Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi: Không để Luật quay về vạch xuất phát

0:00 / 0:00
0:00
“Người phán xử” bỗng dưng được nhắc tên vì cho rằng ảnh cổ xúy vi phạm pháp luật
“Người phán xử” bỗng dưng được nhắc tên vì cho rằng ảnh cổ xúy vi phạm pháp luật
TP - Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi nóng trở lại sau phát ngôn gây xôn xao của một đại biểu Quốc hội. Câu chuyện tiền kiểm hay hậu kiểm trong duyệt phim trên không gian mạng vẫn gây tranh luận trái chiều.

Phim ảnh không sinh ra bạo lực

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu việc một số bộ phim cổ xúy vi phạm pháp luật. Ví dụ được nhắc tới là việc sau khi phát sóng Người phán xử thì “các băng nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều”. Nhận xét khiến giới nghệ thuật dậy sóng.

NSND Trung Anh vào vai Lương Bổng-trợ thủ đắc lực của ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng)- không thể giữ được thái độ điềm đạm vốn có. Anh cho rằng phát ngôn như vậy là sự xúc phạm với người làm phim. Người phán xử được cắt đi rất nhiều tình tiết bạo lực, tình dục, tội phạm so với bản gốc của Israel. “Phim ảnh phản ánh một phần thực tế của xã hội để người xem nhận ra cái xấu, cái ác và rút ra bài học nhằm tránh sai lầm”, NSND Trung Anh nói. Ông trùm, Lương Bổng và những kẻ vi phạm pháp luật trong phim đều phải trả giá trước pháp luật.

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi: Không để Luật quay về vạch xuất phát ảnh 1

“Chị Mười Ba” một tác phẩm điện ảnh cũng đề cập tội phạm, băng nhóm

Chưa cần tới sự phản ứng của giới làm nghề, phần đông khán giả đều phân định rạch ròi giữa phim và đời thực. Nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt nhận xét, nói theo cách của vị đại biểu Quốc hội kia thì có lẽ từ trước tới giờ các bộ phim về tội phạm của điện ảnh thế giới chắc là còn tác động đến người Việt gấp mấy chục lần so với một vài bộ phim truyền hình như Người phán xử. “Phim ảnh trước hết là sự giải trí, những gì gắn kết sau đó liên quan đến thông điệp hay ý tưởng có thể xem như là một tấm gương phản chiếu để người xem nhìn vào và tự nhận ra những bài học về nhân sinh quan. Nếu xem một bộ phim về đề tài tội phạm rồi sau đó trở thành tội phạm, điều đó thuộc về năng lực nhận thức của mỗi cá nhân. Không ai đi đổ lỗi cho hoàn cảnh, ngoại trừ người không tìm ra lí do chính đáng”, anhViệt phân tích.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh tiếp nhận mọi ý kiến một cách nghiêm túc. Tuy thế ông Thành cho rằng đối với tác phẩm điện ảnh cần được nhìn nhận ở chỉnh thể thống nhất, không thể chia tách thành các phân đoạn. Trong một số trường hợp, có vài phân đoạn phục vụ cho ý tưởng xuyên suốt của tác phẩm có thể chứa yếu tố bạo lực, phản ánh mặt trái xã hội. “Điều này không phải là sự cổ xúy cho bạo lực hay hành vi vi phạm pháp luật, mà chỉ là sự dẫn dắt câu chuyện tới kết thúc hướng thiện và nhân văn”, ông Thành nêu.

Luật không phải rào cản

Câu chuyện duyệt phim thi thoảng lại được hâm nóng khi một tác phẩm điện ảnh bị cấm phổ biến. Tiền kiểm hay hậu kiểm đối với tác phẩm trên không gian mạng vẫn ở thế giằng co. Ban Soạn thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đề xuất phương án tăng cường hậu kiểm thay vì tiền kiểm như trước đây. Tuy thế một số người vẫn lo ngại khi áp dụng dễ để lọt lưới tác phẩm không phù hợp, cho nên đề xuất phương án kết hợp. Phương án tưởng chừng tối ưu nhưng gây khó cho nhà sản xuất lẫn hội đồng, bởi tiêu chí nào để quyết định tiền kiểm hay hậu kiểm một tác phẩm nào đó.

Trước thắc mắc liệu có nguy cơ khiến nội dung sửa đổi Luật Điện ảnh về vạch xuất phát, ông Vi Kiến Thành nhắc lại, tinh thần của Ban Soạn thảo và nhà quản lý đều xác định cần ban hành bộ luật thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh, đưa điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch. “Chúng ta phải tạo ra hành lang pháp lý để phát triển điện ảnh, phù hợp hội nhập quốc tế, công nghệ số. Vấn đề như đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước, quản lý phim trên không gian mạng hay Quỹ Điện ảnh vẫn còn ý kiến trái chiều. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Soạn thảo tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Cuối tuần này chúng tôi tiếp tục họp, hoàn tất dự thảo để trình Quốc hội tháng 10. Phương án tự kiểm và hậu kiểm cũng được đa số thành viên Chính phủ ủng hộ”, ông Thành thông tin.

Nếu sai, phạt đúng người đúng tội

Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt đồng ý giải pháp hậu kiểm tốt hơn tiền kiểm. “Vấn đề ở chỗ là chúng ta chưa đủ khả năng làm luật chặt chẽ, dẫn đến những hiểu lầm, thậm chí là tìm cách lách luật để các nhà quản lý chẳng thể bắt bẻ. Tôi tin những nhà làm phim Việt đều muốn tuân thủ luật, họ muốn được yên tâm làm nghề và cống hiến. Hãy để các nhà làm phim tự tin với sản phẩm của họ nằm trong phạm vi luật pháp cho phép. Nếu họ sai, hãy phạt đúng người đúng tội. Nếu họ đúng hãy để họ dốc sức dốc lòng mà không cần phải lo lắng, nản chí với những rào cản vô lý trong nghệ thuật”, anh đề xuất.

Từ góc độ đạo diễn, nhà sản xuất từng có phim bị tuýt còi, đạo diễn Charlie Nguyễn nêu ý kiến, Luật Điện ảnh đang hướng tới mục tiêu thúc đẩy nền điện ảnh nước nhà. Muốn như vậy Luật không thể làm khó, tạo ra rào cản cho cả người làm phim lẫn người thẩm định, nhà quản lý. “Dù là tiền kiểm hay hậu kiểm đều nên tạo điều kiện cho nhà làm phim sáng tạo, đột phá hơn và tự hào đưa tác phẩm ra thế giới. Soạn thảo luật là để nhà làm phim có không gian tốt hơn, nâng cao chất lượng điện ảnh chứ không phải đẩy lùi sự phát triển, khiến người làm nghề chán nản”, Charlie Nguyễn nói.

Nhiều người làm nghề chỉ đấu tranh để được hậu kiểm, bớt thủ tục thẩm định nhưng Charlie Nguyễn chỉ ra, nhiều khi hậu kiểm còn làm khổ nhà sản xuất hơn. Ít ra khi áp dụng tiền kiểm, nhà sản xuất được nhận xét, được cân nhắc trước khi cho ra đời tác phẩm. Sau này nếu chỉ có hậu kiểm, khi nhà sản xuất đổ cả chục tỷ đồng trong mấy năm trời và cả trăm con người làm việc, nhưng phim có thể bị cắt hoặc nặng nề hơn thế. Charlie Nguyễn mong mỏi, Ban soạn thảo đưa ra quy định rõ ràng, người làm phim cứ thế soi vào đó mà tuân thủ.

MỚI - NÓNG