Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, từ 9 giờ sáng ngày mùng 1 Tết, người dân bắt đầu đổ về chùa Bổ Đà. Về chiều, du khách thập phương đến ngôi chùa này càng đông. Từng tốp người nối nhau vào viếng chùa Bổ Đà.
Bãi đỗ xe của chùa Bổ Đà gần như được lấp đầy xe máy và ô tô của người dân đến viếng chùa. Đông đảo bạn trẻ cũng đến chùa Bổ Đà với những bộ quần áo dài cách tân để chụp ảnh.
Các bạn trẻ mặc áo dài cách tân đến chùa Bổ Đà ngày đầu năm. Ảnh: Nguyễn Thắng. |
Có nhiều gia đình đi theo tốp vài chục người đến chùa Bổ Đà cầu bình an. Vừa đặt chân đến chùa Bổ Đà, anh Nguyễn Mạnh Hòa (46 tuổi), ở thành phố Thái Nguyên chia sẻ, đại gia đình nhà anh gồm 30 người quyết định đến viếng chùa Bổ Đà vào ngày đầu năm. Anh làm nghề kinh doanh. Năm qua, kinh tế khó khăn nên công việc của anh không được thuận lợi.
Dòng người tấp nập đổ về chùa Bổ Đà vào ngày mùng 1 Tết: Ảnh: Nguyễn Thắng. |
“Gia đình tôi đến chùa Bổ Đà cầu bình an, sức khỏe và việc kinh doanh được thuận lợi. Nhiều năm qua, cứ đến ngày mùng 1 Tết, cả nhà tôi lại đến chùa Bổ Đà”, anh Hòa cho biết.
Đang chụp ảnh “check – in” tại chùa Bổ Đà, Vi Thị Hoa (21 tuổi), ở phường Nếnh, thị xã Việt Yên cho biết, em đang là sinh viên năm thứ 3 của Đại học Công nghiệp Hà Nội. Hai năm qua, em cùng bạn đều đến viếng chùa Bổ Đà và chụp ảnh kỷ niệm. Năm mới, Hoa mong muốn việc học tập được tốt và chúc mọi người vạn sự như ý.
Vi Thanh Hoa (áo đỏ) đang chụp ảnh kỷ niệm tại chùa Bổ Đà. Ảnh: Nguyễn Thắng. |
Đối với nhiều người, chùa Bổ Đà đã trở thành địa chỉ quen thuộc vào đầu năm mới. Bà Cát Thị Thúy (55 tuổi), ở làng Thổ Hà, xã Vân Hà, thị xã Việt Yên chia sẻ, từ năm 6 tuổi, bà đã theo bố mẹ đi viếng chùa Bổ Đà vào ngày đầu năm. Gần 50 năm qua, bà đều đến chùa Bổ Đà vào ngày mùng 1 Tết.
“Tết năm nay, tôi cùng 9 người trong làng đến viếng chùa Bổ Đà. Chúng tôi đến chùa cầu mong sức khỏe, phúc lộc và bình an. Năm nay, tôi thấy du khách thập phương đến chùa Bổ Đa đông hơn năm ngoài”, bà Thúy cho hay.
Xe ô tô của du khách tại bãi đỗ xe ở chùa Bổ Đà ngày đầu năm. Ảnh: Nguyễn Thắng. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, chùa Bổ Đà nằm trên dãy Bổ Đà sơn là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa. Đặc biệt, chùa Bổ Đà có vườn tháp lớn nhất Việt Nam chôn giữ tro cốt của hơn 1.000 vị tăng, ni từ 300 năm trước.
Tương truyền, chùa Bổ Đà có từ thời Lý, khoảng thế kỷ thứ XI. Vào thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729), chùa Bổ Đà đã được tu tạo lớn. So với các ngôi chùa truyền thống khác ở miền Bắc, chùa Bổ Đà có kiến trúc độc đáo và khác biệt. Chùa được xây theo kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc. Vì điều ấy mà vẻ thanh tĩnh, u linh càng trở nên rõ nét.
Nhiều người vui vẻ chụp ảnh kỷ niệm ở chùa Bổ Đà. Ảnh: Nguyễn Thắng. |
Chùa Bổ Đà hiện gồm 16 toà nhà lớn nhỏ với 92 gian đầy đủ chức năng như nhà tạo soạn, nhà tổ, nhà pháp, nhà khách, toà tam bảo vẫn được ứng dụng lối kiến trúc truyền thống. Tòa tam bảo xây lối chữ Đinh, hậu cung gồm 5 gian, tiền đường 7 gian.
Chùa Bổ Đà là chốn tổ, trung tâm Phật giáo lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá và duy trì phát triển đạo Phật mà thiền phái Lâm Tế là chủ đạo. Để phục vụ cho việc tu tập, đào tạo các tăng, ni, nhà chùa đã khắc gần 2000 mộc bản bằng chất liệu gỗ thị có niên đại từ thời vua Lê Hiển Tông. Chùa Bổ Đà được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.