Đồng loạt điều tra MB24 ở nhiều tỉnh

Đồng loạt điều tra MB24 ở nhiều tỉnh
TP - Hôm qua, Công an Phú Thọ bắt khẩn cấp 3 cán bộ lãnh đạo chi nhánh MB24 Phú Thọ. Tại Thanh Hóa, giám đốc và phó giám đốc chi nhánh MB24 cũng đã bị công an triệu tập.

> Thu tiền mà không có hàng

* Còn hàng chục trang web hoạt động kiểu MB24

Theo đại tá Lê Huy Nghĩa, MB24 Thanh Hóa đã bán được hơn 8.200 gian hàng điện tử, ước tổng trị giá hơn 40 tỷ đồng
Theo đại tá Lê Huy Nghĩa, MB24 Thanh Hóa đã bán được hơn 8.200 gian hàng điện tử, ước tổng trị giá hơn 40 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo một cán bộ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - VECITA, Bộ Công thương, Cục này đã thu thập thông tin khoảng 20-30 website có mô hình hoạt động tương tự MB24.

MB24 Phú Thọ, Thanh Hóa bị điều tra

Ngày 1-8, Công an tỉnh Phú Thọ bắt khẩn cấp 3 lãnh đạo chi nhánh Phú Thọ - Cty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến 24 (muaban24.vn, viết tắt là MB24) để điều tra về hành vi trốn thuế của chi nhánh.

Những người bị bắt gồm: Trương Đình Tuấn (SN 1975, Giám đốc chi nhánh), Đặng Trung Dũng (SN 1976) và Nguyễn Ngọc Lan (SN 1965, cùng là Phó giám đốc). Ông Tuấn và ông Dũng có nghề chính là giáo viên.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban truyền thông Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết, MB24 không phải là mô hình kinh doanh TMĐT bán hàng qua mạng thật sự, mà là kinh doanh bán hàng đa cấp trực tiếp. VECOM đã chấm dứt tư cách hội viên của MB24.

Trước đó, ngày 31-7, Công an Phú Thọ phối hợp Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an và Công an Hà Nội khám xét trụ sở MB24 tại khu biệt thự C8 Mỹ Đình 1 (Từ Liêm, Hà Nội), thu giữ nhiều tài liệu, máy tính.

Một số cán bộ chủ chốt của Cty và người điều hành trang web muaban24.vn cũng bị triệu tập lấy lời khai, phục vụ điều tra. CQĐT cũng sẽ xem xét nội dung tố cáo của người dân về việc Cty này có hành vi lừa đảo bán hàng trực tuyến.

Tại Thanh Hóa, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang làm việc với Giám đốc, Phó giám đốc và các thành viên chi nhánh MB24 (địa chỉ 110 phố Dương Đình Nghệ, TP Thanh Hóa) để điều tra dấu hiệu trốn thuế và các dấu hiệu vi phạm khác.

Chiều 1-8, đại tá Lê Huy Nghĩa (Trưởng phòng CSĐT tội phạm kinh tế và chức vụ, Công an Thanh Hóa) cho biết: Theo điều tra ban đầu, chi nhánh trên do Nguyễn Văn Huy (SN 1983, ở huyện Tĩnh Gia) làm Giám đốc. Huy mới học hết lớp 9, từng có thời gian vào TPHCM và Hà Nội làm việc. Chi nhánh mới được Sở KH&ĐT Thanh Hóa cấp phép hoạt động tháng 8-2011.

Chỉ với thời gian ngắn từ đó đến nay, chi nhánh đã bán được 8.274 gian hàng điện tử, tương đương hơn 40 tỷ đồng (mỗi gian hàng giá 5,2 triệu đồng).

Tuy nhiên, gian hàng có quảng bá, giao dịch sản phẩm thực tế chỉ chiếm khoảng... 1%, còn lại đều là gian hàng ảo.

Tại một số địa phương khác, cơ quan công an cũng nhận được nhiều đơn tố cáo của người dân về việc họ bị lôi kéo mua gian hàng điện tử của MB24 và đang vào cuộc xác minh.

Sẽ cấm các trang web hoạt động kiểu MB24

Theo một cán bộ pháp chế của VECITA, đối với 20-30 trang web tương tự MB24 được Cục này khoanh vùng, trước mắt sẽ không xác nhận khi đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), vì những website này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 46/2010/TT-BCT.

Dân có đòi lại được tiền?

Theo vị cán bộ VECITA, việc người dân mua “gian hàng điện tử” trên website là giao dịch dân sự, nên việc giải quyết tranh chấp phải dựa trên các điều khoản trong hợp đồng. Nếu người dân khiếu kiện mà không có chứng cứ như hợp đồng, hóa đơn, chỉ thỏa thuận miệng thì rất khó đòi lại tiền.

Đồng thời, VECITA sẽ phối hợp, thông tin cho các cơ quan chức năng khác để kiểm tra, xử lý nếu hoạt động của các doanh nghiệp sở hữu những website trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Về trang MB24, Cty CP Đào tạo và mua bán trực tuyến (MB24) có gửi hồ sơ đăng ký, nhưng VECITA đã từ chối xác nhận đăng ký sàn giao dịch TMĐT từ tháng 3-2012, do website có mô hình hoạt động phức hợp, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 46.

Cán bộ này cho biết, việc có xác nhận cho các website là sàn giao dịch TMĐT hay không phụ thuộc vào tính minh bạch thông tin trên website đó, ngoài ra hồ sơ phải có giấy đăng ký kinh doanh, quy chế hoạt động, mẫu hợp đồng… Hiện VECITA đã xác nhận đăng ký sàn giao dịch TMĐT cho hơn 50 trang web.

Trong dự thảo Nghị định về TMĐT mà Bộ Công Thương đang xây dựng, sẽ cấm các hành vi tổ chức thành mạng lưới tiếp thị cho dịch vụ TMĐT, mà trong đó khách hàng mua dịch vụ đồng thời lại là thành viên của mạng lưới tiếp thị, vận động người khác tham gia để hưởng hoa hồng.

VECITA cũng cảnh báo, mô hình hoạt động tương tự như MB24 không tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, chỉ lôi kéo người tham gia để hưởng hoa hồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG