Đồng phục học sinh: Không lãng phí, gây khó phụ huynh

Đồng phục học sinh: Không lãng phí, gây khó phụ huynh
TP - Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết lãnh đạo Sở này rất bất bình trước việc Trường Tiểu học Văn Bình ở huyện Thường Tín yêu cầu học sinh phải sử dụng đồng phục có giá “một tạ thóc”.

> Phụ huynh bức xúc vì đồng phục 'giá 1 tạ thóc'
> Không bắt buộc học sinh mua đồng phục mới

Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, ông Thống bày tỏ:

 Từ bài học của Trường Tiểu học Văn Bình, năm học này Sở sẽ có văn bản chấn chỉnh việc quy định về đồng phục và lễ phục. Chúng tôi không bao giờ đồng tình với việc lãng phí, làm khó cho phụ huynh học sinh...  

Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội
Nguyễn Hiệp Thống

Việc tổ chức may đồng phục cho học sinh ở Trường Tiểu học Văn Bình không chỉ sai do chưa làm đúng quy trình, chưa đạt được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh mà còn không chấp nhận được trong bối cảnh đây là xã thuần nông, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Đây là quãng thời gian mà Chính phủ cũng như thành phố Hà Nội đều có chủ trương thực hành tiết kiệm; riêng ngành GD&ĐT thì chính Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đang chỉ đạo thực hiện phong trào “ba đủ” - đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở tài liệu đồ dùng học tập.

Đầu năm học mới, phụ huynh phải lo rất nhiều khoản cho con. Không chỉ lo sách vở, giấy bút, học phẩm… mà nhiều cha mẹ còn chọn thời điểm này để lo cho con có đôi dép, có cặp sách mới…

Mỗi thứ một chút nhưng dồn lại thì đó là gánh nặng. Phụ huynh bức xúc là đúng. Vì thế sau khi được dư luận phản ánh, tôi đã chính thức yêu cầu nhà trường dừng ngay việc mua đồng phục này.

Theo dõi trên các phương tiện truyền thông, tôi cho rằng lãnh đạo nhà trường chưa thật sự nhận thức đúng vấn đề. Đã sai thì phải nhận là sai. Đằng này họ trả lời quanh co, kiểu như học sinh tuỳ điều kiện kinh tế gia đình mà có thể chỉ mua cái này hoặc cái kia…

Đó là cách trả lời chống chế! Đồng phục mà em nào muốn mua gì thì mua sao còn gọi là đồng phục? Đó là chưa kể tâm lý phụ huynh ai cũng muốn cố cho con em mình bằng bạn bằng bè, không mua được cũng cố mà mua... Tôi cho rằng ngoài lỗi của nhà trường thì còn là lỗi của Ban đại diện Cha mẹ học sinh (CMHS). Họ đã chưa làm hết trách nhiệm.

Đồng phục: Không bắt buộc!

Thưa ông, câu chuyện đồng phục nhiều năm nay gây nhiều bức xúc với phụ huynh học sinh, kể cả địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Sở nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Từ năm 2009, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư 26, kể từ đó cho đến nay trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học Sở đều nhắc nhở việc thực hiện thông tư này. Đồng phục là để giáo dục học sinh nâng cao ý thức trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào với truyền thống của nhà trường, thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh bất kể hoàn cảnh gia đình giàu – nghèo. Nhưng đồng phục không phải là trang phục bắt buộc. Các trường phải tuỳ thuộc vào điều kiện sống của cộng đồng, điều kiện thời tiết… để có các quy định phù hợp về đồng phục. Đảm bảo phải tiết kiệm, trong sáng, lành mạnh. Và phải được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh…

Nhưng thực tế nhiều trường vẫn bắt học sinh mặc đồng phục cả tuần dù thời tiết nóng bức, hoặc trường lớp chật chội. Thậm chí nhiều nơi ngoài đồng phục thông thường còn bắt học sinh mặc đồng phục thể dục. Do không có phòng thay quần áo, học sinh đã phải mặc đồng phục thể dục cả ngày để chỉ học một tiết…

Theo tôi, chính các bậc phụ huynh được bầu vào ban đại diện CMHS phải nắm được những bất cập này để phản ảnh với Ban Giám hiệu. Trước những dư luận thế này thì vai trò của ban đại diện CMHS ở đâu? Phụ huynh cứ nói tôi bức xúc nhưng Sở chẳng được nghe phản ánh chính thức nào! Các vị né tránh thì ai có thể xử lý giúp các vị?

Nhưng dư luận cho rằng đang có hiện tượng một số ban đại diện CMHS hoạt động không vì quyền lợi của số đông học sinh mà vì quyền lợi của nhà trường, thậm chí có nơi người ta còn gọi họ là “đầu sai” của hiệu trưởng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ở nơi nào diễn ra tình trạng mà như nhà báo nói, ban đại diện CMHS là “đầu sai” của nhà trường, nếu được phản ánh Sở chấn chỉnh ngay. Chúng ta nên thẳng thắn với nhau. Bỏ tiền ra đóng cho con mà không thẳng thắn, chỉ nói một cách chung chung thì rất khó cho các nhà quản lý. Ở những việc cụ thể, trường hợp cụ thể, có bằng cớ rõ ràng thì chúng tôi không bao giờ đồng tình, chắc chắn phải có chấn chỉnh theo phân cấp quản lý.

Dư luận cho rằng các trường nhiệt tình với việc tổ chức may đồng phục cho học sinh là do có chuyện ăn hoa hồng…

Chuyện đó tôi chưa bàn. Tôi chỉ thấy riêng ở một vùng thuần nông khó khăn như ở xã Văn Hội huyện Thường Tín mà Trường Tiểu học Văn Bình làm như thế là không chấp nhận được. Có báo còn so sánh một bộ đồng phục bằng một tạ thóc. Bên ngoài người ta còn thấy có vấn đề, sao mình là nhà giáo mà không thấy được?

Cảm ơn ông!

Quý Hiên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG