Tại trường ĐH Kinh tế quốc dân, để hỗ trợ các bạn sinh viên, rất nhiều hoạt động đã được tổ chức nhằm khuyến khích các bạn sinh viên lên ý tưởng và thực hiện các dự án khởi nghiệp, Đoàn Thanh niên nhà trường đã tổ chức chuỗi hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp năm 2017.
Cuộc thi khởi nghiệp I-Start up đã được tổ chức 3 năm liên tiếp. Cuộc thi đã thu hút hơn 50 ý tưởng dự án cùng 600 sinh viên tham gia. Nhiều dự án từ ý tưởng đã trở thành hiện thực. Điển hình là dự án Sambee, Xây dựng và phát triển chuỗi cửa hàng Cây xanh Hạnh phúc, của bạn Vũ Huy, sinh viên Khoa Môi trường và Đô thị. Hiện tại, Huy đã thành lập Công ty CP ĐT&PT DV Cây Xanh Hạnh Phúc, thực hiện nhiều dự án trang trí cây xanh tại các công trình lớn như: chuỗi cửa hàng GEMINI COFFEE, CT2B khu tổ hợp chung cư Nam Đô, đặc biệt là khuôn viên trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Đoàn Thanh niên nhà trường cũng tích cực phối hợp với các doanh nghiệp bên ngoài để tổ chức các buổi tọa đàm, chia sẻ về hướng nghiệp và khởi nghiệp cho các bạn sinh viên năm thứ 3 và thứ 4.
Còn tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK Holding (công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội ) cho biết, chiến lược phát triển nhà trường đã định hướng rất rõ về đào tạo định hướng khởi nghiệp gắn liền với đổi mới sáng tạo, tự chủ ĐH cao trong mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Theo đó, tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đã được lan tỏa trong tất cả các hoạt động, từ đào tạo, nghiên cứu khoa học cho đến chuyển giao công nghệ. Thậm chí, ngay từ năm 2008, Bách khoa Hà Nội là trường ĐH đầu tiên xin phép Bộ GD&ĐT thí điểm thành lập hệ thống doanh nghiệp BK-Holdings. Để có thể vốn hóa được tài sản tri thức là các kết quả nghiên cứu khoa học của nhà trường bằng việc “mạo hiểm” thành lập doanh nghiệp, trường đã chính thức tham gia vào hình chóp trên cùng của kim tự tháp Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Cho tới nay, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tạo được Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp khá hoàn chỉnh với vai trò của trường tham gia đầy đủ trong cả 3 giai đoạn phát triển chính theo mô hình của Founder Institute (viện sáng lập): Hình thành ý tưởng, phát triển sản phẩm và tăng trưởng, thể hiện qua các số liệu như Hệ thống các CLB sinh viên nghiên cứu khoa học đồng bộ; Sở hữu BK-Holdings với vai trò như 1 vườn ươm (Incubator) và Tăng tốc doanh nghiệp (Accelerator). Gần 50 nhóm Start-up được ươm tạo với hầu hết các giải thưởng về khởi nghiệp của Việt Nam; Không gian sáng tạo và khởi nghiệp BKHUP, hiện đại và lớn bậc nhất Việt Nam (1.200m2), địa chỉ diễn ra các hoạt động về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sôi động nhất cả nước (hơn 100 event mỗi năm); 6 chương trình đào tạo ngắn hạn về ĐMST & KN (E&I, Lean Startup) + các chương trình chính khóa cấp bậc Đại học và Sau đại học; 4 cuộc thi Khởi nghiệp hàng năm (Sáng tạo trẻ Bách Khoa, BK-Holdings Startup Competition, Sáng tạo Việt Đức, Lotte Startup Competition); Tham gia điều hành mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN tại VCCI...
Cần cơ chế để giúp cho các hạt giống nảy mầm
ĐH Quốc gia Hà Nội cũng được đánh giá là một trong 5 trường ĐH có phong trào khởi nghiệp trong sinh viên sôi động. Ông Vương Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đặc biệt là đã khai trương chuỗi hoạt động “Café Buisiness Start-up” nhằm tạo không gian gặp gỡ kết nối doanh nhân với nhà khoa học, kết nối trường ĐH với doanh nghiệp, kết nối các quỹ đầu tư với các nhóm khởi nghiệp gọi vốn và là sân chơi để các doanh nhân thành đạt chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và truyền cảm hứng về khởi nghiệp cho các sinh viên.
Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, TS Nguyễn Trung Dũng cho hay, từ năm học này, môn học Start-up chính thức được đưa vào giảng dạy theo hình thức là môn học tự chọn đối với tất cả các sinh viên.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm từ tự mò mẫm cho đến khi có chính sách của nhà nước (đề án 844 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 của Chính phủ năm 2016), TS Nguyễn Trung Dũng cho biết vấn đề khởi nghiệp trong sinh viên vẫn còn gặp khó khăn. Với các nước, khởi nghiệp như một phong trào tự thân, còn ở Việt Nam vẫn là một khái niệm hoàn toàn mới. “Rất nhiều trường ĐH muốn đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên, nhưng họ lực bất tòng tâm. Vì không có chuyên gia, thiếu cơ sở vật chất. Cũng chính vì thiếu chuyên gia nên có nơi nhầm lẫn giữa khởi nghiệp và lập nghiệp” - TS Nguyễn Trung Dũng nói.
Ông Vương Quốc Thắng cũng khẳng định, một trong những hướng đi của Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp của ĐH Quốc gia Hà Nội thời gian tới là tổ chức đào tạo, tập huấn và đi học hỏi kinh nghiệm để có được đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, nhà khoa học am hiểu về khởi nghiệp. Họ cũng là những người có tinh thần khởi nghiệp và tinh thần doanh nhân nhằm dẫn dắt và truyền cảm hứng cho sinh viên.