Gần đây, chuyện tranh giả lại nóng. Con trai của họa sỹ Đông Dương Nguyễn Trọng Hợp, họa sỹ Nguyễn Đức Hòa khẳng định, bức tranh được một nhà sưu tập nọ rao bán không phải của bố anh vẽ, như “quảng cáo”.
Lý lẽ anh đưa ra: “Bố tôi không vẽ kém như vậy”. Nhiều học trò và người yêu mến tranh của cố họa sỹ Nguyễn Trọng Hợp cũng đồng quan điểm với họa sỹ Nguyễn Đức Hòa: “Thầy Nguyễn Trọng Hợp vẽ về miền núi kỹ, chi tiết nhưng rất giản dị, không tham tả như trong bức này”; “Tranh giả. Nhìn thua tranh sinh viên”.
Giữa làn sóng dư luận, nhà sưu tập nọ phân bua: “Tôi cũng đã khá cẩn thận khi mua tranh để chơi”. Nhà sưu tập chia sẻ, anh chỉ mua tranh từ họa sỹ và nhà họa sỹ; từ nhà đấu giá; mua qua một số nhà sưu tập có uy tín. Gallery đã bán tranh cho nhà sưu tập cũng xác nhận bức tranh do họ bán ra đã được kiểm tra kỹ mọi chi tiết của tác phẩm, dựa trên các yếu tố khách quan và logic khoa học.
Giữa lúc căng thẳng cực điểm, con trai cố họa sỹ Nguyễn Trọng Hợp bất ngờ đăng công khai lời cáo lỗi trên trang cá nhân. Anh nói rằng, do chỉ xem hình ảnh qua màn hình điện thoại cầm tay, không nét, lại nghiêng nên nhất thời anh phủ nhận đó là tranh của cha mình. Nhưng khi được xem ảnh nét và chi tiết hơn thì công nhận “đó là một trong các bức phác thảo-thể nghiệm của bố tôi trong quá trình làm tranh. Có điều, đó là phác thảo-vẽ thử chứ chưa đạt đến tầm tranh của bố tôi”.
Theo con trai của cố họa sỹ, bức phác thảo mà nhà sưu tập gọi là tranh, được họa sỹ Nguyễn Trọng Hợp ký tên năm 1984, cùng với nhiều bản vẽ khác mà “cụ” chưa ký trước đó. Nhà sưu tập và gallery nọ đã được “giải oan”.
Từ lùm xùm tranh giả- tranh thật ở trên, đặt ra vấn đề hành xử văn hóa đối với tác phẩm nghệ thuật. Một ý kiến đáng suy nghĩ từ một người trong nghề: “Đừng hơi tí là ầm lên Tranh giả! Vì điều đó không làm thị trường tốt lên mà chỉ khiến những người yêu nghệ thuật sợ hãi rời xa tranh, ai còn dám đầu tư vào nghệ thuật Việt nữa”. Một vấn đề khác đặt ra, với tranh của các tác giả đã khuất, việc thẩm định tranh thật- tranh giả có nên chỉ trông chờ vào khẳng định từ người thân của họ? Bởi người thân cũng có khi nhầm, như trường hợp trên.
Một câu chuyện khác, hiện nay khá nhiều nhà sưu tập rao bán hoặc khoe sở hữu tranh nude của cố điêu khắc gia nổi tiếng Lê Công Thành. Song những ai từng yêu mến Lê Công Thành đều hiểu, chỉ điêu khắc mới đích thực của Lê Công Thành, còn hội họa bấy lâu nay được ghép tên chung: “Hội họa Thành- Thái”. Ai đảm bảo những bức tranh gắn tên Lê Công Thành đang được rao bán hiện nay “chuẩn” tranh Thành? Vì cả Lê Công Thành và vợ ông, Kim Thái đều say mê vẽ nude, theo lối mô phỏng tượng nude của Lê Công Thành. Vấn đề ở chỗ, giá tranh của hai vợ chồng chênh lệch trên thị trường. Nói tranh của Lê Công Thành, đương nhiên giá khác ngay.