Dùng trả nợ và nâng cấp trang thiết bị y tế

Số tiền dư từ Quỹ BHYT sẽ được chi cho mua sắm thêm thiết bị phục vụ chữa trị Ảnh: T.L
Số tiền dư từ Quỹ BHYT sẽ được chi cho mua sắm thêm thiết bị phục vụ chữa trị Ảnh: T.L
TP - Từ năm 2005 - 2009, Quỹ Bảo hiểm Y tế luôn bị bội chi với mức 3.083 tỷ đồng. Sau 5 năm liên tục bị bội chi, năm 2010, Quỹ Bảo hiểm Y tế đã có số dư khoảng 3.500 tỷ đồng. Ông Nguyễn Minh Thảo - Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh vấn đề này.
Số tiền dư từ Quỹ BHYT sẽ được chi cho mua sắm thêm thiết bị phục vụ chữa trị Ảnh: T.L
Số tiền dư từ Quỹ BHYT sẽ được chi cho mua sắm thêm thiết bị phục vụ chữa trị. Ảnh: T.L.

Ông Thảo cho biết: Những năm trước (từ năm 1992 đến năm 2009), người tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT) với mức phí là 3% mức lương tối thiểu, trong khi đó, nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao, dịch vụ y tế phát triển nhanh. Năm 2005 liên bộ Tài chính - Y tế đã bổ sung trên 1.000 dịch vụ kỹ thuật trong đó có 160 dịch vụ kỹ thuật cao được quỹ BHYT thanh toán dẫn tới tình trạng mất cân đối của quỹ BHYT.

Năm 2008, khi Quốc hội thông qua Luật BHYT đã quy định mức phí tham gia BHYT lên từ 3% đến 6%. Nghị định 62 của Chính phủ quy định mức cụ thể là 4,5% mức lương tối thiểu. Vì vậy mà quỹ BHYT cũng được tăng lên.

Ông Nguyễn Minh Thảo
Ông Nguyễn Minh Thảo.

Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, số người tham gia BHYT tăng nhanh từ 39 triệu lên 51 triệu đồng. Việc trở lại với quy định bệnh nhân cùng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh đã hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí quỹ BHYT từ phía người bệnh cũng như cơ sở khám chữa bệnh.

Năm 2010, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Thanh tra Chính phủ tăng cường thanh tra, kiểm soát việc sử dụng quỹ BHYT, các địa phương quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng quỹ khiến quá trình thu chi của quỹ hợp lý hơn, góp phần cân đối quỹ và tạo kết dư.

Việc bệnh nhân cùng chi trả 20% chi phí khám bệnh, mang lại những lợi ích gì khác, thưa ông?

Việc cùng chi trả có cái hay là bệnh nhân tăng cường việc tự bảo vệ sức khỏe, vì nếu mắc bệnh họ sẽ phải cùng bỏ tiền để khám chữa bệnh. Việc ỷ lại có BHYT chi trả khiến người ta đôi khi không giữ gìn sức khỏe với quan niệm ốm khắc có BHYT lo hết. Người bệnh và bác sĩ khi chỉ định thuốc và dịch vụ kỹ thuật cũng phải lựa chọn phù hợp để tiết kiệm chi phí của người bệnh và bảo hiểm. Hơn nữa, người bệnh khi cùng chi trả sẽ tham gia vào kiểm soát chi phí khám chữa bệnh của mình đối với cơ sở y tế.

Đối với các cơ sở y tế, việc thực hiện thanh toán theo định suất khiến các đơn vị này chủ động hơn trong việc quản lý và sử dụng quỹ đồng thời họ cũng phải căn cơ hơn trong việc vừa đảm bảo chất lượng điều trị bệnh cho bệnh nhân, vừa đảm bảo không thâm hụt số tiền đã được phân bổ cho đơn vị. Năm 2010, quỹ BHYT được phép chi 22,5 nghìn tỷ đồng, trong đó chi phí mà Chính phủ giao cho Bảo hiểm Xã hội được chi là 17,5 nghìn tỷ đồng, nhưng thực chi hết 19 nghìn tỷ đồng nên số dư khoảng 3.500 tỷ đồng.

Số kết dư 3.500 tỷ đồng đó Bảo hiểm xã hội sẽ sử dụng vào việc gì?

Số dư của quỹ BHYT của năm nay đầu tiên hoàn trả nợ cho quỹ hưu trí, vì trong 5 năm trước, quỹ BHYT luôn rơi vào tình trạng bội chi, phải mượn tiền từ quỹ hưu trí (do cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý) để thanh toán tiền khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT.

Sau khi trả nợ quỹ hưu trí, số tiền còn lại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ báo cáo liên bộ để xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép trích một phần để nâng cấp trang thiết bị cho cơ sở y tế, đặc biệt ưu tiên cho y tế vùng sâu, vùng xa và y tế cơ sở. Nếu các tỉnh có số kết dư nhiều có thể lựa chọn để đầu tư một số các trang thiết bị để phục vụ kỹ thuật cao, để nâng cao chất lượng trong chẩn đoán và điều trị.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có trích quỹ BHYT để thưởng cho cán bộ không?

Theo quy định phần kết dư của quỹ không được trích để thưởng cho cán bộ của ngành bảo hiểm xã hội dưới bất kỳ hình thức nào.

Hầu hết các nước trên thế giới đều có quỹ BHYT dự phòng, Việt Nam thì sao, thưa ông?

Theo quy định của Luật BHYT thì quỹ BHYT dự phòng phải bằng chi phí sử dụng của 2 quý liền kề trước đó và mức dự phòng tối đa không quá 2 năm. Như vậy với mức chi thực tế năm nay là khoảng 19 nghìn tỷ đồng thì theo quy định quỹ dự phòng phải có gần 10 nghìn tỷ đồng. Nhưng giờ quỹ mới chỉ kết dư đủ trả nợ các năm trước nên chưa có quỹ BHYT dự phòng theo quy định.

Quỹ dự phòng có nhiệm vụ đảm bảo cho chi trả khi có thay đổi về viện phí, cơ cấu bệnh hoặc khi có dịch vụ y tế kỹ thuật mới.

Năm 2011, quỹ BHYT sẽ thế nào?

Năm 2011 dự báo cân đối quỹ là rất khó vì Chính phủ có chủ trương điều chỉnh mức viện phí. Nếu viện phí được điều chỉnh thì sẽ tác động vào việc cân đối quỹ rất lớn nên chúng tôi chưa dự báo được. Nếu với viện phí chưa thay đổi thì quỹ BHYT sẽ tiếp tục được cân đối và có kết dư để bổ sung cho quỹ dự phòng.

Cảm ơn ông.

Thái Hà

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG