Du học sinh làm Drag Queen ở Nhật

TP - Nhật, một du học sinh người Việt đã vượt qua rất nhiều rào cản để trở thành một Drag Queen được công nhận.
Du học sinh làm Drag Queen ở Nhật ảnh 1 Phúc chuẩn bị lên sân khấu

Hội nghệ nhân sân khấu Tokyo

Nguyễn Ngọc Phúc sinh năm 1995, là du học sinh ngành dịch vụ nhà hàng tại Nhật. Tốt nghiệp, Phúc ở lại Nhật vừa làm việc vừa diễn Drag Queen.

Mở ngoặc đơn, Drag Queen là một cụm từ được sử dụng từ những năm 1870 tại Anh nhằm chỉ những diễn viên nam mặc trang phục, đóng vai nữ giới. Sau này, Drag Queen được phát triển và trở thành một bộ môn nghệ thuật riêng. Người diễn không chỉ diễn kịch, mà còn có thể hát live, hát nhép, diễn xuất, hài kịch, nhảy múa, diễn thời trang, xiếc, ảo thuật, kể chuyện, đọc thơ... và không bị bất cứ một giới hạn nào trong việc biểu diễn nghệ thuật.

Du học sinh làm Drag Queen ở Nhật ảnh 2 Phúc chuẩn bị lên sân khấu

Phúc thích trang điểm từ nhỏ nên mày mò tự học. Bởi vì có nền tảng về hội họa nên học rất nhanh. Ở Nhật, bất cứ khi nào trường có chương trình ca múa nhạc, cậu học trò người Việt đều xung phong tham gia trang điểm, làm tóc cho diễn viên, thậm chí làm việc hậu trường. Những kinh nghiệm thực chiến ấy khiến tay nghề được mài giũa không ít. Sau này, nhìn những tác phẩm của Phúc không ai đoán ra nguồn gốc “tự học”.

Cũng tại đây, Phúc có một phát hiện lớn về bản thân. Việc chính thức nhận ra mình thuộc về cộng đồng LGBTQIA+ (người đồng tính, song tính, chuyển giới và những xu hướng chưa được liệt kê...) khiến cho tất cả những thói quen “kỳ cục” trước đó được hợp lý hóa.

Tốt nghiệp đi làm, Phúc biết đến hội nghệ sĩ sân khấu ở Tokyo và làm đơn xin gia nhập. Trong môi trường này có rất nhiều nghệ sĩ độc đáo đến từ khắp nơi trên thế giới. Đến đây, nhân vật mới come out (từ của cộng đồng LGBT chỉ những người đã công khai thiên hướng tình dục) giống như cá gặp nước. Trong cộng đồng này, cậu không chỉ được thực hành khả năng trang điểm (cho chính bản thân lẫn bạn diễn), mà còn được thoải mái bộc lộ bản thân qua việc nhảy múa, ca hát, diễn kịch v.v... Tích lũy đủ kinh nghiệm, Phúc trở thành hội viên hội nghệ nhân sân khấu tại Tokyo. Vào cuối năm ngoái, Phúc đoạt giải Miss Tokyo Closet Ball 2020 – một giải thưởng nổi tiếng trong cộng đồng Drag ở Nhật.

Hiện nay, các show mỗi tháng một lần của Tokyo Closet Ball đã trở thành một đặc sản must watch (phải xem) trong nhiều cẩm nang du lịch của Tokyo. Họ giới thiệu về chúng như là những trải nghiệm cuộc sống đích thực, sống động, hòa nhập và hoang dã.

Khi đã dấn sâu vào Drag và trang điểm, tôi hỏi tại sao Phúc không chuyển hẳn nghề. Thì nhận được câu trả lời khá bất ngờ: Visa lao động của Nhật không bao gồm ngành nghệ thuật, nếu làm nghệ nhân trang điểm thì chỉ có thể làm tự do và  không được trợ cấp visa...

Du học sinh làm Drag Queen ở Nhật ảnh 3  Cùng bạn diễn

Thế nên, hiện nay Phúc vẫn phải sống phân thân, giống như nick Phú Cờ của cậu. Một nửa tỉ mỉ, chuẩn xác theo đúng yêu cầu về các ngành dịch vụ của Nhật. Một nửa tự do, bay bổng, phá cách giữa những người được coi là “điên nhất thế giới”.

Cẩm nang học ngoại ngữ

Một trong những nguyên nhân khiến Phúc có thể nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở nước ngoài đó là khả năng tiếng Anh, tiếng Nhật tốt. Việc giỏi một lúc hai ngoại ngữ thực ra cũng không đơn giản như mấy dòng tóm tắt trong sơ yếu lý lịch.

