Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo sự nguy hiểm của việc sử dụng điện thoại khi đang kết nối với nguồn điện, nhất là khi điện thoại ở chế độ pin yếu. Tuy nhiên, chẳng có mấy người sử dụng điện thoại lưu tâm đến vấn đề cực kỳ quan trọng, có thể liên quan đến sự sống - còn này.
Khi vừa dùng vừa cắm sạc điện thoại, điện thoại sẽ bị nóng lên quá mức. Điện thoại nóng lên là điều đầu tiên người dùng cảm nhận được trong lúc dùng thiết bị khi đang sạc pin. Smartphone ngày nay thường có hiện tượng nóng máy nếu sử dụng liên tục trong khoảng thời gian dài, đặc biệt với những dòng máy có vỏ kim loại nguyên khối. Nhưng người dùng thường bỏ qua vấn đề này và cho đó là hiện tượng bình thường. Trạng thái nóng máy kéo dài sẽ gây nhiều tác hại không tưởng, khi sức nóng đạt đến mức tối đa có thể gây cháy nổ hay rò rỉ bo mạch bên trong.
PGS.TS Nguyễn Trường Luyện – nguyên cán bộ Viện Vật lý kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, nguy cơ tai nạn cho người sử dụng khi vừa nghe điện thoại, vừa sạc pin có thể xảy ra. Với những điện thoại cũ, các điểm tiếp xúc ở chỗ sạc không tốt, hoặc các bộ phận linh kiện không đảm bảo chất lượng, bị hỏng dễ gây ra hiện tượng này. Chưa kể, khi sạc pin điện thoại trong trường hợp không gian bị ẩm sẽ có tiếp xúc ở chỗ sạc có hơi nước. Điều này sẽ gây ra hiện tượng đánh lửa, phát nổ.
Theo các chuyên gia, muốn không trả giá bằng mạng sống hoặc tàn phế cần bỏ ngay thói quen dùng điện thoại đang sạc và để điện thoại đang sạc gần người; luôn kiểm tra cục dây sạc để phát hiện chỗ hở; không để đồ sạc lung tung; dùng sạc chính hãng; chú ý vật dụng kim loại ở gần điện thoại hay cục sạc; thấy điện thoại quá nóng phải ngừng sạc (khoảng 800C pin sẽ nổ); nên thay pin khi dùng 3 năm.
Lý giải về việc có hiện tượng khi nghe điện thoại trong trạng thái sạc sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu hơn, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện cho rằng, điện thoại di động sử dụng sóng điện từ để chuyển tải giọng nói, tin nhắn… từ máy cầm tay tới trạm thu phát sóng. Do vậy, giống như các loại sóng điện từ khác, sóng điện thoại di động cũng mang năng lượng có khả năng tác động lên cơ thể con người.
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Luyện, sai lầm của nhiều người khi dùng điện thoại di động là áp vào sát tai để nghe, nhất là trong những lúc đi đường. Điều này rất có hại bởi năng lượng sóng vibar lên tế bào thần kinh lớn hơn rất nhiều, vượt ngưỡng cho phép sẽ tác động nhiều đến thần kinh, làm cho có hiện tượng váng đầu, đau đầu. Bởi vậy, không nên áp sát tai, nên tiếp xúc điện thoại với cơ thể ở khoảng cách an toàn 1 - 2cm.
Các bức xạ của việc sử dụng điện thoại di động sẽ tăng khi pin yếu, hoạt động trong vùng phủ sóng kém. Trong quá trình sạc pin nếu sử dụng điện thoại, các linh kiện bị nóng cũng có thể tăng các bức xạ không tốt cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, đừng nghe quá lâu vì năng lượng tác động lên tế bào thần kinh nhiều sẽ tích lũy năng lượng ấy ở trên tế bào gây ảnh hưởng não. Thực tế, các hãng sản xuất cũng tuân thủ các quy định về mức độ phơi nhiễm của người với năng lượng sóng vô tuyến nhưng nghe điện thoại nhiều quá trong thời gian dài cũng khiến chúng ta bị mệt mỏi, khó chịu.
Bởi vậy, khi sử dụng điện thoại di động thì không nên sử dụng kéo dài, không nên có thói quen để điện thoại gần những bộ phận nhạy cảm như não, tim... Đặc biệt, trong thời gian khoảng 10 giây đầu từ khi bật điện thoại nên để xa tai. Vì trong khoảng thời gian này, công suất điện thoại di động lớn hơn nhiều ngưỡng an toàn cho phép sẽ gây hại cho sức khỏe.