Dùng bình nóng lạnh đúng cách để không tốn điện

Dùng bình nóng lạnh đúng cách để không tốn điện
Từ dạo nhiệt độ xuống thấp, bình nóng lạnh nhà chị Trinh luôn bật 24/24h. Ngại rét nên từ tắm, rửa bát đến rửa rau... chị đều dùng nước ấm. Tiền điện tháng vừa rồi nhà chị tăng gần gấp đôi so với những tháng trước đó.

Dùng bình nóng lạnh đúng cách để không tốn điện

Cần chú ý sử dụng bình nóng lạnh đúng cách để đảm bảo an toàn và tiết kiệm điện
Cần chú ý sử dụng bình nóng lạnh đúng cách để đảm bảo an toàn và tiết kiệm điện. Ảnh chỉ mang tính minh họa

"Cả ngày ở cơ quan có điều hòa ấm áp, nên tối về nhà đụng vào nước thấy lạnh buốt là không chịu được. Anh xã quen dùng nước nóng tới mức rửa rau nát hết vì ngâm trong nước ấm", chị Trinh (Thái Thịnh, Hà Nội) cho biết. Mặc dù đã dự trù trước là dùng nóng lạnh sẽ tốn điện hơn nhưng chị vẫn giật mình khi cầm hóa đơn điện lên tới tiền triệu.

Cũng như chị Trinh, bình nóng lạnh là thiết bị không thể thiếu với nhiều gia đình trong những ngày đông giá lạnh. Tuy nhiên, khi sử dụng không đúng cách, bình nóng lạnh có thể khiến bạn tốn kém và còn đối mặt với những nguy cơ bị điện giật, nguy hiểm.

Theo tiến sĩ Trần Văn Thịnh, bộ môn Thiết bị điện, điện tử, ĐH Bách Khoa Hà Nội, bình nóng lạnh là một trong những thiết bị gây tốn nhiều điện cho sinh hoạt gia đình trong mùa đông. Điều này khá dễ hiểu, để đun được một thùng nước lạnh (khoảng 20-30 lít) cần mất nhiều điện.

Dù bình bật liên tục thì nhiệt trong bình cũng sẽ giảm dần (do tỏa nhiệt ra môi trường xung quanh, cũng như phích nước để qua đêm đông sẽ bớt nóng hơn nhiều). Khi đó, theo quy tắc, bình lại đun để đạt đến nhiệt độ nào đó, và mỗi lần như vậy rất tốn điện.

Tiến sĩ Thịnh cho rằng, cũng như bất cứ thiết bị điện nào, yếu tố đầu tiên cần quan tâm khi sử dụng bình nóng lạnh là bảo đảm tính an toàn, sau đó mới tính chuyện tiết kiệm.

Những bình nóng lạnh dùng lâu dễ bị rò điện ra vỏ, ra đường ống. Vì thế, nên ngắt điện trước khi sử dụng bình để tránh gặp phải nguy cơ bị điện giật. Đặc biệt, với các loại bình đời cũ không có rơle ngắt điện tự động và bình đã sử dụng quá lâu thì hệ thống này thường không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đã có không ít cái chết thương tâm từ việc không ngắt bình nóng lạnh.

Theo ông, để kiểm tra bình nóng lạnh nhà mình có bị rò điện hay không, trước khi dùng nước nóng, thử đụng mu bàn tay hay tốt nhất là dùng bút thử điện chạm vào vòi nước bằng sắt ở gần bình nhất. Khi đã bật vòi, bước vào phòng tắm rồi mà điện rò thì không còn kịp tránh nữa.

Ông cho rằng, không nên bật bình nóng lạnh 24/24h vì vừa gây tốn điện vừa tạo ra nguy cơ bị hỏng do hoạt động quá tải, lại nguy hiểm nếu tắm trong lúc bình vẫn cắm điện mà bị rò. Tốt nhất, nên đun đủ nước nóng, thường trong khoảng 15-20 phút với bình loại vừa, rồi ngắt điện, sau đó mới sử dụng nước.

Ngoài ra, để sử dụng nước nóng hiệu quả, tiết kiệm, với những gia đình mua bình mới, nên chọn sản phẩm có dung tích phù hợp với nhu cầu sử dụng. Điều này liên quan trực tiếp đến công suất sử dụng và khả năng tiêu hao điện vì bình càng có dung tích lớn thì càng tiêu hao nhiều điện năng.

Ví dụ, đối với hộ gia đình có 4 người, có 2 phòng tắm thì nên lắp loại bình 20 lít là vừa đủ… Bạn cũng có thể chú ý tới những loại bình có thiết bị quấn bông bảo ôn (có tác dụng như thùng xốp giữ nhiệt) để đỡ thất thoát nhiệt ra ngoài môi trường trong quá trình sử dụng, giữ nóng lâu hơn.

Trong quá trình sử dụng bình nóng lạnh nên thường xuyên vệ sinh, bảo trì, nếu thấy có hiện tượng rò điện cần tìm cách khắc phục ngay.

Theo Vương Linh
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG