Sau khi bài báo Thêm một Đừng đốt bằng tranh, chúng tôi kỳ vọng, có ai đó từng biết hoặc đồng đội của L.Đ.Tuấn, hoặc ai đó từng được chính người lính - họa sĩ này ký họa chân dung, đọc bài báo, sẽ cung cấp thông tin để chúng tôi có thêm đầu mối lần tìm nhân thân L.Đ.Tuấn. Nhưng vẫn bặt tin, dù bài viết được nhiều bạn đọc phản hồi.
Nhìn những bức tranh, nét vẽ, họa sĩ Việt Tuấn (báo Tiền Phong) khẳng định, đây không phải dân amateur nghiệp dư, mà chắc chắn là người học mỹ thuật rất bài bản. Từ nhận định đó, chúng tôi đến trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Hà Nội Lê Anh Vân, sau khi xem tranh và nội dung bài báo, nói: “Đây là họa sĩ rất có nghề. Chúng tôi sẽ tìm toàn bộ hồ sơ của sinh viên thời kỳ đó, để giúp các bạn tìm nhân thân anh ấy”.
Trong thời gian ấy, cũng có một vài người tên Tuấn, đang là học sinh của trường thì nhập ngũ nhưng không ai có họ và tên lót trùng với L.Đ.Tuấn. Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cũng tận tình giúp, nhưng cũng chưa tìm ra, phần vì thông tin mơ hồ, phần vì thời gian quá lâu nên hồ sơ không lưu được đầy đủ.
Bà Lê Thị Kim Dung - Em gái của L.Đ.Tuấn và bức tranh “Đường ra phía trước” của anh trai tặng, có cùng phong cách với những bức tranh trong cuốn nhật ký của anh. |
Tìm tên anh trên bia mộ
Chúng tôi chỉ còn hướng duy nhất tìm gặp Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, người từng là Trung đoàn trưởng 24 những năm 1968-1970.
Đây là trung đoàn ba lần đánh bại cuộc hành quân Bình Tây của quân Mỹ và quân Sài Gòn ở Chư Pa, Cờ - Leng, là khu vực mà, theo thiếu tá Robert B Simpson (sỹ quan Mỹ, người lượm được ba lô của L.Đ.Tuấn, trong đó có cuốn nhật ký) cho rằng L.Đ.Tuấn đã chết tại đồi Yên Ngựa, cách một làng người Thượng có tên là Polei Kreng (Cờ-Leng).
Nhà Trung tướng Nguyễn Quốc Thước ở khu vực đường Bưởi (Hà Nội). Nhắc đến Trung đoàn 24, mắt vị tướng già sáng rực. Ký ức một thời oanh liệt ùa về trong ông. Lật giở, xem từng bức tranh của L.Đ.Tuấn, ông thốt lên: “Đúng là một họa sĩ tài hoa. Tuấn phản ánh rất chân thật và sinh động đời sống, sinh hoạt của bộ đội trong suốt cuộc hành quân. Đây thực sự là một kỷ vật quý”.
Vị tướng già hứa “sẽ nhờ mọi người tìm giúp liệt sĩ có tên L.Đ.Tuấn”. Ngay hôm sau, ông gọi lại, tỏ vẻ thất vọng. “Tôi đã gọi cho Sư trưởng Sư đoàn 10 và Chính ủy Sư đoàn, nhờ anh em tìm trong danh sách hơn một vạn liệt sĩ hy sinh được ghi danh trên bia trong nhà truyền thống của Sư đoàn, lục tìm trong danh sách lưu trên máy tính. Nhưng không ai có tên như tác giả cuốn ký họa”. Trước khi gác máy, ông còn dặn: “Khi nào tìm được thông báo cho mình với nhé”.
Một ký họa trong cuốn nhật ký |
Manh mối
Ngày 25-1, toà soạn nhận được bức thư của một bạn đọc gửi từ phường Phương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Trong thư, người viết tự giới thiệu là Phạm Mạnh Phưởng, cựu chiến binh, đại tá về hưu.
Thư viết: “Sau khi đọc bài báo Thêm một đừng đốt bằng tranh” trên Tiền Phong. Là một cựu chiến binh, tôi thấy mình có trách nhiệm phải cung cấp thông tin mà mình biết để các đồng chí có thêm tư liệu. Vậy kính mong các đồng chí cử người trực tiếp đến gặp tôi để tiện trao đổi cụ thể, chi tiết về những gì mà tôi biết về đồng chí L.Đ.Tuấn”.
Sau hồi giới thiệu thân thế như để làm tin, ông nói: “Tôi chính là em rể họa sĩ L.Đ.Tuấn”.
Ông Phưởng gọi vợ là bà Lê Thị Kim Dung, từ trên gác xuống. Tay rót nước mời khách, bà Dung chậm rãi: “L.Đ.Tuấn chính là anh trai tôi. Anh ấy là Lê Đức Tuấn. Ngay hôm đọc và nhìn những bức tranh báo đăng, tôi đã ngờ ngợ đó chính là anh Tuấn rồi. Và hiện anh ấy còn sống”.
Rồi bà Dung kể: “Nhà tôi có bốn anh chị em, anh Tuấn là thứ hai. Từ ngày học vẽ ở trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp, anh đã có thói quen ký tên và viết ngày tháng rồi đóng khung. Sau này, tôi cũng học cách ký như anh”.
Sau đó, bà Dung lấy ra một bức họa mà anh trai tặng, để tôi xem. Bức họa được Lê Đức Tuấn vẽ tháng 2-1968, có tên Đường ra phía trước. Góc trái bức tranh có chữ ký và cách ghi ngày tháng giống với nhiều bức tranh trong cuốn nhật ký bằng tranh của L.Đ.Tuấn.
Bà Dung cho biết, nhìn tranh, đối chiếu với những thông tin mà thiếu tá người Mỹ Robert B Simpson ghi lại, thì thời điểm đó, viên thiếu tá này lượm được ba lô, trong đó có ba cuốn sổ, một cuốn thơ. Thông tin này trùng khớp với những thứ mà ông Tuấn bị mất khi ra trận.
Trong ba cuốn sổ, một cuốn là của bà Dung tặng, một cuốn là bạn bà Dung tặng và một cuốn do chính người bạn thân của ông Tuấn là họa sĩ Hoàng Thư tặng. Chính cuốn nhật ký bằng tranh mà ông Tuấn vẽ, là cuốn sổ do bạn thân là Hoàng Thư tự tay đóng, tặng ông Tuấn trước ngày nhập ngũ.
Lật giở cuốn nhật ký bằng tranh của L.Đ.Tuấn, ngay trang thứ ba, hiện còn lưu dòng đề tặng của Hoàng Thư (chứ không phải Hoàng Thu): L. Đ. Tuấn thân mến. Chúc Tuấn lên đường tham gia nghĩa vụ mạnh khỏe. Bạn rất thân, Hoàng Thu, 15.3.1967. Như vậy đã rõ: L.Đ.Tuấn chính là người lính - Họa sĩ Lê Đức Tuấn, anh trai của bà Dung.
Tin vui
Tôi đề nghị vợ chồng bà Dung đưa đến gặp ông Tuấn. Ông Phưởng can: “Ông ấy chưa chịu gặp đâu. Hôm tôi viết thư gửi báo, phải thuyết phục mãi ông ấy mới đồng ý, trước khi cho tôi gửi thư còn bắt tôi phải cho ông duyệt trước nội dung mới cho gửi đi”.
Ngồi kế bên, bà Dung phân trần: “Trong bốn anh em, tôi là người hợp với anh Tuấn nhất. Tính anh ấy nhút nhát và hiền lắm. Hôm báo đăng, đồng đội, gia đình nói anh nên xuất hiện để báo khỏi phải mất công tìm, nhưng anh cứ khăng khăng “nhỡ tác giả cuốn nhật ký không phải là mình thì xấu hổ lắm”.
Nghe vậy, tôi đành nhờ ông Phưởng thuyết phục thêm để ông Tuấn đồng ý gặp. 10 giờ tối 25-1, tôi nhận điện thoại của ông Phưởng thông báo “ông Tuấn đã đồng ý gặp anh vào sáng mai”.
Một số ký họa trong cuốn nhật ký |
Đừng đốt bằng tranh Tháng 3-1968, thiếu tá Robert B Simpson, sỹ quan tiểu đoàn 3, trung đoàn 8 sư đoàn 4 thuộc quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam, đã nhặt được cuốn sổ ký họa bằng tranh (khổ 16 x 21cm) cùng cuốn thơ Puskin và một số vật dụng khác trong chiếc ba lô của L.Đ.Tuấn, trong một trận càn quét. Cuốn nhật ký có 112 bức tranh (nay còn lại 109 bức), ghi lại cuộc sống, sinh hoạt của người lính và những bản làng mà anh đã đi qua. Trong một bài viết đăng trên báo Mỹ hồi đó, Robert B Simpson kể, đồng đội của anh ta đã định đốt cuốn nhật ký, nhưng Robert B Simpson can. Bởi chính những bức tranh có lửa ấy, đã làm rung động cả những người lính ở phía bên kia chiến tuyến. Trong bài báo, Robert B Simpson viết: “Người lính có tên L.Đ.Tuấn còn rất trẻ, là người học thức. Anh còn mang theo một tập thơ. L.Đ.Tuấn đã hành quân hàng ngàn kilômét. Các bức vẽ, tập thơ là rất quan trọng đối với anh. Thông thường người ta không mang theo những gì không có tính quan trọng khi mang nặng hành quân trong rừng hàng tháng trời”. Và chính những người lính Mỹ tiểu đoàn 3 đã không đốt cuốn nhật ký, không vứt bỏ nó mà còn dịch những câu chú thích ngắn ngủi sang tiếng Anh, sau đó đem tặng viên tướng chỉ huy mặt trận Đắc Tô, Tân Cảnh thời đó - tướng William R. Peers. Và chính viên tướng này đã cất giữ cuốn nhật ký mấy chục năm qua, trước khi chết (năm 1984), gửi lại người thân, với ước nguyện chuyển lại cuốn nhật ký ấy cho người thân của L.Đ.Tuấn. Vì họ nghĩ, L.Đ.Tuấn đã hi sinh. Ngày 9-1-2010, hưởng ứng Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu kỷ vật kháng chiến, cuốn nhật ký được phía Mỹ trao cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. |
Kỳ sau: Gặp tác giả cuốn nhật ký bằng tranh