Đừng để học sinh quay lưng với môn sử

Đừng để học sinh quay lưng với môn sử
Nền giáo dục “ứng thí” tất yếu dẫn đến cảnh học sinh chỉ học môn sẽ thi và bỏ môn không thi. Nhưng điều quan trọng là việc dạy và học môn sử trong trường học còn nhiều bất cập.

>Xé đề cương môn Sử: Chỉ là hành động bồng bột?

>HS Nguyễn Hiền 'phản pháo' việc xé đề cương môn Sử

Môn học bị coi thường nhất

Hiện nay lịch sử là môn học bị coi thường nhất trong nhà trường phổ thông. Vì là môn phụ nên lịch sử không phải môn thi tốt nghiệp THPT hằng năm, có năm thi, có năm không thi. Năm nào không thi thì không chỉ học sinh muốn “xả hơi”, mà các trường cũng tổ chức học dồn để dành thời gian cho học sinh học môn khác. Thầy cô giáo dạy lịch sử cũng dễ dàng được thay thế bằng thầy cô giáo môn khác, có khi là giáo viên dạy thể dục chẳng hiểu gì về lịch sử. Một môn học bị coi nhẹ đến như vậy thì làm sao có thể nhận được sự quan tâm của học sinh.

Trong khi đó, chương trình - sách giáo khoa môn lịch sử ở bậc phổ thông còn nhiều bất cập. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã nêu lên yêu cầu về kiến thức là nắm bắt được “sự kiện lịch sử tiêu biểu”, “những chuyển biến quan trọng”, “một số nội dung cơ bản và cần thiết”..., nhưng sách giáo khoa vẫn trình bày dàn trải, la liệt các sự kiện rất nặng nề, nhàm chán.

Theo nhận xét của nhiều nhà sử học, sách giáo khoa lịch sử phổ thông gần như tóm tắt sách sử của người lớn để bắt học sinh học. Xét về mặt kiến thức, sách giáo khoa vừa thừa lại vừa thiếu, thừa những cái không cần thiết, thiếu những nội dung cơ bản, tiêu biểu. Cụ thể là một nội dung quan trọng mang tính thời sự hiện nay là lãnh thổ thống nhất và toàn vẹn của Tổ quốc cùng chủ quyền với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trên biển Đông lại không được đề cập trong sách giáo khoa.

Để học sinh không sợ, không coi thường môn sử, cần phải thay đổi chương trình và phương pháp dạy học. Đối với bất cứ nước nào, môn lịch sử đều có chức năng quan trọng trong đào tạo năng lực cho học sinh. Trong năng lực của học sinh, tôi cho rằng quan trọng bậc nhất là nhân cách, là tư duy độc lập sáng tạo, là những tố chất tạo nên bản lĩnh con người, trong đó kiến thức cơ bản và giá trị lịch sử văn hóa là nền tảng. Từ điều này, môn lịch sử cần phải đặt đúng vị thế và chức năng của nó trong hệ thống giáo dục phổ thông và thay đổi để học sinh không quay lưng với sử.

* Thầy Nguyễn Tiến Nghĩa (Trường THPT Quế Võ số 2, Bắc Ninh):

Gánh nặng quá sức trên vai học sinh

Chương trình môn lịch sử là một trong 13 môn học ở bậc THPT. Mỗi học sinh được trang bị 15 cuốn sách giáo khoa với khoảng nửa vạn trang sách, chưa kể thực hành và làm bài tập. Với 139 tiết ở bậc THPT, môn lịch sử chỉ có tám bài sơ kết, tổng kết, còn lại là cung cấp kiến thức mới với rất nhiều sự kiện, số liệu phải ghi nhớ. Chưa kể chương trình lịch sử THPT phân bố bất hợp lý khiến học sinh phải học lịch sử thế giới nhiều hơn lịch sử dân tộc.

Học sinh không được tạo điều kiện để rèn kỹ năng vận dụng kiến thức, không được hướng dẫn cách học khiến phần đông thấy nặng nề, nhàm chán, không hứng thú với môn lịch sử. Vẫn biết rằng học là không bao giờ đủ, học càng nhiều hiểu biết càng rộng, nhưng quả thật chúng ta sẽ cảm thấy tội nghiệp nhiều hơn khi tự đặt mình vào vị trí của các em.

* Một giáo viên (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):

Ngay cả giáo viên cũng ngán

Không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng rất “ngán” nếu thi tốt nghiệp THPT môn sử. Trước hết là vì quá áp lực: đề thi tốt nghiệp môn sử của chương trình cải cách ngày xưa có hai phần về sử Việt Nam (sử Việt Nam chiếm 7 điểm, sử thế giới chiếm 3 điểm), học sinh được chọn một trong hai phần đó (nếu không làm được phần này thì chọn làm phần kia). Còn đề thi môn sử của chương trình phân ban bây giờ học sinh không được chọn lựa như vậy nữa. Chưa kể, đối với môn sử đề thi vẫn được biên soạn nhằm kiểm tra trình độ học thuộc lòng của thí sinh, trong khi môn học này có rất nhiều sự kiện, những ngày tháng năm cần phải nhớ. Ngay chính bản thân người giáo viên cũng cảm thấy áp lực và rồi giáo viên sẽ truyền áp lực ấy sang học trò.

Đó là chưa kể thời lượng dành cho môn sử trên lớp cũng bị Bộ GD-ĐT cắt bớt so với chương trình cải cách (ngày xưa hai tiết sử/tuần thì chương trình phân ban bây giờ chỉ học kỳ 1 được hai tiết sử/tuần, học kỳ 2 chỉ còn một tiết sử/tuần). Chương trình thì quá ôm đồm, nặng nề mà thời gian giảng dạy ít, khiến một số giáo viên chưa có kinh nghiệm không thể chuyển tải hết nội dung bài dạy. Việc này dẫn tới tình trạng học sinh phải học thuộc lòng nhưng không hiểu gì cả.

* M.T. (học sinh Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM):

Nhiều bạn “dị ứng” môn sử

Chúng em không ghét môn lịch sử vì thế hệ hôm nay cần biết về quá khứ để tự hào. Nhưng bài nào cũng dài, khô và nặng với quá nhiều số liệu, sự kiện và quá nhiều khẩu hiệu khiến chúng em bắt đầu thấy “dị ứng” và có tâm lý học chỉ để thi cũng như mừng rỡ khi môn này không thi. Em nghĩ không chỉ lịch sử mà tất cả các môn học cần khơi gợi để học sinh thấy thích học, ứng dụng được vào cuộc sống chứ không phải nhào đi nhào lại thật nhuyễn để thi. Em có người anh học bên y dược rất giỏi, khi em hỏi bài trong chương trình 12, anh từ chối và bảo “quên hết rồi, không dùng nên không nhớ”. Như vậy mục đích cuối cùng của giáo dục đã không đạt rồi.

Cần thay đổi cách dạy và học môn sử

Xung quanh câu chuyện học sinh xé đề cương môn sử, ông ĐÀO TRỌNG THI - ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - chia sẻ: “Tôi cho đây chỉ là cách ứng xử bồng bột thôi chứ các em cũng không có ngụ ý gì. Cứ nghĩ đơn giản thế này, các em không thích thi môn sử, bây giờ không thi thì vui. Đề cương không dùng nữa thì bỏ đi. Cho nên đừng tiếp cận sự việc ở góc độ quá gay gắt. Đương nhiên nếu các em được giáo dục tốt về cách ứng xử, có sự tôn trọng nhà trường, tôn trọng chương trình học tập thì các em có thể có cách khác. Bỏ đề cương không dùng đến không nhất thiết phải làm một cách phản cảm như vậy.

Chuyện dạy và học môn sử từ lâu đã được nói rất nhiều về sự bất cập, khô khan, không hiệu quả. Qua sự việc này càng cho thấy phải thay đổi cách dạy và học môn sử, phải xem là một “điểm nóng” cần phải thay đổi chương trình dạy và học. Phải cung cấp kiến thức môn sử cho phù hợp với lối sống hiện đại. Lối sống hiện đại người ta không cần nhớ con số, ngày tháng năm mà quan trọng là ý nghĩa, giá trị của vấn đề mà các em được học. Chương trình học cần thiên về định tính hơn là định lượng thì sẽ tốt hơn”.

Viễn Sự ghi

Theo Tuổi trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG