>> Bài 1: Hai siêu dự án và… nợ nần
Theo sau dự án này, khu công nghiệp Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ cũng trong tình trạng tương tự.
Công viên phần mềm Thủ Thiêm: Khởi công rồi để cỏ mọc
Tháng 7-2008, Công viên phần mềm Thủ Thiêm (CVPMTT) được quảng cáo lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á được khởi công xây dựng. Nhưng sau đó mọi việc im ắng dần và lộ ra những đòi hỏi bất hợp lý của chủ đầu tư. Tháng 7-2009, Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) gửi văn bản đề xuất UBND TPHCM thu hồi dự án này.
Công viên phần mềm Thủ Thiêm vẫn chỉ là khu đất cỏ mọc um tùm . Ảnh: Hà Phan |
Theo văn bản trên thì chủ đầu tư (Liên doanh Saigontel và Tập đoàn Teco lập ra Cty TNHH TA Associates Việt Nam (gọi tắt là Cty TA VN) để làm chủ dự án) đề nghị điều chỉnh nhiều điểm trong giấy chứng nhận đầu tư không phù hợp với cam kết trong hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Cty TA VN xin tăng diện tích sàn khu nhà ở từ 10% (tương đương 65.000m2) lên 26% tổng diện tích sàn và khu nhà ở có thể được chào bán; xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng lẻ khu nhà ở này, cho phép chủ đầu tư sử dụng đất ở và khu nhà ở để cho thuê trong 70 năm... Cty TA VN đề nghị bãi bỏ quy định “chỉ cho phép các chuyên gia được sử dụng khu nhà ở”.
Cty TA VN còn đề nghị UBND TPHCM cho phép thay đổi quy hoạch cục bộ trong khu đất thực hiện dự án nhằm chia dự án ra thành hai khu vực chính: khu công viên phần mềm và khu nhà ở. Đáng chú ý, Cty này đề nghị thay đổi tỷ lệ xây dựng khu văn phòng xuống 59% thay vì 75% như giấy chứng nhận đầu tư đã cấp...
Những đòi hỏi được cho là quá đáng này khiến Ban quản lý KĐTMTT đề xuất thu hồi dự án. Trước khi cấp phép cho dự án trên, UBND TPHCM đã phải xin Chính phủ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2.000 KĐTMTT để bổ sung thêm các dự án phần mềm tại đây mà quy hoạch ban đầu không có.
Những đòi hỏi quá đáng trên của Cty TA VN lập tức bị các ban ngành và UBND TPHCM bác bỏ. Trước phản ứng của Ban quản lý KĐTMTT và công luận, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Saigon Invest (Cty mẹ của Saigontel) trấn an là phía Cty TA VN không xin tăng diện tích đất, bán nhà cho các đối tượng và cũng không xin giảm giá thuê đất nữa.
Trả lời những nghi ngại về năng lực tài chính của chủ đầu tư, ông Tâm đề nghị chuyển ngay 10% tiền đặt cọc, tức gần 9 triệu USD, sau đó đề nghị trả hết 25% và triển khai ngay giai đoạn một dự án có vốn đầu tư 300 triệu USD. Phần còn lại của dự án sẽ tính tiếp. Tuy nhiên, những tuyên bố trên chưa thể thành hiện thực và cho đến giữa tháng 9-2010, nơi đây vẫn còn là bãi đất trống, cỏ mọc quá đầu người.
Cty Saigontel cũng từng thông báo xin nộp 1.500 tỷ đồng tiền thuê đất của dự án nhưng sau đó UBND TPHCM không đồng ý, lý do theo như Tổng GĐ Saigontel - Hoàng Sĩ Hóa thì UBND TPHCM trả lời “đây là việc của liên doanh không phải chuyện của Saigontel hay Tập đoàn Teco”. Ông Hóa cũng thừa nhận dự án chưa triển khai được là do còn nhiều thủ tục chưa xong.
Theo nguồn tin của Tiền Phong, tại cuộc gặp với lãnh đạo UBND TPHCM vào tháng 7-2010, phía Tập đoàn Teco lấy lý do khó khăn tài chính đã đề nghị lãnh đạo TPHCM cho phép điều chỉnh vốn đầu tư dự án từ 1,2 tỷ USD xuống 300 triệu USD để triển khai giai đoạn một dự án. Sau đó tuỳ tình hình Tập đoàn Teco sẽ tính sau.
