Dự án được duyệt thì máy móc đầu tư đã … lạc hậu

TPO - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho biết có không ít dự án đầu tư máy móc thiết bị phục vụ cho các cơ sở đào tạo nghề kéo dài hơn 5 năm, đến lúc được phê duyệt và cấp kinh phí thì đã lạc hậu và đội vốn gấp nhiều lần so với dự toán ban đầu.

Ngày 23/8, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức phiên họp giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với đào tạo nguồn nhân lực tại TPHCM.

Dự án được duyệt thì máy móc đầu tư đã … lạc hậu ảnh 1 Phiên "điều trần" của HĐND TPHCM về đào tạo nghề, giải quyết việc làm sáng 24/8

Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (Sở LĐTBXH), TPHCM có 517 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 50 trường cao đẳng, 65 trường trung cấp, 65 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; 278 cơ sở do doanh nghiệp đào tạo nghề và 59 cơ sở khác có dạy nghề.

Tính đến cuối năm 2017, tổng số học sinh, sinh viên, học viên là trên 489.000 người, trong đó trình độ cao đẳng chiếm gần 10%; trung cấp 7,68% và trình độ sơ cấp dưới 3 tháng chiếm hơn 82%. Tổng số nhà giáo là 12.786 người, trong đó có .251 cán bộ quản lý và 11.535 giảng viên giáo viên.

Có 32 cơ sở công lập do các cơ quan trung ương chủ quản và 41 cơ sở do các sở ban ngành quận huyện là cơ quan chủ quản, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 444 cơ sở tư thục.

Số lượng cơ sở dạy nghề rất nhiều nhưng công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân như phân luồng chưa hiệu quả, xã hội còn nặng bằng cấp, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng đào tạo nghề chưa cao, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu.

Theo giám đốc Sở LĐTBXH Lê Minh Tấn, từ năm 2011 – 2015, tổng kinh phí được phân bổ cho các trường, trung tâm đào tạo nghề là gần 96 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 95,87 tỷ đồng và địa phương là 3 tỷ đồng.

Dự án được duyệt thì máy móc đầu tư đã … lạc hậu ảnh 2 Ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội TPHCM giải trình công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Riêng trong hai năm 2017 – 2018, sau khi sắp xếp, sáp nhập các cơ sở đào tạo nghề, TPHCM đã lập dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2018 – 2020 là hơn 900 tỷ đồng. Các đề án đầu tư nghề trọng điểm đã được thẩm định, trình HĐND TPHCM thông qua.

Tại phiên giải trình, một số đại biểu đề nghị UBND TPHCM đánh giá về hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư cho các trường, trung tâm đào tạo nghề vì có nhiều dự án kéo dài quá lâu vẫn chưa triển khai.

Đại biểu Nguyễn Lê Mỹ Ngọc lưu ý: Việc đánh giá này nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và có giải pháp đầu tư trang thiết bị phù hợp.

“Đầu tư cùng lúc cho các trường, kinh phí rất lớn, sao TPHCM không thành lập cơ sở trang thiết bị dùng chung cho các trường”, bà Ngọc gợi ý.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng TPHCM có nhiều cơ sở đào tạo nghề nhưng khi vào làm việc doanh nghiệp phải đào tạo lại. Đặc biệt, nhiều cử nhân tốt nghiệp ra trường với tấm bằng khá, giỏi nhưng tìm việc khó khăn, hoặc có tìm được việc làm nhưng không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nên cũng bị sa thải vì thiếu kinh nghiệm thực tế, gây lãng phí cho xã hội. Đại biểu Tố Trâm cho rằng nhu cầu lao động vừa thiếu vừa thừa, đạo tạo rất nhiều nhưng không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. "Chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp đã thực sự tốt chưa?" – đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn.

Dự án được duyệt thì máy móc đầu tư đã … lạc hậu ảnh 3 Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Theo giải trình của lãnh đạo Sở LĐTBXH, Luật Đầu tư công quy định các dự án đầu tư mua sắm máy móc trang thiết bị dạy nghề bằng nguồn ngân sách phải có ý kiến của các cơ quan Trung ương.

“Thành phố gửi đề án ra và chờ ý kiến của Bộ Ngành rất lâu, đến khi có ý kiến thì đã qua kỳ họp cuối năm (xem xét, phê duyệt danh mục các dự án đầu tư cho năm kế tiếp - PV) của HĐND TPHCM”.

Ông Lê Minh Tấn cho hay kinh phí đầu tư cho máy móc thiết bị 13 trường chất lượng cao trong 2 năm 2017 – 2018 là hơn 900 tỷ đồng và đến năm 2020 là trên dưới 1.200 tỷ.

Tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đề nghị HĐND TPHCM xem xét 15 dự án đầu tư mua sắm móc móc thiết bị hiện đại đã trình trong tại kỳ họp vừa qua.

Bà Thu giải bày: Doanh nghiệp sản xuất liên tục cải tiến công nghệ, thay dây chuyển sản xuất hiện đại. Vậy mà trong đào tạo nghề, có những dự án mình duyệt rồi nhưng 5 -7 năm sau tiền mới về, lúc đó thì máy móc thiết bị được duyệt mua đã lạc hậu, còn kinh phí “đội” lên gấp nhiều lần.

Dự án được duyệt thì máy móc đầu tư đã … lạc hậu ảnh 4 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu tham gia giải trình

Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu UBND TPHCM chỉ đạo rà soát lại cơ sở vật chất hệ thống cơ sở giáo dục dạy nghề và đánh giá lại để dự báo nguồn nhân lực thành phố cần, từ đó đánh giá có đáp ứng được yêu cầu hay không.

Dự án được duyệt thì máy móc đầu tư đã … lạc hậu ảnh 5 Chủ tịch HĐND TPHCM lưu ý máy móc thiết bị mua sắm phải hiệu quả, không "trùm mền" sau một thời gian ngắn sử dụng

“Trang thiết bị dạy nghề rất cần. Phải rà soát, đầu tư cái gì, ở đâu. TPHCM thiếu kinh phí, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm. Tuyệt đối tránh đầu tư về sử dụng một vài tháng rồi “trùm mền”, trong khi nhiều nơi khác không có”, bà Tâm lưu ý.

MỚI - NÓNG