Cô giáo Hồ Thu (người trực tiếp dạy tiếng Anh cho Phúc) giới thiệu: “Bạn ấy đến xin học và ngay từ những ngày đầu đã gây ấn tượng mạnh: làm bài tập và gõ hết cả cuốn Ngữ pháp IELTS trong 2 tuần. Trong quá trình học bạn ấy luôn tỏa sáng và đi thi đạt 8 điểm IELTS Speaking ở thời điểm mà IELTS chưa là cao trào ở Việt Nam (2011)”.

Kể về kinh nghiệm học ngoại ngữ, Phúc nói: “chính là không được ngại sai bởi có sai mới biết sửa. Rào cản lớn nhất là tâm lý bản thân, phải tự mình vượt qua nỗi lo sợ thì mới hành động được. Hồi em mới học tiếng Anh đi trên đường gặp tây du lịch là tự động chạy ra hỏi “cho tao tập nói tiếng Anh với mày được không?” rồi đứng nói chuyện tầm 10-15 phút. Mặt dày đấy nhưng nhờ thế mới tạo được sự tự tin”.

Cũng không có những bí quyết “cấp tốc” hay “đi tắt đón đầu”, quá trình học ngoại ngữ của học trò được cô giáo khen dựa chính vào sự tự phấn đấu, tuần tự theo kiểu mưa dầm thấm đất. “Em lúc nào cũng có ý thức học và sử dụng tiếng Anh trong đời thường, kể cả ngoài giờ học. Xem phim, đọc truyện, học lời bài hát bằng tiếng Anh. Ngồi nhà lẩm nhẩm nói một mình cũng cố dùng tiếng Anh. Ngồi đếm số thay vì đếm tiếng Việt dùng tiếng Anh. Mục đích là biến tư duy của mình thành ngoại ngữ, vì đây lỗi mà nhiều người học hay vấp phải. Họ tư duy bằng tiếng việt, sau đó mới nghĩ nhẩm dịch trong đầu ra tiếng Anh. Nhưng nếu tư duy bằng tiếng Anh thì tự động sẽ phát âm  lưu loát”.

Nhờ vốn liếng ấy, thời gian học đại học, Phúc đã đi làm thêm dạy tiếng Anh cho cấp 1, cấp 2, và cấp 3 cho một trung tâm tư nhân.

Giai đoạn dịch COVID-19 khiến cho ngành dịch vụ nhà hàng ở Nhật Bản đóng băng, Phúc thất nghiệp. “Thắt lưng buộc bụng” không phải là kế sách lâu dài, cậu bắt đầu đi dạo những trang web tìm việc.

Rất nhiều cơ sở ngoại ngữ cần tuyển giáo viên tiếng Anh nhưng họ chỉ ưu tiên giảng viên người da trắng. Đây là một định kiến lâu năm ở Nhật và rất khó thay đổi. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà (cựu sinh viên ĐH Tokyo, hiện sống và làm việc tại Nhật) có lần cũng kể với tôi: “Ở Nhật, nếu dính đến việc dạy tiếng Anh, họ sẽ mặc định đó là công việc của người da trắng. Có rất ít thầy giáo da màu dạy tiếng Anh. Họ có một yêu cầu gần như máy móc với tính “bản địa”,  tức bên tuyển dụng nhìn hồ sơ và chỉ ưu tiên người được sinh ra và lớn lên tại các nước nói tiếng Anh”.

Biết khó, song Phúc vẫn  đăng ký dạy tiếng Anh online cho một công ty của Phillippine, bởi vì nghỉ dịch lâu quá, sân khấu cũng đóng cửa nên buồn. Không ngờ hồ sơ của Phúc được duyệt. Hiện cậu đang rất hài lòng với công việc của một thầy giáo tiếng Anh tại Nhật.

Drag là cụm từ viết tắt của “Dress Resembling A Girl” (ăn mặc như một cô nàng) còn Drag Queen chính là những “Nữ hoàng” trong các bộ trang phục lộng lẫy như vậy.

Drag sở dĩ được ủng hộ rộng rãi vì nó phá bỏ mọi rào cản về giới. Người tham gia diễn Drag có thể là bất cứ giới tính nào, thẳng tính, đồng tính, lưỡng tính, chuyển tính, queer... Giới Drag có một slogan nổi tiếng: Không quan trọng giới tính của bạn là gì, quan trọng là tiếng nói của bạn trong nghệ thuật.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.