Dự án nghìn tỷ thua lỗ: Bất thường từ những khoản đội vốn khủng - Bài 3

Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt phát số 2 chỉ hoạt động trên dưới 50%. Ảnh: Nguyễn Thu.
Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt phát số 2 chỉ hoạt động trên dưới 50%. Ảnh: Nguyễn Thu.
TP - Sau khi “đầu xuôi đuôi lọt” ở các phần đấu thầu, nhà thầu EPC bắt tay triển khai thì các dự án đều đội vốn, có dự án vốn đội lên hàng nghìn tỷ đồng. Tính riêng với 4 dự án sản xuất đạm và phân bón của ngành hóa chất và thép đã đội vốn cả chục nghìn tỷ đồng với những dấu hiệu bất thường.

Đủ chiêu đội vốn

Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 mở rộng cũng thuộc diện dự án đội vốn nóng với tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của chủ đầu tư là 10%, còn lại là đi vay 90%. Tại thời điểm phê duyệt, do là dự án nhóm A nên được vay vốn ODA của Chính phủ Trung Quốc với lãi suất ưu đãi của Chính phủ cùng  dự án phân đạm Hà Bắc (vay 44,2 triệu nhân dân tệ).

Ngày 15/5/2007, HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam quyết định phê duyệt Nhà thầu China Metallurgical Group Corporation (MCC) trúng thầu gói thầu EPC số 01 Dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá thuộc Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 với giá trúng thầu hơn 2.587 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 160,8 triệu USD.

Điểm đáng chú ý trong hợp đồng EPC của dự án này chính là việc sau khi được khởi công tháng 9/2007, chỉ chưa đầy một năm sau đó, trước những biến động lớn của thị trường, tổng thầu MCC đã có đề nghị tăng giá trị gói thầu lên 134 triệu USD, chủ yếu là tăng giá trị phần xây lắp, trong khi giá trúng thầu chỉ gần 43 triệu USD. Khi đề nghị này bị từ chối, nhà thầu MCC quay sang đề nghị tách phần xây dựng và lắp đặt (phần C) ra khỏi hợp đồng EPC, để giao lại cho nhà thầu Việt Nam.

Ngày 1/7/2009, Tổng Công ty Thép Việt Nam có Văn bản số 896/VNS-ĐTPT gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giải quyết khó khăn cho dự án theo hướng cho tách phần C ra khỏi Hợp đồng EPC để giao cho nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện, thanh toán theo khối lượng thực tế, nhà thầu MCC chịu trách nhiệm phần E, P và chịu mọi rủi ro liên quan. Tổng tiến độ điều chỉnh của dự án tính đến thời điểm này kéo dài thêm 21 tháng. Tuy nhiên, sau đó phía Tổng công ty Xây dựng Việt Nam cũng không hoàn thành được công việc.    

Từ cuối năm 2012, do chủ đầu tư TISCO chưa thu xếp được đủ vốn cho dự án nên các nhà thầu thi công đã rút hết công nhân và máy móc thi công ra khỏi công trường. Toàn bộ các hạng mục của Gói thầu EPC số 01 bị tạm ngừng thi công. Đến ngày 15/5/2013 chủ đầu tư duyệt điều chỉnh vốn đầu tư của dự án tăng từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng, đồng nghĩa mục tiêu đặt ra ban đầu của chủ đầu tư là dự án sẽ đi vào sản xuất tại thời điểm tháng 5/2011 chính thức phá sản.          

Trong một bản báo cáo của Thanh tra Bộ Công Thương sau này về Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, thanh tra bộ cũng chỉ ra một số điểm bất thường liên quan tạm ứng và thanh toán cho nhà thầu MCC. Cụ thể, tỷ lệ thanh toán theo quy định của Hợp đồng EPC được ký là 95% trong khi hồ sơ dự thầu của MCC chỉ yêu cầu 90%. Đặc biệt, việc tăng giá hợp đồng là không được phép nhưng rốt cuộc dự án vẫn được điều chỉnh vốn.

“Các nội dung liên quan trong hợp đồng EPC số 01, trước khi ký kết với MCC đều được chủ đầu tư tham khảo ý kiến của Vụ Pháp luật quốc tế- Bộ Tư pháp, Vụ Quản lý đấu thầu Bộ KHĐT, Tổng Công ty Thép Việt Nam. Tháng 6/ 2008 khi dự án bị đình trệ, chủ đầu tư đã tham vấn ý kiến của Hãng luật KELVIN C.H.I.A Partnership và đã được trả lời: “Chúng tôi không thấy bất kỳ quy định nào trong hợp đồng không có lợi cho TISCO và cho phép MCC có quyền đơn phương đòi tăng giá hợp đồng”, báo cáo của Thanh tra Bộ Công Thương nêu rõ.

Đến những khoản chi bất thường

Một trong số các dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ có nhiều sai phạm trong quản lý, đầu tư và thực hiện hợp đồng EPC của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) phải kể đến trường hợp của Dự án xây dựng công trình Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt phát số 2 của Công ty cổ phần DAP số 2 tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). Đây là dự án có vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng và được khởi công tháng 12/2011 từng được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hồi tháng 11/2016 yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo làm rõ theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến một số sai phạm được phát hiện thông qua kết quả kiểm toán.

Trước đó, Thanh tra Bộ Xây dựng có kết luận thanh tra và yêu cầu Vinachem chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra những sai sót tại dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón cao cấp DAP số 2. Theo kết luận thanh tra này, riêng việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình đã làm tăng tổng mức đầu tư gần 79,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác đàm phán, ký kết hợp đồng với gói thầu EPC còn một số tồn tại dẫn đến giá một số hạng mục công trình và vật tư, thiết bị trong biểu giá hợp đồng cao hơn so với giá dự phòng và làm tăng trị giá hợp đồng hơn 145 tỷ đồng và hơn 2,5 triệu USD.

Đặc biệt, theo kết luận, Công ty cổ phần DAP số 2 có sai sót trong nghiệm thu, thanh toán vượt hơn 1,2 triệu USD tiền thuế giá trị gia tăng mua hàng nhập khẩu tại gói thầu EPC. Việc không tính đúng các thành phần chi phí (thiết kế, kỹ thuật, bản quyền, mua sắm, xây dựng) cũng dẫn đến thanh toán vượt gần 47.000 USD.

Riêng việc nghiệm thu, thanh toán thừa khối lượng quét nhựa đường chống thấm thuộc hạng mục đường sắt cũng làm tăng chi phí của Dự án xây dựng công trình Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt phát số 2 hơn 235 triệu đồng. Thanh tra Bộ Xây dựng cũng yêu cầu làm rõ khoản tăng do đàm phán, ký kết hợp đồng tại gói thầu EPC là hơn 145,2 tỷ đồng và hơn 2,5 triệu USD.

MỚI - NÓNG