Khánh Hòa:

Đường Nha Trang - Đà Lạt tê liệt vì sạt lở hàng nghìn khối đất đá

Một điểm sạt lở trên đường Nha Trang - Đà Lạt (thuộc quốc lộ 27C, đoạn qua huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vào đầu tháng 11 năm nay.
Một điểm sạt lở trên đường Nha Trang - Đà Lạt (thuộc quốc lộ 27C, đoạn qua huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vào đầu tháng 11 năm nay.
Mưa lớn kéo dài khiến đường Nha Trang - Đà Lạt trên đèo Khánh Lê, thuộc quốc lộ 27C lại bị sạt lở nghiêm trọng ở cả địa phận Khánh Hòa và Lâm Đồng, giao thông bị tê liệt lần thứ 3 trong vòng hơn 1 tháng qua.

Chiều 16/12, ông Đoàn Thanh Hưng, Giám đốc Công ty Quản lý và Xây dựng Công trình Miền Trung (đơn vị khắc phục), cho biết, mưa lớn kéo dài khiến đường Nha Trang - Đà Lạt vắt qua đèo Khánh Lê bị sạt lở tại 4 điểm, trong đó có 3 điểm sạt lở đá và 1 điểm sạt lở đất đá (thuộc địa phận xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa). Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng ước tính khối lượng đất đá sạt lở lần này 3.000-4.000 m3.

“Sạt lở đất đá đã khiến tuyến đường bị chia cắt hoàn toàn. May mắn, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người bởi trước đó đã ngăn xe vì nhận thấy nguy hiểm”, ông Hưng cho biết.

Theo nguồn tin của PV, đường Nha Trang – Đà Lạt (phía địa phận phía tỉnh Lâm Đồng) hiện cũng đang bị sạt lở. Ngành chức năng 2 tỉnh Khánh Hòa - Lâm Đồng đã huy động máy móc, phương tiện, công nhân có mặt tại hiện trường khẩn trương khắc phục sạt lở.

Việc tuyến đường này bị sạt lở làm cho hoạt động du lịch, trao đổi hàng hóa giữa 2 trung tâm du lịch là TP Nha Trang - TP Đà Lạt bị ngưng trệ, nhiều xe khách phải hủy chuyến, hủy tour…

Trước đó, vào đầu tháng 11, đường Nha Trang - Đà Lạt đã bị sạt lở khiến giao thông bị tê liệt trong hơn một tuần. Vụ sạt lở này có hơn 10 điểm, với hơn 30.000 m3 đất đá tràn xuống. Đến đầu tháng 12, tuyến đèo này lại bị sạt lở lần thứ 2, với hàng nghìn khối đất đá.

Được biết, quốc lộ 27C dài hơn 120 km, nối TP Nha Trang (Khánh Hòa) với TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Đoạn qua đèo Khánh Lê cao 1.700 m, dài 33 km, được cho là đèo dài nhất Việt Nam. Tuyến đèo uốn lượn qua nhiều vách núi, khúc cua gấp, vách đá cao và vực sâu đến 300 m.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG