Dư vị Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Xây dựng nền công vụ liêm chính

0:00 / 0:00
0:00
TP - Xây dựng văn hóa công vụ có ý nghĩa to lớn trong công cuộc cải cách nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ nhân dân. Báo Tiền Phong lược ghi tham luận của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà gửi tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Dư vị Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Xây dựng nền công vụ liêm chính ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Văn hóa công vụ

Văn hóa công vụ là những giá trị tạo nên niềm tin, niềm tự hào, lòng yêu nghề, sự gắn kết đội ngũ cán bộ, công chức; phản ánh tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu chính của nền hành chính phục vụ lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội. Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định “Văn hóa giao tiếp nơi công sở” (Điều 16) và “Văn hóa giao tiếp với nhân dân” (Điều 17). Thủ tướng ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, xác định rõ mục tiêu “nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội”...

“Người đứng đầu phải thật sự quan tâm, là tấm gương mẫu mực về văn hóa và đạo đức công vụ, giữ vững chuẩn mực trong đạo đức lối sống, giao tiếp, ứng xử”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Trong thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đều tích cực thực hiện chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật về xây dựng văn hóa công vụ và đã đạt được những kết quả bước đầu nhất định: Lề lối, phương thức làm việc trong các cơ quan, tổ chức từng bước được đổi mới theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt, hiện đại và hiệu quả... Các địa phương trong cả nước đã tích cực thành lập, triển khai vận hành Bộ phận Một cửa để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; giúp công dân, tổ chức giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính được thuận lợi, nhanh chóng.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, các giá trị của văn hóa công vụ đã từng bước hình thành, phát triển; lan tỏa và tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Xây dựng văn hóa công vụ đã được gắn với nội dung cải cách hành chính nhà nước, cải cách chế độ công chức, công vụ; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, xã hội và sự phát triển của đất nước.

Có nơi còn lỏng lẻo, đối phó

Bên cạnh những kết quả thu được, việc xây dựng văn hóa công vụ ở nước ta trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng văn hóa công vụ trong một bộ phận cán bộ, công chức chưa thật sự đầy đủ. Công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hóa công vụ trong các cơ quan nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên; có lúc, có nơi còn thiếu nghiêm túc, mang tính đối phó, chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Chính vì vậy, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức còn chuyển biến chậm; còn thiếu ý thức rèn luyện, tu dưỡng; chưa có thái độ tôn trọng, hòa nhã với nhân dân, có biểu hiện thiếu thân thiện, thiếu hợp tác với đồng nghiệp.

Phương thức, lề lối làm việc ở một số cơ quan, tổ chức chưa thay đổi mang tính căn bản. Quy trình giải quyết công việc còn kéo dài. Sự phối hợp còn thiếu chặt chẽ. Việc sử dụng thời gian làm việc chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao. Trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ấy đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, bất cập, trong đó có tình trạng một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn xảy ra tình trạng “trên bảo, dưới không nghe”, “trên nóng, dưới lạnh”, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

Kỷ luật, kỷ cương bước đầu được tăng cường nhưng thực tế có lúc, có nơi còn lỏng lẻo, tùy tiện, chưa chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên. Công tác kiểm tra, đôn đốc nhiệm vụ chưa được quan tâm đúng mức; trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương từng nơi, từng lúc còn hạn chế. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân vẫn xảy ra trong một bộ phận cán bộ, công chức. Việc phát hiện một số vụ việc tiêu cực chưa kịp thời, công tác xử lý cán bộ, công chức vi phạm chưa triệt để, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Quy định về văn hóa công vụ trong luật

Để góp phần tiếp tục xây dựng văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ nhân dân, chúng ta cần thực hiện tốt những giải pháp cụ thể. Đó là nghiêm túc quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các chủ trương lãnh đạo của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó có văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu bối cảnh của tình hình mới...

Hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các văn bản quy định về văn hóa công vụ trong các cơ quan nhà nước. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ trong Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm phù hợp với yêu cầu của bối cảnh, tình hình mới... Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ, công chức về văn hóa công vụ. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống; hình thành nhân cách, rèn luyện thái độ, hành vi ứng xử của cán bộ, công chức theo chuẩn mực quy định, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, xứng đáng là “công bộc” của dân...

Dư vị Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Xây dựng nền công vụ liêm chính ảnh 2

Cán bộ phường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) tiếp dân, giải quyết thủ tục cấp giấy đi đường trong đợt giãn cách xã hội vừa qua. Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG

Chúng ta phải đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong xây dựng, tổ chức thực hiện văn hóa công vụ. Kết quả thực hiện văn hóa công vụ phụ thuộc nhiều vào sự nhận thức, năng lực tổ chức, điều hành của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu không chỉ để cho cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức noi theo, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, mà điều này còn góp phần tôn vinh những giá trị tốt đẹp của văn hóa công vụ...

Xây dựng văn hóa công vụ là một quá trình lâu dài và phải làm từng bước, chính vì vậy chúng ta phải kiên trì, không nôn nóng, dần dần hình thành các giá trị văn hóa tốt đẹp trong hoạt động thực thi công vụ.

Cấp trên làm gương cho cấp dưới

Ông Hoàng Đăng Quang, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng gửi về BTC tham luận “Phát huy giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức cách mạng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện”. Ông Hoàng Đăng Quang phân tích kết quả, bất cập của công tác xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng văn hóa trong Đảng thời gian qua, đồng thời đề xuất các giải pháp trong đó có sự đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương. “Cấp trên và người đứng đầu phải thực sự làm gương cho cấp dưới và nhân dân trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu”, ông nói.

NGUYÊN KHÁNH

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.