Ông Đinh Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoimilk, bên giấy niêm phong mới gỡ |
“Hơn 100 tấn phải chuyển đổi thành phân bón hoặc thức ăn gia súc do hết hạn sử dụng, số còn lại công ty đem bán”, ông Đinh Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoimilk, cho biết.
Không đủ kinh phí tiêu hủy nên thoát nạn
Xé toạc tờ giấy niêm phong gắn trên lô sữa nguyên liệu nằm im lìm trong kho bảo quản hơn ba tháng nay, ông Thịnh thở phào.
Xe bốc dỡ hàng lần lượt bốc từng lô sữa được chính tay Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị gỡ niêm phong đưa lên ô tô, vận chuyển sang Đông Anh để chuyển đổi mục đích sử dụng theo đúng tinh thần công văn của Bộ Y tế vừa trao cho doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Y tế, bà Phạm Thị Ngọc, Thanh tra Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, công nhận điều kiện bảo quản an toàn sau khi kiểm tra chớp nhoáng kho bảo quản và từ chối chụp ảnh cùng ông Thịnh bên tấm giấy niêm phong đóng dấu đỏ chót của Bộ Y tế vừa bị gỡ ra.
180 tấn sữa được gỡ niêm phong bao gồm hai lô sữa nhập từ Trung Quốc - 75 tấn sữa còn hạn và 105 tấn sữa hết hạn, bị Bộ Y tế ra công văn yêu cầu tiêu hủy ngày 3/10/2008 do nhiễm melamine.
“Do khối lượng sữa quá lớn và khó khăn về kinh tế nên chúng tôi không đủ kinh phí để tổ chức tiêu hủy theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, Phó Tổng Giám đốc Hanoimilk Đặng Anh Tuấn trình bày trong công văn đề ngày 7/1/2009 gửi Bộ Y tế, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm và báo chí.
Nhờ thiếu kinh phí tiêu hủy ngày đó, thiệt hại về kinh tế của doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở 42 tỷ đồng.
“Đấy là chưa tính đến thiệt hại về thương hiệu. Chúng tôi hợp tác với một đối tác Hàn Quốc xây dựng nhà máy trong thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng sau khi có thông tin sữa của chúng tôi bị nhiễm melamine, đối tác đã từ chối”, ông Thịnh giãi bày.