Dự án robot chiến đấu đa năng EMAV của thuỷ quân lục chiến Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Dự án robot chiến đấu đa năng EMAV của thuỷ quân lục chiến Mỹ
Theo yêu cầu của Thủy quân lục chiến Mỹ, dự án robot chiến đấu đa năng EMAV đang được công ty Pratt Millet và một số đơn vị khác đồng phát triển, với các cấu hình tùy chọn khác nhau và đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt trên chiến trường.

Robot chiến đấu hiện đại

Hiện nay, Lực lượng mặt đất của Mỹ đang tích cực nghiên cứu các tổ hợp robot đa năng. Một số dự án như vậy đã được phát triển. Thuỷ quân lục chiến Mỹ cũng không muốn đứng ngoài cuộc. Họ cũng đã triển khai dự án Xe tự hành mô-đun viễn chinh (Expeditionary Modular Autonomous Vehicle – EMAV) cách đây vài năm. Mục tiêu của dự án là tạo ra một tổ hợp robot đa năng, có thể đáp ứng nhu cầu và mong muốn của thuỷ quân lục chiến.

Theo các yêu cầu chung, tổ hợp robot đa năng EMAV là một nền tảng hiện đại, với khả năng tích hợp các thiết bị, vũ khí khác nhau. Kích thước và trọng lượng của bệ và máy móc bố trí bên trên phải tương ứng với khả năng chở hàng của trực thăng CH-47 và máy bay đa nhiệm V-22.

Đơn vị giành chiến thắng giai đoạn đầu của dự án EMAV là công ty Pratt Miller, với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải và tự động hóa. Công ty này được giao phát triển nền tảng cơ bản của tổ hợp và khả năng tích hợp chung của các hệ thống. Ngoài ra, các nhà cung cấp thiết bị cho dự án, bao gồm các mô-đun sử dụng các mục đích khác nhau, là Northrop Grumman, Rafael và Oshkosh.

Dự án robot chiến đấu đa năng EMAV của thuỷ quân lục chiến Mỹ ảnh 1

Robot EMAV trinh sát với mô-đun súng máy CROWS và UAV. Ảnh: Pratt Miller

Năm 2020, quá trình thiết kế chính đã được hoàn thành, nguyên mẫu đầu tiên của dự án EMAV đã được thử nghiệm. Một số phương tiện, thiết bị hỗ trợ cũng được kiểm tra ở các vai trò, điều kiện khác nhau. Theo đó, robot đa năng EMAV sử dụng khung gầm bánh xích, bên trên là một bề mặt bằng phẳng hình chữ nhật, với các khe cho thiết bị bổ sung. Các thành phần quan trọng như tổ máy phát điện và hệ thống điều khiển được bố trí bên trong. Đồng thời, hệ thống camera được lắp đặt ở phía trước và phía sau xe.

EMAV được trang bị một tổ máy điện hỗn hợp, bao gồm máy phát điện diesel, pin và động cơ điện. Tùy theo nhu cầu, xe có thể chạy bằng động cơ diesel hoặc chỉ sử dụng pin.

Trọng tải tối đa của tổ hợp EMAV này là 3,27 tấn. Tổng khối lượng của robot chiến đấu có thể lên tới 6,35 tấn. Nó có thể đạt tốc độ lên tới 70 km/giờ, vượt nhiều dạng địa hình và chướng ngại vật khác nhau. Nhìn chung, về tính cơ động, robot chiến đấu này không thua kém các loại xe bánh xích có người lái.

EMAV còn được trang bị các thiết bị tầm nhìn kỹ thuật và hệ thống điều khiển tân tiến, với chế độ vận hành đặc biệt. Nó có thể lái và sử dụng thiết bị mục tiêu theo lệnh của người điều khiển. Đồng thời, cung cấp một chế độ ngoại tuyến khi thực hiện nhiệm vụ và khi giải quyết các vấn đề một cách độc lập.

Ngoài ra, một trạm điều hành di động được sử dụng để điều khiển. Trên tay người chỉ huy sẽ có một bảng điều khiển với màn hình cảm ứng, mặt sau có bộ phận xử lý dữ liệu và phương tiện liên lạc. Các nguyên tắc điều khiển khá đơn giản để hỗ trợ công tác đào tạo người vận hành. Vì vậy, binh sĩ chỉ mất vài ngày là có thể nắm vững các kỹ thuật điều khiển cơ bản.

Tác chiến đa nhiệm

Trong giai đoạn đầu tiên của quá trình thử nghiệm sản phẩm EMAV, các đặc tính cơ động đã được thiết lập. Bên cạnh đó, các hệ thống điều khiển cũng được thử nghiệm ở nhiều chế độ khác nhau, nhằm giải quyết các yêu cầu thực tế trên chiến trường.

Tháng 1/2021, một nền tảng EMAV mới, với trang bị gồm vũ khí súng máy CROWS và phương tiện bay không người lái (UAV) hạng nhẹ đã thể hiện khả năng trinh sát và hỗ trợ hỏa lực hiệu quả. EMAV mới đã cung cấp khả năng quan sát, tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu. Trong đợt thử nghiệm khác, một thiết bị phóng điện tích kỹ thuật mở rộng đã được cài đặt trên EMAV. Robot này sau đó đã di chuyển đến địa điểm xác định và dọn sạch lối đi qua bãi mìn.

Vào đầu mùa hè năm nay, một cuộc kiểm tra khả năng vận chuyển của nền tảng EMAV mới cũng đã diễn ra, với nhiệm vụ di chuyển người bị thương ra khỏi chiến trường. Để làm được điều này, hệ thống cáng quân sự thông thường đã được lắp đặt trên nóc của chiếc xe bánh xích. Thiết bị sau đó tiến vào trận địa và hoàn thành việc di tản những người bị thương về hậu cứ.

Dự án robot chiến đấu đa năng EMAV của thuỷ quân lục chiến Mỹ ảnh 2

Robot đa năng EMAV với mô-đun chiến đấu MCWS. Ảnh: Topwar

Gần đây, nhà phát triển cũng đã ra mắt một phiên bản robot đa nhiệm EMAV khác, với chức năng trinh sát và chiến đấu. Trong cấu hình này, khung máy nhận thêm các yếu tố bảo vệ bổ sung. Ngoài ra, nó có sử dụng mô-đun chiến đấu “Hệ thống vũ khí hạng trung” (MCWS) do Rafael, Oshkosh và Pratt Miller đồng phát triển. Theo đó, EMAV này được trang bị một khẩu pháo 30mm XM810 và một súng máy đồng trục trên giá treo ổn định, mang theo thiết bị quang điện tử và cảm biến thời tiết, đồng thời cũng được bảo vệ bằng súng phóng lựu khói.

Trong thời gian tới, công ty Pratt Miller cùng với các đơn vị phát triển tiếp tục trình bày thêm một số cấu hình khác của tổ hợp robot chiến đấu đa năng đầy hứa hẹn này. Các sản phẩm thuộc dự án này đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng từ Lầu Năm Góc. Song, các EMAV mới tiếp theo có thể sẽ được trang bị thêm nhiều thiết bị chiến đấu khác.

Triển vọng của dự án

Nhìn chung, dự án EMAV của Pratt Miller, tương tự như một số mẫu robot chiến đấu hiện đại khác, được phát triển theo đơn đặt hàng của các lực lượng vũ trang Mỹ. Theo đó, một nền tảng có kích thước trung bình được phát triển, có khả năng mang nhiều thiết bị và vũ khí khác nhau. Tuy nhiên, robot chiến đấu EMAV có một số tính năng riêng, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và triển vọng tương lai của dự án.

Trước hết, Pratt Miller là một công ty mới trong lĩnh vực chế tạo thiết bị quân sự. Trước đây, công ty này cung cấp cho quân đội các hệ thống phụ trợ, nhưng các thiết bị phức tạp thì ít được giao phát triển hoặc sản xuất. Cách đây không lâu, công ty này đã thực hiện dự án theo hướng mới, và dường như đã dần đáp ứng với yêu cầu chung.

Hơn nữa, khách hàng và các kế hoạch mua sắm của họ về dòng sản phẩm này cũng rất đặc biệt. Thuỷ quân lục chiến Mỹ đang thể hiện sự quan tâm đến các công nghệ và hướng phát triển vũ khí mới, trong đó có các robot đa năng hạng trung và hạng nặng. Đồng thời, các yêu cầu đối với robot chiến đấu mới được đưa ra khá nghiêm ngặt, liên quan đến việc vận chuyển thiết bị bằng đường hàng không.

Do đó, dự án EMAV trong tất cả các phiên bản sẽ kết hợp đủ các đặc tính về tính chiến đấu, hiệu suất và khả năng cơ động cao. Thuỷ quân lục chiến Mỹ sẽ có thể dễ dàng vận chuyển các thiết bị đó đến các khu vực khác nhau bằng đường biển hoặc đường hàng không, và cũng thuận lợi trong việc rút quân. Điều này sẽ tạo ra khả năng cơ động cao, tạo lợi thế trước đối thủ.

Theo các chuyên gia, triển vọng tương lai của dự án EMAV vẫn còn chưa xác định. Quá trình thử nghiệm cho kết quả tốt, nhưng vẫn chưa có các hợp đồng cụ thể cho việc biên chế sử dụng và chế tạo hàng loạt. Tuy nhiên, Thuỷ quân lục chiến Mỹ đang dành sự quan tâm nghiêm túc đến các hệ thống robot hạng trung và hạng nặng trên, bởi chúng có khả năng giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu và hỗ trợ tác chiến hiệu quả.

Điều này có nghĩa là trong tương lai gần, các phương tiện, thiết bị như EMAV sẽ được đưa vào sử dụng, và sẽ làm thay đổi diện mạo của thuỷ quân lục chiến, cũng như mang lại cho lực lượng này những khả năng tác chiến mới.

Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG