Đúc tượng đài Thánh Gióng

Đúc tượng đài Thánh Gióng
TP - Hàng ngàn người dân và Phật tử khắp nơi đã đổ về khu di tích đền Sóc, chùa Non và Học viện Phật giáo Việt Nam (VN) ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội để chứng kiến lễ khởi công đúc tượng đài Thánh Gióng sáng qua.

>> Chùm ảnh: Khởi công đúc tượng đài Thánh Gióng

Đúc tượng đài Thánh Gióng ảnh 1
Mẻ đồng đầu tiên được đổ vào khuôn đúc tượng. Ảnh: Hồng Vĩnh

Đúng 9 giờ 9 phút ngày 9/9 âm lịch (ngày 26/10), mẻ đồng đầu tiên được cẩu từ hai lò luyện đổ vào khuôn, sau khi Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Hội Phật giáo VN Thích Thanh Tứ đánh trống khởi công.

Tượng đài Thánh Gióng đúc bằng đồng nguyên chất nặng 85 tấn, vươn lên trời với độ dài 16m, đặt trên đỉnh núi Đá Chồng - đỉnh cao nhất của khu di tích, nơi theo truyền thuyết, Thánh Gióng đã cởi giáp, vẫy chào quê hương, thăng thiên hóa thánh.

UBND TP Hà Nội giao Hội Phật giáo VN làm chủ đầu tư công trình với tổng dự toán 50 tỷ đồng, trong đó riêng phần đúc tượng chiếm 25 tỷ đồng.

Công trình do Cty TNHH Nam Đại Phong (Nam Định) đảm nhận đúc đồng, bệ tượng do Cty xây dựng Coma7 đúc.

Bà con Phật tử gần xa đã ghi tên công đức vàng, bạc để đổ vào tượng đài, ngôn ngữ nhà Phật gọi là yểm tâm. Khi mẻ đồng đầu tiên được rót vào khuôn, vẫn còn hàng chục người muốn tự tay mình ném vàng vào khuôn tượng đài. Khối lượng vàng đổ vào tượng được một vị chức sắc của Giáo hội Phật giáo ước tính hàng cân.

Nghệ nhân Vũ Duy Thuấn (Cty Nam Đại Phong) nói, dù nhiệt độ nung chảy của vàng và đồng khác nhau nhưng việc có lẫn vàng không làm ảnh hưởng chất lượng công trình, “mà theo quan niệm dân gian, nó còn tốt hơn”.

Ông Vũ Duy Thuấn chính là người từng đúc tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng liền khối nặng 30 tấn, cao sáu mét rưỡi, vào năm 2002. Hiện, tượng đặt tại chùa Non Nước.

Tuy làm nghề đúc đồng 13 năm nay, nhưng ông Thuấn nói, tượng đài Thánh Gióng rất khó làm. Phải nhuần nhuyễn về khuôn, vững về kết cấu lắm mới giữ được những nét chạm khắc trên tượng đài.

Cty Nam Đại Phong cho biết, nguyên liệu đồng hoàn toàn do ban dự án cung cấp. Còn Giáo hội Phật giáo VN khẳng định đó là đồng nguyên chất.

Đúc tượng đài Thánh Gióng ảnh 2
Hàng ngàn người khắp nơi về dự lễ đúc đồng tượng Thánh Gióng

Thánh Gióng là một trong “tứ bất tử “của dân gian, là vị thánh biểu trưng cho tinh thần yêu nước. Ngoài công trình trọng điểm hướng tới 1.000 năm Thăng Long là tượng đài Thánh Gióng, hồ sơ di sản hội Gióng cũng đã được hoàn thành và đệ trình UNESCO công nhận di sản phi vật thể thế giới.

Áp Tết Canh Dần, tượng đài sẽ được rước lên đỉnh núi Đá Chồng, và lắp dựng xong trước mùng 6  Tết Canh Dần.

Trả lời Tiền Phong vì sao bỏ phương án dùng trực thăng đưa tượng đài lên đỉnh núi, Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó viện trưởng Học viện Phật giáo VN, Trưởng ban Quản lý dự án nói, thực ra, dùng trực thăng cũng khó, và không an toàn.

“Chúng tôi có ba phương án: dùng tời, dùng trực thăng và dùng đường công vụ. Dùng tời thì chỉ được năm tấn mỗi lần. Trực thăng trong nước cũng chỉ kéo được từng đấy khối lượng thôi. Còn đường công vụ có thể kết hợp với đường phòng cháy chữa cháy rừng, không phá rừng mà vẫn đưa được ngài lên”. 

Về việc Thành phố Hà Nội giao Giáo hội Phật giáo VN làm chủ đầu tư công trình tượng đài Thánh Gióng, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói, Hà Nội sắp đến đại lễ 1.000 năm, và Hà Nội không của riêng ai mà là của mọi người dân Việt, của mọi tôn giáo chung sống ở VN.

Giáo hội Phật giáo luôn mang tinh thần đồng hành cùng dân tộc. Do đó, làm chủ đầu tư công trình này là một duyên lớn của Giáo hội nói chung và của riêng Thượng tọa Thanh Quyết nói riêng.

Theo PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, hồi tượng đài Thánh Gióng của nhà điêu khắc Kim Xuân được chọn xong cũng nảy sinh tranh cãi. Người cho rằng, cần thể hiện một ông Gióng, một vị thánh nghiêm trang, người thì bảo dứt khoát phải là khuôn mặt một cậu bé.

Và để dung hòa tranh luận, phương án làm khuôn mặt Thánh Gióng là một cậu bé ngấp nghé tuổi trưởng thành đã được quyết.

MỚI - NÓNG
Di dời dứt điểm Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế sau hơn 40 năm ‘sống nhờ’ di tích Quốc Tử Giám
Di dời dứt điểm Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế sau hơn 40 năm ‘sống nhờ’ di tích Quốc Tử Giám
TPO - Sau hơn 40 năm “sống nhờ” di tích Di Luân đường và khu vực lân cận, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) tổ chức di dời dứt điểm về nơi mới, nhằm khai thác tốt hơn không gian Quốc Tử Giám triều Nguyễn, cũng như từng bước xây dựng thiết chế văn hóa đúng nghĩa bảo tàng của địa phương.