Dự án cầu Mỹ Thuận 2: Phạm vào đất dân nhưng không đền bù?

Ðoạn đường do ông Nguyễn Bá Tùng tự bỏ tiền đầu tư trên đất nhà, nhưng không đền bù, giải tỏa theo quy định
Ðoạn đường do ông Nguyễn Bá Tùng tự bỏ tiền đầu tư trên đất nhà, nhưng không đền bù, giải tỏa theo quy định
TP - Ông Nguyễn Bá Tùng (ngụ ấp 2, xã An Hữu, huyện Cái Bè,Tiền Giang) phản ảnh Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu đã tự ý đấu nối đường dân sinh của dự án vào đoạn đường do ông tự bỏ tiền đầu tư trên đất nhà, nhưng không đền bù, giải tỏa theo quy định.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án 7 thuộc (Bộ GTVT) cho thấy, dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai cầu được chia ra làm 5 gói thầu, trong đó, gói thầu XL 01 sẽ thực hiện thi công đường dẫn phía tỉnh Tiền Giang, đoạn km 101+126 đến km 104+190, bao gồm cầu Rạch Sơn, An Hữu và cầu Cạn.

Khi hạng mục cầu An Hữu thuộc gói thầu XL 01 được thực hiện, tuyến đường dân sinh hiện hữu của ấp 2, xã An Hữu, huyện Cái Bè, bị cầu này chia cắt làm hai. Theo đó, dự án bắt buộc phải tạo mới một đoạn đường dân sinh để kết nối hai vị trí đã bị cầu An Hữu chia cắt, tạo điều kiện người dân lưu thông dễ dàng.

 Thay vì thực hiện như nêu trên, dự án lại sử dụng đoạn đường bê tông rộng 4,2 mét dài 60 mét, nằm về phía bên phải cầu An Hữu và bên ngoài phạm vi ranh giới dự án (theo hướng đi từ Trung Lương về Mỹ Thuận) do gia đình ông Nguyễn Bá Tùng (ngụ ấp 2, xã An Hữu, huyện Cái Bè) đầu tư trên phần đất của nhà để tạo thành đoạn kết nối hai điểm bị chia cắt.

 Ông Tùng nói rằng, đơn vị thi công dự án đáng lẽ phải đầu tư mới tuyến đường dân sinh từ điểm bị chia cắt bên phải và chạy dọc cầu An Hữu một đoạn để vòng xuống gầm cầu nhằm kết nối qua vị trí bị chia cắt bên trái cầu (theo hướng từ Trung Lương về Mỹ Thuận), tạo thành trục đường dân sinh hoàn chỉnh cho người dân đi.

 “Tuy nhiên, dự án đã tận dụng đoạn đường do tôi đầu tư để tạo thành trục đường hoàn chỉnh. Nếu dự án tận dụng đoạn đường này, tôi cũng chấp nhận, nhưng phải thực hiện giải tỏa, đền bù theo quy định vì đây là đường do tôi tự làm với kinh phí đầu tư 700- 800 triệu đồng hoàn thành năm 2016 và nằm bên ngoài dự án ”, ông Tùng nói.

Đại diện Ban quản lý dự án 7 (chủ đầu tư dự án cầu Mỹ Thuận 2) cho biết: “Đường dân sinh của dự án sẽ kết nối vào đoạn đường bê tông của ông Tùng. Đây là đường hiện hữu, mà đường hiện hữu thì chúng tôi sẽ kết nối vào thôi. Còn việc xác định đoạn đường bê tông này có đúng là đường của cá nhân ông Tùng hay không sẽ được huyện tiến hành xác minh. Nếu huyện xác nhận đúng là của ông Tùng, thì huyện sẽ giải toả đền bù theo quy định”, đại diện Ban quản lý dự án 7 thông tin.

 Báo cáo của Ban quản lý dự án 7 cho thấy, toàn bộ dự án đã chi trả 487 trên 501 hộ (đạt 97%), tương đương đạt 419 trên 448 tỷ đồng (đạt 94%). Dự án đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công đạt 6,54 trên 6,61 km.

 Chiều 23/11, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo UBND huyện Cái Bè cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát cụ thể để có hướng xử lý.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Dự án có chiều dài 6,61km, trong đó chiều dài phần đường dẫn khoảng 4,704km. Chiều dài cầu Mỹ Thuận 2 khoảng 1,906km. Ðiểm đầu của dự án tại km101 +126, khớp nối vào dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung, điểm cuối tại km107 + 740, khớp nối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại nút giao quốc lộ 80.

MỚI - NÓNG