Đừng coi thường dị ứng trứng

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Một số trẻ trong độ tuổi ăn dặm không thể nhận được những lợi ích mà trứng mang lại, thậm chí trứng còn là nguy cơ gây hại cho bé.

Xử lý khi bé dị ứng trứng

- Đầu tiên, bạn cần ngừng cho bé ăn trứng và các sản phẩm liên quan đến trứng.

- Đừng để bé gãi mạnh để tránh làm loét và xước da, gây nhiễm trùng, hãy xoa những vết mẩn đỏ để giúp trẻ giảm ngứa.

- Nếu những dấu diệu của bệnh dị ứng không mất đi sau vài giờ hoặc gây khó chịu cho bé, tốt nhất bạn nên đưa con đi khám tại cơ sở y tế gần nhất.

Tùy trường hợp, bác sĩ có thể dùng thuốc để điều trị những dấu hiệu khó chịu của dị ứng cho bé. Một số bé được yêu cầu không tiếp xúc với trứng gà ít nhất khi đã được 1 tuổi; một số bé khác chỉ được sử dụng trứng gà khi đã lên 2-3 tuổi. Bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng để tìm những loại thực phẩm có nguồn gốc từ trứng gà nhưng không gây dị ứng cho bé.

Khi trứng bổ nhưng không lành

Trứng gà là một loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng. Trứng gà nói riêng và trứng nói chung có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Trứng giàu DHA và lecithin, không chỉ thúc đẩy sự phát triển của của hệ thần kinh và cơ thể con người, nó có thể tiếp thêm sinh lực cho cho não.

Vì những đặc điểm nêu trên, trứng là món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ ở độ tuổi ăn dặm cần được ăn ít nhất 2-3 quả trứng gà/tuần.

Tuy nhiên, một số trẻ trong độ tuổi ăn dặm lại không thể nhận được những lợi ích mà trứng mang lại, thậm chí trứng còn là nguy cơ gây hại cho bé. Ăn trứng có thể gây ra tình trạng dị ứng ở trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 2,5% trẻ đang lớn bị dị ứng trứng gây phát ban, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở, mẩn, ngứa. Tại Pháp, số lượng trẻ em bị dị ứng trứng chiếm tới 30% tổng số em mắc bệnh dị ứng thực phẩm (khoảng 0,5% trẻ em mắc căn bệnh này). Trứng là 1 trong 14 thức phẩm có khả năng gây dị ứng cao được cảnh báo. Những bé bị dị ứng với trứng cũng thường bị dị ứng mũi và hen suyễn.

Dị ứng trứng xảy ra là do phản ứng của hệ miễn dịch với các loại protein có trong trứng gà. Ở một số bé có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với protein trứng, các tế bào hệ thống miễn dịch (kháng thể) nhận ra chúng và báo hiệu hệ thống miễn dịch giải phóng histamin và các hóa chất, gây ra triệu chứng dị ứng.

Với những bé có cơ địa mẫn cảm, không chỉ ăn trứng mà ngay cả những thực phẩm có chứa trứng, dù chỉ một lượng nhỏ (như bánh bông lan), cũng có thể khiến bé bị dị ứng.  Một số bé có làn da nhạy cảm khi tiếp xúc với mùi vị trứng cũng bị dị ứng. Trẻ bị viêm da dị ứng nhiều khả năng phát triển bệnh dị ứng thức ăn hơn là trẻ em không có vấn đề về da. Ngoài ra, trẻ có nguy cơ cao dị ứng thực phẩm nếu một hoặc cả hai cha mẹ có bệnh hen suyễn dị ứng với thực phẩm, hoặc một loại dị ứng như sốt cỏ khô, phát ban hoặc eczema.

Thông thường trẻ sẽ tự khỏi dị ứng trứng khi được 5 tuổi khi hệ tiêu hóa đã cứng cáp và sức đề kháng của bé cũng tốt hơn.