Đây được xem là kế hoãn binh của chủ đầu tư. Đề nghị này đang đặt TPHCM vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, bởi nếu đồng ý sẽ phải điều chỉnh quy hoạch, giấy phép đầu tư, còn không sẽ chẳng biết giải quyết ra sao.
KCN Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ: Lại cỏ mọc vì để hoang
Dự án xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ do Cty Đô thị và Phát triển Kinh Bắc (thành viên Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn) đăng ký xây dựng tại xã Tân Long (huyện Tân Kỳ, Nghệ An).
KCN Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ vẫn là một bãi đất hoang . Ảnh: Quang Long |
Ngày 19-5-2010, Cty CP Xi măng Sài Gòn- Tân Kỳ tổ chức lễ khởi công Khu Công nghiệp (KCN) Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ. Theo thuyết minh của nhà đầu tư, Dự án có diện tích quy hoạch phát triển dự kiến tới 600ha, trong đó khu công nghiệp 400ha, phần còn lại xây dựng các công trình công cộng, khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên.
Công việc đo đếm, thống kê số diện tích đất trồng bị ảnh hưởng, lên phương án đền bù, giải tỏa đã thực hiện xong, chỉ chờ Cty Cổ phần Xi măng Sài Gòn- Tân Kỳ rót tiền về chi trả cho dân. Nhưng đến nay, huyện chưa nhận được đồng nào! - Ông Nguyễn Duy Thủy |
KCN Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ có tổng công suất 14 triệu tấn/năm và tổng vốn đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD. Giai đoạn đầu KCN được đầu tư gần 1.400 tỷ đồng và sẽ hoàn thành xong phần cơ sở hạ tầng và đưa vào hoạt động trong vòng 6 năm tới.
Khi lắp đặt các nhà máy sản xuất xi măng, KCN hứa hẹn sẽ trở thành nơi sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam, góp phần to lớn vào công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, tăng thu ngân sách cho Nghệ An, góp phần đưa Nghệ An trở thành một trong những trung tâm sản xuất xi măng lớn của cả nước.
Nhà đầu tư cam kết sử dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến nhằm đảm bảo xi măng có chất lượng tốt nhất cho việc xây dựng các công trình trong nước như các công trình xây dựng dân dụng cao tầng, đường cao tốc, công trình thuỷ điện và hơn nữa, có thể xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Myanmar và cả Nhật Bản...
Tại Bản đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư gửi UBND tỉnh, Sở KH&ĐT Nghệ An ngày 28-8-2009, Giám đốc Cty Cổ phần Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ, Trần Hữu Hồng Trường cho biết, giai đoạn 1, dự án sản xuất 2.500 tấn Clanke/ngày, khởi công xây dựng công trình phụ trợ vào quý 1/2010, cuối năm 2010 sẽ lắp máy và chạy thử vào quý 3/2011.
Người dân Tân Kỳ háo hức chờ một khu công nghiệp hoành tráng mọc lên giữa miền quê nghèo. Nhưng đã gần 4 tháng trôi qua, địa điểm xây dựng KCN Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ vẫn chỉ là một bãi đất hoang!
“Dân bầy tui cứ tưởng sau lễ động thổ, nhà đầu tư sẽ huy động máy xúc, xe ủi giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy, nhưng gần nửa năm rồi im re!”, một lão nông chống cuốc nhìn ra đồng mía Tân Thắng (xã Tân Long, Tân Kỳ), lắc đầu.
Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ - Nguyễn Duy Thủy nói chính quyền sở tại nóng lòng về tiến độ của dự án. “Cách đây khoảng 1 tháng, chúng tôi có buổi làm việc với lãnh đạo Cty Cổ phần Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ. Chủ đầu tư giải thích rằng sau lễ khởi công, họ tiến hành đàm phán với đối tác Nhật Bản. Đối tác yêu cầu đánh giá lại trữ lượng, chất lượng mỏ nguyên liệu (mỏ đá, mỏ đất sét) để cung cấp hệ thống dây chuyền phù hợp. Hơn nữa, nghe nói vốn nhà đầu tư có hạn, họ phải làm việc với ngân hàng”, ông Thủy cho hay.
Huyện Tân Kỳ bắt tay vào cuộc giải phóng mặt bằng ngay khi dự án khởi động. “Công việc đo đếm, thống kê số diện tích đất trồng bị ảnh hưởng, lên phương án đền bù, giải tỏa đã thực hiện xong, chỉ chờ Cty Cổ phần Xi măng Sài Gòn- Tân Kỳ rót tiền về chi trả cho dân. Nhưng đến nay, huyện chưa nhận được đồng nào!”, ông Nguyễn Duy Thủy nói.