Dự án BOT gây bức xúc: Do không minh bạch

TP - Về mặt pháp lý, luật sư Hoàng Ngọc Giao, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, mô hình hợp tác công - tư (PPP), cụ thể là các dự án BOT giao thông đang có nhiều bất cập.

BOT ai cũng thấy tốt, cả thế giới đều áp dụng, huy động vốn tư nhân vào đầu tư hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, với thế giới, để làm BOT, nhà đầu tư phải có tài chính mạnh, có năng lực kỹ thuật, thắng dự án qua đấu thầu công khai. Các dự án BOT phải triển khai theo quy hoạch, giúp giảm tải cho tuyến đường hiện hữu, rút ngắn thời gian và quãng đường đi lại...

Không phải như Việt Nam, có công trình chỉ thảm lại mặt đường hiện hữu rồi rào lại thu phí (không phải làm mới). Từ khâu chọn nhà thầu đã không minh bạch, thay vì đấu thầu, hầu hết dự án đều chỉ định thầu. “Vì như vậy nên phát sinh vấn đề, nay bộc lộ năng lực tài chính nhà đầu tư yếu, chủ yếu dùng vốn đi vay (tới 90%), chỉ chút rủi ro là nguy cơ phá sản”, ông Giao nói. 

Theo luật sư Giao, khi đã ký hợp đồng, các bên tham gia phải thực hiện nghiêm. Với nhà đầu tư, trong đầu tư luôn có rủi ro và phải được tính tới. Với nhà nước, nếu phía bộ, ngành đặt bút ký các điều khoản không có lợi cho người dân, nhà nước thì người đặt bút phải chịu trách nhiệm.

“Giờ xảy ra vấn đề có thể ra tòa giải quyết. Nếu phía nhà nước ký các điều khoản bất lợi có thể cắt hợp đồng và đền bù cho nhà đầu tư và ngược lại. Hạ tầng đường bộ là tài sản công, nhà đầu tư không thể nói là trả lại, hay dừng vận hành, rào đường, cấm cầu. Nhà nước có quyền buộc doanh nghiệp phải làm vì lợi ích quốc gia, còn tranh chấp phải ra tòa giải quyết. Hợp đồng BOT là một dạng hợp đồng kinh tế đặc biệt, không phải kiểu quan hệ thương mại thông thường, ai tham gia vào phải chấp nhận điều đó”, ông Giao phân tích thêm. 

“Giờ xảy ra vấn đề có thể ra tòa giải quyết. Nếu phía nhà nước ký các điều khoản bất lợi có thể cắt hợp đồng và đền bù cho nhà đầu tư và ngược lại”.
Luật sư Hoàng Ngọc Giao

MỚI - NÓNG