Theo dõi kỹ sau khi cho bé ăn trứng

Khả năng dị ứng trứng ở trẻ trong thời kỳ ăn dặm là rất cao. Nhưng đó không phải là lý do để bạn không dám cho trẻ ăn trứng, bởi như đã nói, trứng là thực phẩm rất bổ dưỡng và cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Điều bạn cần làm là hãy theo dõi bé thật kỹ sau khi cho bé ăn trứng lần đầu tiên. Tình trạng dị ứng có thể xảy ra trong vài phút hoặc vài giờ đồng hồ sau khi bé ăn trứng. Một số ít trường hợp, dấu hiệu dị ứng xuất hiện vài ngày sau đó. Vì vậy, bạn đừng bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

- Da quanh miệng bé chuyển đỏ, nổi phát ban và có dấu hiệu sưng phù.

- Bé bị nôn trớ, tiêu chảy, xuất hiện những cơn đau vùng bụng.

- Bé chảy nước mũi, mắt đỏ và mọng nước, thở khò khè kèm theo những cơn ho.

- Sốc phản vệ (xẩy ra trong một số trường hợp nặng). Trong trường hợp này bé có thể bị sưng phù miệng và cổ họng; bé khó thở, dẫn tới hiện tượng thiếu oxy vào phổi. Nó cũng có thể khiến bé bị tụt huyết áp, chóng mặt, thậm chí bị sốc. Một số trường hợp nặng có thể đe dọa tới tính mạng của trẻ cần ngay lập tức đưa trẻ tới đơn vị y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Bảo vệ bé như thế nào?

Những trẻ bị dị ứng thức ăn khi nhỏ sẽ có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh dị ứng khác trong suốt cuộc đời như viêm mũi dị ứng, chàm hoặc hen phế quản. Các nhà khoa học gọi đó là “tiến trình dị ứng”. Bạn có thể dựa vào tiền sử gia đình để xác định nguy cơ dị ứng cho trẻ ngay từ khi mang thai. Nếu xác định trẻ có nguy cơ cao nên sử dụng các phương pháp phòng ngừa dị ứng sớm qua chế độ ăn.

Nên cho bé bú mẹ hoàn toàn ít nhất 6 tháng. Bên cạnh đó, việc loại bỏ các dị nguyên thức ăn trong chế độ ăn của mẹ là điều cần thiết để tránh dị ứng cho trẻ đang bú mẹ. Trường hợp không có sữa mẹ nên sử dụng các công thức sữa giảm tính dị ứng với đạm thủy phân một phần, tránh sử dụng sữa bò. Không nên cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi. Khi trẻ ăn dặm nên làm quen với các loại thức ăn từ từ, ăn 1 loại thức ăn mới mỗi tuần để theo dõi. Nếu bé dị dị ứng trứng, nhiều khả năng bé cũng sẽ bị dị ứng với đậu nành, sữa hoặc lạc. Vì vậy, tốt nhất nên tranh các loại thức ăn dễ gây dị ứng như: lòng trắng trứng, lạc, hải sản (tôm, cua, sò điệp…) cho đến khi ít nhất được 1 tuổi.

Ở độ tuổi sơ sinh, bạn tuyệt đối không cho bé ăn trứng. Trứng có thể khiến bé bị khó tiêu và thậm chí bị tiêu chảy do lúc này hệ tiêu hóa của bé chưa đủ các enzym tiêu hóa để tiêu hóa trứng. Trẻ dưới sáu tháng tuổi không nên ăn lòng trắng trứng. Từ 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé tập ăn lòng đỏ trứng, chỉ ¼ lòng đỏ trứng mỗi bữa ăn, một tuần/bữa. Tuy nhiên, mẹ nên chú ý các biểu hiện như phát ban da, nổi mề đay, nôn mửa và các hiện tượng dị ứng khác sau khi trẻ ăn lòng đỏ trứng.

Bạn tuyệt đối không được cho bé ăn trứng khi bé bị sốt. Bởi vì trứng là một loại thực phẩm có hàm lượng calo cao. Sau khi trẻ ăn trứng, cơ thể sẽ sản xuất nhiệt bổ sung, không có lợi cho sự phục hồi của các trẻ bị sốt.

Khi cho trẻ ăn trứng, mẹ cần nấu chín kỹ, nên được chiên trong 3 phút hoặc đun sôi cho 7 phút để tránh nhiễm khuẩn và giúp bé dễ tiêu hơn. Chỉ khi được nấu chín đủ thời gian, cấu trúc của protein của trứng mới trở nên lỏng lẻo để cơ thể dễ dàng tiêu hóa và hấp thụ.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG