Đừng để “thời gian chết” khi đi tình nguyện

Lớp học dưới mái gươl ở xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. “Cô giáo” là người địa phương, tranh thủ kỳ nghỉ hè dạy các em học bài. Ảnh: Thanh Trần.
Lớp học dưới mái gươl ở xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. “Cô giáo” là người địa phương, tranh thủ kỳ nghỉ hè dạy các em học bài. Ảnh: Thanh Trần.
TP - Hai chữ “tình nguyện” treo trước đầu xe sẽ thắm tươi hơn, nếu các tình nguyện viên để lại một dấu ấn nào đó cho bản làng, thay vì để lại những tấm hình nhạt thếch trên mạng xã hội. 

1. Tôi có chuyến đi tình nguyện năm ngoái tại một huyện miền núi. Từ thành phố lên trung tâm huyện hết 3 giờ đồng hồ rồi từ đó vào thôn mất hơn một giờ đi bộ nữa. Bạn đồng hành với tôi là những thanh niên thành phố dáng vẻ thư sinh, đeo kính cận, tràn trề nhiệt huyết, băng rừng chuyển ván, vác tôn dựng nhà cho đồng bào dân tộc. Ngày đầu tiên, ai cũng hừng hực khí thế, xắn ống quần kéo tay áo hì hục đào đất, đóng cột. Ngày thứ hai, mặt trời ló rạng đã nghe tiếng “mỏi tay quá”, “căng cơ rồi, duỗi chân không được tụi bây ơi”… Công việc bắt đầu muộn và ì 
ạch hơn.

Mọi người không lười, không nản nhưng làm không quen nên mau đuối. Ngay lúc ấy, thanh niên trong bản kéo đến phụ giúp. Họ vác từng tấm gỗ bước thoăn thoắt, leo mái nhà nhanh như sóc, rồi lợp tôn, buộc thép vèo vèo. Có họ, tiến độ công trình tình nguyện rút xuống gần một nửa. Vật lực rất quan trọng, nhưng nhân lực cũng quan trọng không kém trong hoạt động tình nguyện. Với những công việc nặng nhọc như trên, thiết nghĩ, đội quân tình nguyện của thành phố hãy để thanh niên địa phương làm, không phải cứ lặn lội đường xa để hoàn thành một công việc “lạ tay”, vượt quá sức mình. Thay vì vậy, các bạn hãy tới và chỉ cho họ cách tình nguyện ngay trên chính mảnh đất của mình, từ khâu khảo sát địa bàn, xem bà con cần công trình gì, rồi lập kế hoạch, phân nhóm để tiến hành. Việc quan trọng nữa là vận động kinh phí từ những nguồn có thể để gửi về những nơi cần. Và cũng có thể, bày luôn cho thanh niên địa phương cách vận động nguồn tài trợ.

2. Hầu như Trung thu năm nào, dải đất miền Trung cũng mưa ướt nhẹp. Năm ấy, khi đang là sinh viên năm thư ba đại học, tôi đăng ký theo một đoàn tình nguyện mang Trung thu đến cho trẻ vùng cao. Chiếc xe vừa tới bìa xã thì gặp đường đất đỏ nhão nhẹt vì mưa, bùn ngập lốp nên xe không thể chạy tiếp. Sau nhiều giờ, phương án vào xã bằng đường vòng, bằng xe máy đều thất bại, cả đoàn mấy chục người phải cuốc bộ. Chỉ tội mấy bạn trai và bà con nhân dân ì ạch khuân hàng hàng trăm bao gạo, chăn mền, bánh kẹo, mì tôm… Vào tới xã  đã cuối chiều, mọi người tập trung dưới mái nhà gươl để nghe phổ biến chương trình tình nguyện. Anh nhóm trưởng chưa dứt lời thì một tốp bạn gái chạy ù ra bể nước gần đó thay nhau gội đầu, ủ tóc với lý do “không quen để tóc bết”. Trời tối, đội trưởng đội hậu cần lật đật soạn nồi chảo đi nấu ăn. Vì không có điện nên phải nhóm lửa nấu ngoài trời. Khổ nỗi trời vừa mưa xong, củi ướt, nhóm hoài không được nên anh phát cáu. Tôi hỏi, chuyện bếp núc, sao không để mấy bạn nữ đảm nhận. “Mấy má này mà nấu được, tui chết liền!”, anh bực bội đáp. Tôi quay sang bên, thấy chừng năm bạn gái ngồi quanh bao rau, đưa hai ngón tay khều từng cọng lên nhặt, tưởng chừng tới mai mới xong; nhóm khác vừa lo giữ đầu tóc mới gội, vừa lấy đũa khều khều ướp mấy miếng thịt cho bữa tối.

Đêm hội trăng rằm giữa núi rừng diễn ra êm đẹp, đầm ấm dù hơi muộn. 5g sáng hôm sau, các bạn nữ ngủ dậy. Tôi cũng hất mền dậy theo, vừa bước xuống sân đã thấy anh đội trưởng hậu cần nấu nước pha mì tôm.  Khi lên nhà sàn, tôi thấy các bạn nữ ngồi một vòng tròn, người sau tết tóc cho người trước. Tết tóc xong lại đến khâu “make up”: đánh kem nền, phấn phủ, phấn hồng, dán mí mắt, kẻ lông mày, rồi bôi son dưỡng, son màu… Có bạn khều khều tay tôi: “Bôi lên mặt cho tươi, tí mà selfie, dễ chi lên đây, phải làm bộ ảnh lung linh đem về chọc thèm mấy đứa không đi chớ”. Lúc đó, tôi chỉ muốn hỏi các bạn đến đây với mục đích gì? Không ai có quyền ngăn cấm việc đi tình nguyện dù chuyến đi đó có hiệu quả hay không. Nhưng, hai chữ “tình nguyện” treo trước đầu xe sẽ thắm tươi hơn, nếu các tình nguyện viên để lại một dấu ấn nào đó cho bản làng, thay vì để lại những tấm hình nhạt thếch trên mạng xã hội. Nếu không đủ sức làm việc nặng hãy tranh thủ dạy các em bé vùng cao tập đọc, học hát, dạy bà con cách rửa tay, cách nấu nướng sạch sẽ…Đừng để thời gian chết quá nhiều khi đã khoác áo xanh tình nguyện!

3. Trong chuyến công tác lên xã Lăng (Tây Giang, Quảng Nam) tôi thật sự ấn tượng khi thấy các sinh viên đại học về nghỉ hè cứ buổi tối lại đến mái gươl dạy học cho trẻ em trong bản. Các bạn kể lên nương làm cỏ, nhổ sắn từ khi con gà mới gáy cho đến lúc mặt trời khuất núi. Tối đến, tắm rửa xong, ăn vội bát cơm là các bạn lao đến gươl ngay, bởi ở đó trò đang chờ. Cách các bạn làm tình nguyện thật giản đơn. Ở lớp học dưới mái gươl không rình rang treo bảng lớp học miễn phí, thậm chí bục giảng, bàn ghế cũng không, cô trò cứ nằm nhoài giữa nhà đọc viết. Nhiều đêm mưa tầm tã, trẻ em trong bản vẫn nằng nặc đòi đi học chữ. Còn những bà mẹ lấp ló ngoài cửa tủm tỉm cười vì đời con sẽ đọc được sách, ký được tên. Rõ ràng đây là những việc làm rất thiết thực, các bạn đã am hiểu địa bàn, sống cuộc sống mà người dân đang sống, biết họ thiếu cái gì, và cần cái gì…

Hai chữ “tình nguyện” treo trước đầu xe sẽ thắm tươi hơn, nếu các tình nguyện viên để lại một dấu ấn nào đó cho bản làng, thay vì để lại những tấm hình nhạt thếch trên mạng xã hội. Nếu không đủ sức làm việc nặng hãy tranh thủ dạy các em bé vùng cao tập đọc, học hát, dạy bà con cách rửa tay, cách nấu nướng sạch sẽ…

MỚI - NÓNG