Du lịch Đông Nam Bộ liên kết phát triển bền vững

 Du lịch vùng Đông Nam Bộ như “viên ngọc thô chưa tìm được thợ mài dũa xứng tầm” và đang cần những giải pháp cụ thể, thiết thực để thúc đẩy du lịch nội địa và thu hút du khách nước ngoài trong thời gian tới.

Chiều 28/6, tại Tây Ninh đã diễn ra Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ.

Dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương TPHCM, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước.

Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ với chủ đề “Liên kết phát triển bền vững” đã tập trung thảo luận sâu về các giải pháp kích cầu du lịch, trước mắt là thị trường nội địa, lâu dài là thị trường quốc tế khi điều kiện cho phép.

Du lịch Đông Nam Bộ liên kết phát triển bền vững ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá sự liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ diễn ra trong bối cảnh TPHCM vừa liên kết với 13 tỉnh, thành ĐBSCL sẽ tạo nên thế và lực mới cho sự phát triển du lịch phía Nam.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, hợp tác liên kết du lịch vùng Đông Nam Bộ cần tập trung vào 5 vấn đề chính: Phát triển sản phẩm du lịch có sự liên kết vùng miền, trong đó nhấn mạnh những nét đặc sắc riêng của từng địa phương; hợp tác trong tiếp thị, quảng bá, xúc tiến du lịch; hợp tác đào tạo nhân lực; hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch và tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch có môi trường gặp gỡ, hợp tác lẫn nhau. Trong đó, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh vai trò của TPHCM trong vấn đề đào tạo nhân lực cũng như tạo đầu mối để liên kết du lịch toàn vùng.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng với những lợi thế, kinh nghiệm của mình, ngành du lịch TPHCM sẽ hỗ trợ cho các tỉnh Đông Nam Bộ về kinh nghiệm quản lý, đào tạo, làm đầu mối để các DN làm ăn, hợp tác với nhau. “Các tỉnh mạnh lên thì TPHCM cũng có điều kiện phối hợp làm ăn tốt hơn”.

Hiện thực hóa những hợp tác trên, trong khuôn khổ hội nghị, TPHCM cùng các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh đã triển khai thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025, gồm: Công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến; phát triển nguồn nhân lực du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Mục tiêu của liên kết này tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình kích cầu du lịch kết nối từ TPHCM tới 5 tỉnh Đông Nam Bộ, phấn đấu tăng tỷ lệ du khách từ TPHCM đến 5 tỉnh Đông Nam bộ và ngược lại qua từng năm, đặc biệt góp phần phục hồi nhanh ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Du lịch Đông Nam Bộ liên kết phát triển bền vững ảnh 2 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hội nghị thể hiện tính chủ động, quyết tâm của TPHCM, các tỉnh Đông Nam Bộ trong sự khó khăn của du lịch hiện nay, tìm giải pháp để vượt qua. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đây là sự kiện liên tỉnh, thành phố về du lịch đầu tiên trong tình trạng bình thường mới sau COVID-19, và là thông điệp về sự liên kết trong phát triển du lịch nói riêng, kinh tế nói chung với trò nòng cốt của các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển hơn một bước như TPHCM. Đồng thời thể hiện tính chủ động, quyết tâm của TPHCM, các tỉnh Đông Nam Bộ trong “cái khó  ló cái khôn”, trong sự khó khăn của du lịch hiện nay, tìm giải pháp để vượt qua.

Theo Phó Thủ tướng, không chỉ là ngành kinh tế, du lịch còn là kênh giao lưu giữa nhân dân trong nước, quốc tế, qua đó vừa phát huy, bảo tồn và làm mới các giá trị văn hoá. Du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà còn giúp xoá đói, giảm nghèo. Ở nhiều vùng sâu, vùng xa, du lịch còn mở ra chân trời mới cho người dân, từ các em bé, phụ nữ, thanh niên đến người cao tuổi có một kênh tiếp xúc với văn hoá, văn minh từ bên ngoài rất tốt.

Vì vậy, du lịch cần lấy người dân làm trung tâm, làm sao cho mọi người dân thấy rằng tham gia vào làm du lịch về lâu dài sẽ giúp giảm nghèo. Quan trọng hơn là chúng ta mang những giá trị của quê hương, dân tộc mình ra thế giới, và cũng có điều kiện được tiếp xúc, giao lưu với văn hoá, văn minh thế giới ngay tại nhà mình, quê hương mình.

Phó Thủ tướng cho rằng các nhà đầu tư lớn có vai trò quan trọng trong thành công của ngành du lịch những năm qua, không chỉ về mặt doanh thu mà cả các kinh nghiệm, giải pháp tốt để phát triển du lịch bền vững.

Nhắc lại câu nói “Triệu năm mới có 1 ngọn núi, Nghìn năm mới có một con sông, trăm năm mới có một cây to”, Phó Thủ tướng lưu ý làm du lịch phải khai thác lợi thế tự nhiên để phát triển nhưng khi chưa đủ tiềm lực về kinh tế, đặc biệt là chưa đủ hiểu biết, công nghệ thì phải rất thận trọng.

Đối với những khu vực như miền Đông Nam Bộ còn nhiều nơi rất hoang sơ thì đây là cơ hội của các nhà đầu tư, DN có tâm, có tầm để làm sao phát triển được du lịch nhưng vẫn giữ được sự hoang sơ của thiên nhiên, giữ được nét độc đáo của văn hoá địa phương mà không lạc hậu. Chừng nào chưa chắc chắn thì chúng ta chuẩn bị kỹ hơn, thật chắc chắn rồi mới làm.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng chia sẻ và cám ơn các DN du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn, không có doanh thu nhưng vẫn đang tìm mọi cách duy trì hoạt động, trả lương cho nhân viên, đặc biệt những hội gia đình, DN nhỏ làm du lịch. Các địa phương trong cả nước cần phải rất chú ý và có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho những đối tượng này. Cùng với đó, các DN du lịch cũng cần xem xét lại các sản phẩm, chuỗi sản phẩm của mình bởi trong thách thức hiện nay cũng có cả thời cơ, cơ hội để chúng ta nhìn lại và làm mới mình.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, ngành du lịch phải đáp ứng điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn cho du khách, cho đội ngũ nhân lực ngành cũng như cộng đồng xã hội.

Phó Thủ tướng mong rằng với sự hợp tác giữa các địa phương trong nước, giữa chính quyền với doanh nghiệp, và đặc biệt kêu gọi mọi người dân cùng tham gia, đồng thời trên bình diện quốc tế là giữa Việt Nam với các nước, nhất định du lịch Việt Nam sẽ vượt qua được giai đoạn rất khó khăn hiện nay

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.