Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong, trưởng Ban tổ chức (BTC) cuộc thi HHVN 2018 chia sẻ về dự án “Vang mãi khúc quân hành”, BTC muốn tạo ra môi trường để các thí sinh tiếp xúc, trò chuyện với các bác, các chú, các cô thương, bệnh binh, nghe câu chuyện chiến đấu, hi sinh của họ và thấy ngày nay họ vẫn đang trong cuộc chiến đấu với đau đớn, thương tật hằng ngày.
“Qua đó, thí sinh sẽ hiểu được truyền thống yêu nước, cách mạng, những mất mát, hi sinh, công lao to lớn của thế hệ đi trước và giá trị của cuộc sống hoà bình ngày hôm nay. Đồng thời, cũng là dịp để các thí sinh bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn của mình với những người đi trước và có những hành động thiết thực chăm sóc thương bệnh binh, người có công… Chúng tôi hi vọng các em thấy rõ hơn giá trị của cuộc sống và có trách nhiệm hơn với đất nước, với thế hệ đi trước, với những người xung quanh”, Tổng Biên tập báo Tiền Phong nói.
Một tuần cho cả hành trình, và hai ngày cho từng nhóm thí sinh tại các trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh, là khoảng thời gian không hề dài, nhưng cũng kịp tạo ra những khoảnh khắc không thể nào quên giữa hai thế hệ.
Đó là những giọt nước mắt khó kìm nén của thí sinh Bùi Thị Yến Nhi (SBD 096) dành cho bác Ba, một bệnh binh hạng nặng. Tình cờ gặp trong buổi trao quà tri ân của BTC HHVN 2018 tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nghệ An, Yến Nhi đặc biệt chú ý đến bác Ba bởi gương mặt khắc khổ, dáng người nhỏ bé, xiêu vẹo, tay phải bị liệt. Thời gian buổi lễ tri ân diễn ra, cô gái sinh năm 1997 chăm chú lắng nghe bác Ba kể chuyện, rồi không biết từ lúc nào nước mắt lăn đều trên gò má.
Thí sinh Yến Nhi rơi nước mắt khi nghe bác Ba kể chuyện thời bom đạn.
Sau này hỏi lại, Yến Nhi bộc bạch, đã không thể kìm nén được cảm xúc khi nghe bác Ba kể về hoàn cảnh của bác. Bác Ba không may bị đạn bắn vào đầu trong lúc chiến đấu. Dù đã được phẫu thuật, một số mảnh vỏ đạn nhỏ vẫn còn ở trong đầu bác vì găm vào vị trí hiểm, nếu lấy ra có thể nguy hiểm đến tính mạng. Di chứng nặng nề đối với người bệnh binh, tay phải của bác bị liệt, chân đi không vững và phát âm khó khăn. Điều này cũng gây khó khăn lớn trong quá trình nói chuyện, giữa một cô gái đến từ Đồng Tháp với người bệnh binh Nghệ An có giọng nói đặc tiếng địa phương miền Trung.
Kể lại, Yến Nhi vẫn rất xúc động. Nhớ đến những lời cuối trước khi tạm biệt bác Ba thí sinh 21 tuổi khóc nấc lên: “Bác xin số điện thoại của em để thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm, nhưng bác không có gì để lưu lại. Nhìn cảnh bác lật đật đi tìm cây bút, rồi run rẩy viết từng con số xiêu vẹo trên tường, em thấy thương bác quá”…
Ca khúc “Cuộc đời vẫn đẹp sao” được bác Bảo, một cựu văn công bị mất trí nhớ tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng (Hà Nam), dành tặng cho ba thí sinh Nguyễn Hoài Phương Anh (256), Nguyễn Phương Anh (118) và Lại Quỳnh Giang (SBD 278) thật xúc động.
Bác Bảo từ miền Nam tập kết ra Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi hòa bình lập lại, hai miền thống nhất, do di chứng thương tật bác Bảo không còn nhớ gì về quê quán, gia đình. Khi được hỏi thăm, câu trả lời của bác chỉ gói gọn “Không” hoặc “Không nhớ”. Điều duy nhất bác nhớ là từng tham gia đoàn văn công thời chiến, cũng như tình yêu với ca hát.
Bác Bảo biểu hiện rất lạnh nhạt, đôi lúc bác có cười lên nhưng dường như chỉ là phản xạ, không phải để biểu lộ cảm xúc. Trước buổi lễ trao quà tri ân của BTC HHVN 2018 tại trung tâm, ba thí sinh có đề xuất bác Bảo hát tặng mọi người một ca khúc, nhưng hỏi một lần, hai lần, bác đều trả lời “Không” dứt khoát. Tuy vậy, ba cô gái vẫn rất kiên trì thuyết phục, đến lúc không được thì buộc lòng phải mời một bác bệnh binh khác thân thiết với bác Bảo để khuyên nhủ. Có vẻ như tấm lòng của các thí sinh thực sự lay động được người cựu văn công, khi bác không chỉ tặng riêng ca khúc “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, mà còn cùng mọi người giao lưu văn nghệ trên sân khấu.
Đó chỉ là hai trong những câu chuyện xúc động mà ê kíp “Người đẹp nhân ái 2018” được chứng kiến, nhưng đủ để chứng tỏ một điều: Phải đến tận nơi, phải tận mắt thấy, phải tận tai nghe và phải tự mình trải nghiệm, thế hệ trẻ mới thấu hiểu được những mất mát, hi sinh mà những người đi trước gánh chịu để đổi lấy hòa bình, ấm no hôm nay.
Kể lại, Yến Nhi vẫn rất xúc động. Nhớ đến những lời cuối trước khi tạm biệt bác Ba thí sinh 21 tuổi khóc nấc lên: “Bác xin số điện thoại của em để thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm, nhưng bác không có gì để lưu lại. Nhìn cảnh bác lật đật đi tìm cây bút, rồi run rẩy viết từng con số xiêu vẹo trên tường, em thấy thương bác quá”…