Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm 13/4 cho biết: "Đức sẽ chuyển bổ sung một hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine để giúp Kiev cải thiện khả năng phòng vệ trước các cuộc không kích của Nga".
Theo ông Boris Pistorius, cuộc tấn công của Nga nhằm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhằm tái khẳng định sự ủng hộ của Berlin dành cho Kiev.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Tổng thống Ukraine Zelensky gửi lời cảm ơn Thủ tướng Scholz vì quyết định cung cấp bổ sung cho Ukraine hệ thống phòng không và tên lửa Patriot.
Các cuộc tấn công gần đây của Nga chủ yếu nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine, trong đó có nhà máy Trypillia - đơn vị cung cấp điện chính cho Kiev, Zhytomyr và Cherkasy.
Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp nhiều hệ thống phòng không hơn để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga, đặc biệt là hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Patriot là một trong những hệ thống phòng không tinh vi nhất của quân đội Mỹ. Trong đó, Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) là hệ thống phòng thủ tên lửa được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai.
Ở thời điểm hiện tại, tên lửa PAC-3 MSE được đánh giá là phiên bản mạnh nhất của hệ thống Patriot. Tên lửa này có tốc độ cao, sử dụng công nghệ tìm-diệt mục tiêu chính xác, cho phép đánh chặn nhiều mục tiêu trên không, như: Tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu.
Tên lửa PAC-3 MSE có chiều dài 5,21 m, trọng lượng 312 kg, được trang bị một động cơ kép xung lực, có thể đánh chặn tên lửa đang bay tới ở độ cao 40 km, tốc độ bay Mach 5.