Bộ Quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ: Chưa đủ mạnh để thanh lọc

0:00 / 0:00
0:00
Ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng và nhiều ngôi sao bị réo tên trên mạng xã hội, yêu cầu “sao kê” tài khoản từ thiện
Ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng và nhiều ngôi sao bị réo tên trên mạng xã hội, yêu cầu “sao kê” tài khoản từ thiện
TP - Dư luận ủng hộ Bộ Quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ do Bộ VHTT&DL soạn thảo, với những đề nghị về minh bạch công việc từ thiện, không quảng cáo bừa bãi, không phát ngôn thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, bộ quy tắc này được cho là chưa đủ mạnh để làm trong sạch môi trường hoạt động nghệ thuật.

Đặt chuẩn mực cho nghệ sĩ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đang hoàn thiện dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật gồm ngành biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật và nhiếp ảnh. Hành vi ứng xử ở đây là những phát ngôn, tác phong, lối sống, trang phục của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Ngoài quy tắc ứng xử chung, ban soạn thảo đưa ra các quy tắc cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp, khán giả, ứng xử trong công tác xã hội, trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.

Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ dính lùm xùm từ hoạt động kêu gọi từ thiện, bị lên án vì quảng cáo sai lệch sự thật. Nghệ sĩ Thủy Tiên, Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành... bị gọi tên trên mạng xã hội, yêu cầu minh bạch “sao kê” số tiền kêu gọi ủng hộ đổ về tài khoản ngân hàng. Minh bạch công tác xã hội là một trong những nội dung được đưa vào bộ quy tắc: Nghệ sĩ phải công khai, minh bạch thông tin trong các hoạt động xã hội, tích cực đóng góp cho cộng đồng và tạo ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân. Khi tham gia hoạt động quảng cáo, nghệ sĩ phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hoá đúng quy định của pháp luật về quảng cáo.

Bộ Quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ: Chưa đủ mạnh để thanh lọc ảnh 1

Loạt người nổi tiếng bị xử lý do phát ngôn sai lệch trên mạng xã hội

Ông Nguyễn Đình Thành, chuyên gia Quản trị và Truyền thông văn hóa góp ý nên bổ sung nội dung hành xử một cách có trách nhiệm về nội dung quảng cáo. “Tuy điều này không có tính ràng buộc trách nhiệm thực tế cao, nhưng cũng là một lời khuyến cáo nhằm đánh động cho nghệ sỹ trước khi kí hợp đồng quảng cáo”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng đề xuất bổ sung nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật ánh sáng, nghệ thuật happening, ngâm thơ, đọc truyện, âm nhạc, nghệ thuật âm thanh, nghệ thuật đường phố, DJ, VJ... vào lĩnh vực hoạt động của nghệ sĩ, thay vì bó hẹp như hiện nay. Ban soạn thảo có thể bổ sung ở mục phát ngôn-bao gồm những gì được nói ra ngoài đời thực hoặc những bình luận, đánh giá, check-in địa điểm hoặc bài đăng trên không gian mạng bằng văn bản, từ viết tắt hình ảnh, video, các biểu tượng cảm xúc... Trên thực tế có những cuộc khủng hoảng xảy ra từ việc sử dụng các yếu tố này không phù hợp.

Thanh lọc môi trường nghệ thuật

Dự thảo Bộ Quy tắc đang trong quá trình hoàn thiện, các chuyên gia, nhà quản lý và nhiều nghệ sĩ ủng hộ mục đích nâng cao trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức của người hoạt động nghệ thuật. PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu ý kiến: Xã hội trông chờ rất nhiều vào những hành vi đúng đắn, suy nghĩ cẩn trọng, chia sẻ có trách nhiệm của nghệ sĩ trên mạng và ngoài đời, đặc biệt trong giai đoạn đất nước chịu nhiều khó khăn do dịch bệnh. “Chúng ta có kinh nghiệm từ bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành trước, trong đó đề cao nguyên tắc Trách nhiệm, Tôn trọng, Lành mạnh, An toàn. Bộ quy tắc này đã có tác dụng nhất định làm cơ sở định hướng hành vi và đánh giá trên mạng xã hội. Tôi nghĩ, Bộ VHTTDL có thể tham khảo cách làm này để bộ quy tắc được cụ thể hóa, phù hợp với đối tượng nghệ sĩ. Bộ quy tắc ứng xử cần dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, khả thi và phù hợp”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nói.

Trước câu hỏi làm thế nào để một bộ quy tắc ứng xử đạt hiệu quả tốt nhất, ông Sơn cho rằng dù bộ quy tắc không mang tính chế tài nhưng giúp đánh giá hành vi đạo đức ở mỗi người, từ đó xác định uy tín nghề nghiệp và thương hiệu cá nhân. “Chế tài thuộc các nghị định xử lý vi phạm do Chính phủ ban hành. Bộ quy tắc này giúp nghệ sĩ có nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm trong hành vi, lối sống, cách chia sẻ, ngôn từ đối với xã hội, trên phương tiện truyền thông, đồng thời giúp hình thành công cụ định hướng cho dư luận xã hội về hành vi của nghệ sĩ”, ông nói.

Chuyên gia Nguyễn Đình Thành nhận định, bộ quy tắc dành cho nghệ sỹ sẽ có những tác dụng nhất định với cách hành xử, ứng xử của họ. Trước hết cần một khung thảo luận về chủ đề này. “Việc xử phạt phải được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật có hiệu lực cao hơn, song song với đó là sự trừng phạt bằng cách tẩy chay của công chúng, sự tự giác của những người có liên quan. Không thể phủ nhận sự trừng phạt bằng cách tẩy chay của công chúng cũng là một biện pháp rất hiệu quả. Ngoài ra, cần đưa ra xử nghiêm một số vụ để làm gương”, ông Thành nêu. Ông cũng nhắc tới thực tế “thanh lọc” nghệ sĩ rất gắt gao ở Trung Quốc, coi đó như bài học để Việt Nam tham khảo. Việc lựa chọn diễn viên, khách mời tham gia phim ảnh, gameshow cần căn cứ thêm về tiêu chí đạo đức, nhận thức chính trị, trình độ nghệ thuật cũng như sự đánh giá của xã hội.

NSND Lan Hương: Muộn hơn không

Bộ quy tắc ứng xử mà Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến rất cần thiết, đáng lẽ ra phải có sớm hơn. Nếu bộ quy tắc ra đời sớm hơn có lẽ không có hệ lụy như bây giờ. Tôi hy vọng, bộ quy tắc này sẽ hỗ trợ, giúp cho nghệ sĩ hiểu rõ vai trò trách nhiệm của mình, ứng xử văn hóa hơn, mang lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống. Nghệ sĩ cũng có sai lầm nhưng quan trọng là phải biết sửa, không thể dùng danh xưng nghệ sĩ để trục lợi hay gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.

MỚI - NÓNG