Đường nội “chết” trên sân nhà?

Đường nội “chết” trên sân nhà?
TP - Các nhà máy đường đang tồn kho kỷ lục 600 nghìn tấn. Trong khi đường lậu giá rẻ từ Thái Lan đang bủa vây thị trường trong nước, “cửa” xuất khẩu duy nhất qua tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng có nguy cơ rơi vào tay đường ngoại.

> Đường tồn kho lớn

Hiệp hội Mía-Đường Việt Nam vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, không cho phép tạm nhập tái xuất mặt hàng đường, đặc biệt tuyến biên giới với Trung Quốc. Theo hiệp hội, lượng đường tồn kho trong các nhà máy đang ở mức kỷ lục so với nhiều năm nay.

Tháng 3 vừa qua, để giải tỏa sức ép tồn kho, Bộ Công Thương cho phép các doanh nghiệp xuất 200 nghìn tấn đường qua cửa khẩu phụ ở Bản Vược (Bát Xát, Lào Cai). Tuy nhiên, do chính sách tạm nhập tái xuất, nên tại cửa khẩu này, gần như đường Thái Lan chiếm lĩnh.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía-Đường Việt Nam cho biết, Thái Lan quản lý đường qua 3 loại quota là A, B, C. Sau khi hoàn thành loại A, B, các doanh nghiệp dùng quota C, bán thỏa sức ra ngoài, miễn là không tiêu thụ trong nước. Do không phải chịu các loại phí, nên đường này giá rẻ, còn đường Thái Lan bán trong các siêu thị khoảng 20.000 đồng/kg.

Hiện giá đường lậu từ Thái Lan ở cửa khẩu Lao Bảo khoảng 13.500 đồng/kg, ở Tây Nam khoảng 13.400-13.500 đồng/kg, ở TPHCM khoảng 14.000 đồng/kg. Trong khi đó, đường nội bán ở các nhà máy, gồm cả VAT đã hơn 14.000 đồng/kg.

Ông Long cho biết, hiện đường lậu giá rẻ về Việt Nam qua các cửa khẩu khoảng 1.000 tấn/ngày. Riêng năm 2012, đường Thái Lan giá rẻ lậu vào Việt Nam như hiệp hội nói ở “khiêm tốn” khoảng 500.000 tấn, chiếm gần 1/3 tổng sản lượng đường của Việt Nam.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Mía-Đường, nếu cho tạm xuất tái xuất loại đường trên sang Trung Quốc theo tuyến biên giới, chắc chắn đường quota C của Thái Lan sẽ thay đường trong nước (sang Trung Quốc).

Nếu điều này xảy ra, Việt Nam sẽ vừa mất thị trường nội địa, vừa mất luôn cửa xuất khẩu gần như duy nhất của đường sản xuất trong nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG