Đừng để HLV Park Hang Seo cô đơn

HLV Park Hang Seo
HLV Park Hang Seo
TP - Nhìn từ góc độ chuyên môn, sẽ dễ dàng hiểu được vì sao HLV Park Hang Seo tha thiết có được sự phục vụ của những quân bài mạnh nhất, như Đoàn Văn Hậu, tuy nhiên, ông Park không nhận được sự hỗ trợ quyết liệt từ phía Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT cũng như LĐBĐVN (VFF) như ở SEA Games 30.

Y chí của lãnh đạo ngành thể thao là một yếu tố quan trọng, thậm chí mang tính bước ngoặt với tấm HCV SEA Games 30. HLV Park Hang Seo đã từng có ý định để trợ lý Lee Young-jin dẫn dắt U22 Việt Nam ở kỳ đại hội này để tập trung toàn lực cho vòng loại World Cup. Là nhà chuyên môn, ông dĩ nhiên hiểu được đâu mới thực sự là mặt trận bóng đá Việt Nam cần dành sự đầu tư tốt nhất. Ông Park chỉ thay đổi quyết định sau cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Trở lại với VCK U23 châu Á, kỳ tích cách đây 2 năm ở đấu trường này đã tạo bước đệm cho HLV Park Hang Seo và các học trò kiến tạo nhiều đỉnh cao khác. Nhưng giải đấu chuẩn bị diễn ra tại Thái Lan tháng 1 tới thậm chí còn mang nhiều ý nghĩa lớn lao hơn, và nếu nhìn từ góc độ này, sẽ hiểu vì sao ông Park Hang Seo vẫn thiết tha có trong tay những quân bài mạnh nhất, như Đoàn Văn Hậu là một ví dụ. Ông Park trên thực tế đã thể hiện ý chí của mình, để VFF “nghĩ cách” đưa hậu vệ Thái Bình từ Heereveen về nước.

Nếu vào tới bán kết, hoặc đứng vị trí thứ 3 (tuỳ chủ nhà Olympic Nhật) ở giải U23 châu Á, Việt Nam sẽ có mặt ở Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 (Nhật Bản). Đây thực tế chính là mục tiêu VFF và HLV Park Hang Seo hướng tới. Olympic diễn ra từ 7-8/2020 sẽ quy tụ những đội bóng trẻ xuất sắc nhất thế giới. Ngoài Nhật chủ nhà thì đã có 4 đại diện của châu Âu là Pháp, Đức, Rumani, Tây Ban Nha, và 3 đại diện châu Phi là Ai Cập, Bờ Biển Ngà và Nam Phi.

Hiện chỉ còn thiếu 7 suất: 3 châu Á, 2 Trung Mỹ và 2 Nam Mỹ. Có thể chờ Argentina, Brazil, Mexico, Hàn Quốc, Iran...điền tên vào những ô trống này. U23 Việt Nam cần có thành tích tốt ở giải U23 châu Á vì bản thân giải đấu này có giá trị riêng, nhưng có tấm vé đi Olympic là động lực tuyệt vời, nhân lên gấp bội giá trị. Việt Nam và mọi đối thủ khác có lẽ đều nhìn nhận như vậy.

Đó là danh giá. Là đỉnh cao chuyên môn của bóng đá trẻ. Là sự hội tụ của các ngôi sao tương lai và cả hiện tại. Cứ nghĩ U23 Việt Nam sẽ đến Nhật, cùng bảng với Pháp, Brazil và Mỹ... có lẽ ai trong chúng ta đã thấy “sởn da gà”. Và nó còn là một nền tảng tuyệt vời cho tương lai.

Chơi ở Olympic sẽ giúp đội U23 được nâng tầm, tiếp cận và thu hẹp khoảng cách với đỉnh cao; như việc U20 đã chơi ở World Cup trẻ (U20 thế giới 2017 tại Hàn Quốc) đã trở thành bệ phóng cho các đội tuyển Việt Nam đang làm mưa làm gió ở Đông Nam Á và trở thành hiện tượng ở các giải châu lục.

World Cup 2026 sẽ có 8,5 suất cho châu Á khi World Cup nâng số đội tham dự lên 48. Cơ hội đầu tiên không phải là cuối, nhưng 2026 là một thời điểm lý tưởng khi chúng ta đánh giá những yếu tố sau đây: 4 năm nữa thế hệ các cầu thủ U23 giờ đây sẽ bước vào độ chín. Cũng 4 năm nữa bóng đá Việt Nam có thể phát hiện thêm các gương mặt mới. Cả nền bóng đá về mặt lý thuyết là phải hướng tới mục tiêu này. Bất cứ CLB nào, bất cứ trung tâm đào tạo nào cũng có một phần trách nhiệm ở đó. Đào tạo nên các tài năng bóng đá với các ông bầu ở Việt Nam là để làm gì nếu không phải là phụng sự các sứ mệnh của dân tộc, đặc biệt trong hoàn cảnh khi sau mỗi chiến thắng của các đội tuyển quốc gia, thì tên của họ liên tục xuất hiện trên truyền thông, gắn liền với những lời cảm ơn như vừa qua?

SEA Games mang ý nghĩa khát vọng của cả dân tộc đã trải qua những thất bại với các thế hệ đội tuyển trong lịch sử còn U23 châu Á là đấu trường nếu chỉ xét ở khía cạnh chuyên môn, tầm vóc sẽ mang một ý nghĩa vượt trội. Bộ VH-TT&DL và VFF có lẽ đang cần thêm những tiếng nói về chuyên môn để có thể hỗ trợ cho HLV Park Hang Seo đối với các yêu cầu của ông.

MỚI - NÓNG