> Triển khai học bổng Olympia cho học sinh trung học cơ sở
Tiền Phong có cuộc trao đổi với bà Tạ Bích Loan, Trưởng ban Thanh Thiếu niên - Đài Truyền hình Việt Nam và GS Văn Như Cương, một trong những cố vấn câu hỏi của chương trình.
Bà Tạ Bích Loan cho biết: Đài Truyền hình Việt Nam đã và đang có một gameshow dành cho học sinh thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả, đó là Đường lên đỉnh Olympia. Chương trình Chinh phục cũng giống Đường lên đỉnh Olympia ở chỗ: người chơi cùng chinh phục một đỉnh cao và giải thưởng dành cho người thắng cuộc là vòng nguyệt quế. Nhưng tinh thần vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao ấy ở Chinh phục bắt đầu sớm hơn: từ lứa tuổi thiếu niên, 11 – 12 tuổi. Đó là điểm khác biệt rõ giữa hai chương trình.
Nhưng tôi e rằng có thể Chinh phục sẽ thú vị hơn, bởi các câu hỏi của chương trình không chỉ là mở ra bên ngoài những kiến thức trong nhà trường mà còn dựa vào đam mê, sở thích của từng người chơi. Tham gia gameshow, các em học sinh THCS sẽ được trải qua những cuộc thi đấu kịch tính, qua đó các em thể hiện được sự thông minh, tính sáng tạo, cá tính và bản lĩnh của mình trên con đường chinh phục tri thức.
Là chuyên gia giáo dục, giáo sư thấy thế nào về việc kết hợp giữa giải trí và giáo dục?
GS Văn Như Cương: Theo tôi, đây là sự kết hợp cần phải có, đặc biệt là trên truyền hình. Nhưng phải làm sao để chúng ta hướng các em vào những hoạt động giải trí đúng đắn, kiểu như các gameshow thi kiến thức, bộc lộ được trí thông minh, thay vì những trò chơi vô bổ. Ở nhà, nếu nhìn thấy các cháu xem những bộ phim ngoại quốc trên TV hoặc mở máy tính chơi game thì tôi rất buồn. Do đó, có những chương trình kiểu thế này tôi thấy rất hay.
Được biết, trong quá trình tuyển chọn học sinh tham gia trò chơi, khi trả lời các câu hỏi của ban tổ chức, nhiều em cho rằng tầm vóc học sinh Việt thua kém học sinh các nước. Giáo sư nghĩ thế nào về điều này?
GS Văn Như Cương: Tôi cho rằng tất cả là lỗi tại người lớn, gồm gia đình, xã hội và đặc biệt là nền giáo dục. Chúng ta không tạo ra được một môi trường để đào tạo, chắp cánh cho các em, nâng các em lên ngang tầm với đòi hỏi, yêu cầu của xã hội. Nghiên cứu format của chương trình Chinh phục, tôi nhận thấy đây là hành động cụ thể góp phần làm cho tầm vóc suy nghĩ của các em lớn hơn, không chỉ bó hẹp bởi những kiến thức trong nhà trường và trong vỏ ốc của mỗi gia đình.
Là cuộc thi bài bản, người tham gia thì nhỏ tuổi, giáo sư có cho rằng, những điều đó dễ khiến người chơi sốc khi không được vào vòng trong, hoặc dễ mắc bệnh ngôi sao khi thắng cuộc?
GS Văn Như Cương: Với chương trình như thế này, tôi kỳ vọng vào lợi ích mà nó mang lại cho người xem. Tính giáo dục của nó không chỉ thể hiện ở việc người chơi trả lời như thế nào mà ở chỗ những khán giả nhỏ tuổi theo dõi cuộc thi ra sao. Một cuộc thi thì nhất định phải có người nhất, người nhì, và tất nhiên là phải có những người thất bại.
Đối tượng người thi là học sinh lứa tuổi hình thành nhân cách, tâm sinh lý phức tạp nên trách nhiệm của những nhà tổ chức sẽ rất nặng nề, họ cần phải có giải pháp để những người chơi không ai bị đè nặng bởi cảm giác thua cuộc, cũng không em nào tự mãn mình là ngôi sao.
Như vậy, cần phải xác định mục tiêu cuộc thi theo hướng không tuyển chọn ra những em xuất sắc nhất mà là để phục vụ những khán giả (cả người lớn và trẻ nhỏ) đang ngồi trước màn ảnh nhỏ theo dõi chương trình. Phải làm sao để sau mỗi lần xem chương trình, ai cũng đều có cảm giác như vừa được tham gia buổi học bổ ích và thú vị.
1. Chương trình Chinh phục được ấn định lịch phát vào 21 giờ tối thứ Tư hằng tuần trên VTV6 và phát lại vào 16 giờ Chủ nhật trên VTV3. 2. Chinh phục (Vietnam’s Brainest Kid) là phiên bản Việt hóa của chương trình Britain’s Brainest Kid của Sony Pictures Television. Ở mỗi mùa giải, những em đạt vị trí quán quân (chia theo hai lứa tuổi 11-12 và 13-14) sẽ được tặng phần thưởng là suất học bổng du học hè tại châu Âu. Ngoài ra chương trình cũng dành những suất học bổng du học hấp dẫn khác dành cho thí sinh được giải nhì, ba và thí sinh có am hiểu sâu sắc về môi trường. Trường có thí sinh đạt giải quán quân mỗi mùa giải sẽ được nhận Quỹ xây dựng thư viện Vì tầm vóc Việt trị giá 100 triệu đồng. |
Quý Hiên
thực hiện