> Nhiều “ông lớn” tạm nhập nhiều, tái xuất ít
Không thể nói DN trốn thuế ?
Ông Tú nói: Theo Nghị định 84, các doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu xăng dầu do Bộ Công Thương cấp thì được phép kinh doanh TNTX xăng dầu.
Hàng TNTX xăng dầu hiện nay thực hiện theo Thông tư 165/2010/TT-BTC và Thông tư 126/2011/TT-BTC. DN thực hiện TNTX tại cơ quan Hải quan, không phải xin phép của Bộ Công Thương.
Theo quy định hiện hành, DN muốn chuyển xăng dầu TNTX sang tiêu thụ nội địa thì phải nộp các loại thuế như nhập khẩu kinh doanh bình thường.
Ngoài ra, hàng TNTX được tạm nhập và hoãn thuế 180 ngày, cộng với 15 ngày gia hạn tối đa, tổng cộng 195 ngày. Nếu DN chuyển hình thức như vậy, phải nộp thêm tiền phạt chậm nộp thuế.
Có thể nói, không loại trừ các DN lợi dụng chính sách để hưởng lợi về thuế, chứ chúng ta không thể nói DN trốn thuế được vì DN làm đúng theo pháp luật quy định.
Vậy theo ông, DN có thể lợi dụng kẽ hở chính sách như thế nào?
Thứ nhất, DN có thể tận dụng đăng ký phạt chậm nộp thuế vì số tiền này thấp hơn tiền lãi vay ngân hàng.
Thay vì nộp thuế ngay, thì DN được chậm nộp thuế 180 ngày và được hưởng phần chênh lệch giữa lãi suất vay ngân hàng với khoản phải nộp nếu có.
Thứ hai, nếu DN nhập khẩu vào thời điểm thuế thấp nhưng chuyển loại hình kinh doanh nội địa vào thời điểm thuế cao thì có thể hưởng chênh lệch giữa hai loại thuế này.
Tuy nhiên, điều này rất khó vì DN chỉ được hưởng lợi khi nhập vào và dự báo được trước là thuế sẽ tăng. Phải khoảng 3 tháng thì mới có lợi mà điều này không dễ.
Theo ông, có nên bỏ hình thức TNTX ?
TNTX bất cứ loại hàng hóa nào là một hình thức kinh doanh phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Hơn nữa, xăng dầu không còn là mặt hàng cấm nhập, cấm xuất khẩu, vì thế DN được tự do TNTX.
Tôi tin rằng, đại bộ phận các DN tham gia TNTX xăng dầu làm một cách nghiêm túc, còn một số ít lợi dụng kẽ hở, thì đó không phải là vi phạm và chúng ta phải có giải pháp.
Thứ ba là một số DN lợi dụng hình thức này để buôn lậu, như vừa rồi Hải quan vừa bắt được một số vụ. Việc này là vi phạm pháp luật và cần phải xử lý theo pháp luật.
Tạm dừng TNTX xăng dầu trên biển
Vậy ông có số liệu gì chứng minh là các doanh nghiệp xăng dầu trong sạch trong việc TNTX xăng dầu?
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, năm 2010, kim ngạch hàng tạm nhập là 5 tỷ USD, rốt cục tái xuất chỉ có 4 tỷ USD. Năm 2007, hàng hóa tạm nhập vào Việt Nam là 1,755 tỷ USD nhưng xuất ra lại chỉ có 120 triệu USD.
Tôi không thể cung cấp mọi số liệu nhưng có một số số liệu sau mà từ đó bạn có thể đánh giá được vấn đề.
Năm 2011, theo thống kê của Bộ Công Thương qua báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng xăng dầu tạm nhập để tái xuất là 2,8 triệu tấn và lượng xăng dầu tái xuất là 2,7 triệu tấn.
Như vậy có khoảng 100.000 tấn được các doanh nghiệp chuyển hình thức kinh doanh nội địa. 6 tháng đầu năm 2012, lượng xăng dầu tạm nhập để tái xuất là 1,78 triệu tấn.
Đến hết tháng 6, lượng xăng dầu tái xuất là 1,74 triệu tấn. Mức chênh lệch giữa hàng tạm nhập và tái xuất là khoảng 310.000 tấn. Nhưng trong số này, có một lượng lớn là hàng đang trong giai đoạn chờ tái xuất.
Chỉ có một lượng xăng dầu nào đó được chuyển bán nội địa chứ không phải toàn bộ số lượng trên là chuyển bán nội địa.
Bộ Công Thương có biện pháp gì để hạn chế tình trạng trên?
Trong khi chúng ta đang xem xét để đánh giá lại vấn đề về hàng TNTX, Bộ Công Thương theo chỉ đạo của Chính phủ đã tạm dừng việc TNTX xăng dầu qua đường biển.
Các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang tiếp tục xem xét lại các cơ chế chính sách để doanh nghiệp không thể lợi dụng hình thức trên, tiêu thụ trong nước để kiếm lợi.
Theo tôi, có thể giải quyết bằng một số biện pháp như: Hàng TNTX phải nộp thuế ngay, không ân hạn như trước đây nữa.
Cũng có thể tăng hình phạt chậm nộp thuế khi chuyển hàng TNTX sang tiêu thụ trong nước. Đồng thời, phải tăng cường các biện pháp chống buôn lậu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cảm ơn ông.
Phạm Tuyên- Phạm Anh
Thực hiện