mắc trong việc thu hồi đất.

Dân thắng kiện chính quyền

Năm 2016, dự án nối đường cứu nạn, cứu hộ với QL1A có tổng kinh phí hơn 270 tỷ đồng do Sở GTVT tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư được khởi công. Tuy nhiên, do vướng mắc việc đền bù giải tỏa của hộ gia đình bà Bùi Thị Nuôi (100 tuổi, khu phố 9, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) nên không thể triển khai đấu nối hơn 120m ra QL1A tại ngã ba cây Cốc.

Đường trăm tỷ đồng ở Quảng Nam: 7 năm không xong vì vướng một hộ dân ảnh 1

Hiện trạng nhà và đất của gia đình bà Bùi Thị Nuôi tại ngã ba cây Cốc (Thăng Bình, Quảng Nam). Ảnh: Nguyễn Thành

Theo hồ sơ, đất đai và nhà cửa của gia đình bà Nuôi được tạo lập và quản lý sử dụng từ trước năm 1975 đến nay. Quá trình sử dụng đất có đăng ký theo quy định pháp luật. Mặc dù diện tích trên giấy tờ chế độ cũ lớn hơn nhưng khi đăng ký theo Nghị định 60 năm 1994 thì diện tích đất của gia đình bà Nuôi là 2.000m2 thuộc thửa 661, tờ bản đồ số 5 thị trấn Hà Lam.

Năm 2014, UBND huyện Thăng Bình thu hồi hơn 274m2 để mở rộng QL1A theo Quyết định 927 (ngày 23/5/2014) và công nhận trích lục bản đồ địa chính có trong diện thửa đất đo mới là 1.976m2.

Thực hiện Dự án xây dựng đường nối từ đường cứu nạn, cứu hộ đến QL1A, UBND huyện Thăng Bình tiếp tục ban hành các quyết định thu hồi đất và bồi thường thiệt hại đất và tài sản khi Nhà nước thu hồi đất của gia đình bà Nuôi, nhưng không đảm bảo về diện tích thực tế cũng như việc áp giá bồi thường không phù hợp pháp luật. Sau khi giải quyết khiếu nại, UBND huyện Thăng Bình tiếp tục ra các quyết định điều chỉnh quyết định thu hồi đất và điều chỉnh quyết định bồi thường với diện tích đất thu hồi nhỏ hơn thực tế và bồi thường giảm diện tích với lý do dựa vào hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của gia đình bà Nuôi chỉ có 1.715m2 vào năm 2011. Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình sau đó đã ra quyết định không chấp nhận nội dung đơn khiếu nại của bà Nuôi.

Sau nhiều lần đối thoại, gia đình bà Nuôi đã khởi kiện chính quyền ra tòa. Ngày 2/8/2019, TAND tỉnh Quảng Nam xử sơ thẩm vụ kiện và tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị Nuôi về yêu cầu hủy 9 quyết định của UBND huyện Thăng Bình.

Ngày 2/7/2020, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã xử phúc thẩm và chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị Nuôi. Đồng thời tuyên hủy 9 quyết định từ năm 2017 đến 2019 của Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình đã ban hành về giải quyết khiếu nại, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ… theo yêu cầu của bà Nuôi.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực, thế nhưng mới đây gia đình bà Nuôi tiếp tục có đơn khiếu nại, về việc huyện Thăng Bình không thi hành án mà tự điều chỉnh diện tích đất thu hồi không dựa vào kết quả đo đạc chính xác thực tế và các văn bản pháp lý đã có số hiệu của tòa các cấp, chỉ viện dẫn suy đoán không có cơ sở pháp lý gây thiệt hại làm giảm diện tích thu hồi dẫn đến việc bồi thường thấp hơn diện tích đất thực tế của gia đình trên thửa đất 661, tờ bản đồ số 5. UBND huyện Thăng Bình đã ban hành Quyết định 592 ngày 20/10/2020 thu hồi 997,65 m2; Quyết định 460 ngày 14/6/2023 thu hồi rẻo phía nam 68,9m, diện tích đất còn lại theo thông báo của huyện 424m2 chỉ còn 76,2m2 được phép xây dựng nhà ở lâu dài.

Theo gia đình bà Nuôi, tổng diện tích thu hồi theo các quyết định trên là 1.491m2, UBND huyện Thăng Bình đã làm sai lệch số liệu thực tế, làm thiếu đất ở đô thị hơn 210m2.

Chính quyền nói gì?

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Võ Công Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết: Sau khi có bản án, UBND huyện đã tiến hành hủy các quyết định theo yêu cầu của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, và tiến hành lại các thủ tục thu hồi đất, bồi thường theo quy định, tuy nhiên, gia đình bà Nuôi không chấp thuận và tiếp tục khiếu nại.

Có 4 nội dung khiếu nại, qua làm việc, chính quyền huyện Thăng Bình không chấp nhận 2 nội dung. Cụ thể, UBND huyện chấp nhận nội dụng khiếu nại về việc xác định số hộ số khẩu trong gia đình (3 hộ 8 khẩu) để tính bồi thường, hỗ trợ cho gia đình. Đồng thời chấp nhận bồi thường bằng đất ở theo hình thức bố trí một lô đất tại khu tái định cư theo quy định của UBND tỉnh Quảng Nam.

Ông Hùng cũng cho biết, liên quan đến hồ sơ đền bù trước đây, hồ sơ chỉ là một bản photocopy GCNQSDĐ không có xác nhận của cơ quan chức năng. Sau khi có bản án, Công an đã vào cuộc và xác định, bản photocopy này đưa vào từ năm 2014 là giả. Tuy nhiên, các cá nhân liên quan khi tiếp nhận hồ sơ không xác định được do đâu mà có, không xác định được nguồn gốc bản photocopy nên không xử lý hình sự.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị tỉnh Quảng Nam xem xét xử lý kiến nghị của 5 hộ dân, trong đó có kiến nghị khiếu nại bồi thường, hỗ trợ tái định cư của gia đình bà Bùi Thị Nuôi.

Chủ tịch huyện Thăng Bình cũng cho biết, sau khi có kết luận của công an, Thanh tra huyện cũng đã vào cuộc và đã có kết luận chỉ ra nhiều tồn tại và hạn chế. Trong đó, chỉ rõ việc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện khi thu thập GCNQSDĐ bản photocopy không chứng thực do đơn vị đo đạc là Công ty cổ phần An Bình Dương cung cấp để tham mưu lập thủ tục quy trình thu hồi đất chưa đảm bảo tính pháp lý, dẫn đến việc không phát hiện diện tích thu hồi đất bị sai lệch lớn hơn so với diện tích thực tế bị ảnh hưởng… Thanh tra huyện cũng đã kiến nghị xử lý chấn chỉnh các đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan.

Theo ông Hùng, huyện đã vận dụng và xử lý vụ việc theo hướng có lợi nhất cho người dân. Nếu gia đình không đồng ý, sau khi thực hiện các thủ tục theo đúng quy định, huyện sẽ phải thực hiện biện pháp cưỡng chế. Trước khi cưỡng chế sẽ tổ chức họp báo công khai thông tin rộng rãi.

Trong khi đó, ông Huỳnh Hữu Thăng (68 tuổi, con trai bà Nuôi) cho biết: Mẹ ông đã 100 tuổi, nay đã già yếu nên mong muốn sự việc được nhanh chóng giải quyết. Gia đình chỉ yêu cầu xử lý mọi việc theo đúng quy định pháp luật. Nếu chính quyền có khó khăn, vướng mắc, gia đình sẵn sàng sẻ chia để tìm được tiếng nói chung và tạo điều kiện cho việc giải phóng mặt bằng tuyến đường thuận tiện đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.

Ông Thăng cũng cho biết, nguyện vọng của gia đình là đề nghị giải tỏa trắng, thu hồi toàn bộ diện tích của gia đình sau khi thu hồi làm QL1A là 1.701m2, và áp giá đền bù theo giá đất cụ thể tại thời điểm thu hồi. Về việc tái định cư, áp dụng theo Luật Đất đai phân theo hạn mức thu hồi và thực hiện theo phương thức đất đổi đất.

MỚI - NÓNG