Đồng Đức Bốn: Hiểu tôi là ngọn núi cao

TP - Đồng Đức Bốn đã đi xa nhưng còn đó những câu thơ nói về mình đầy kiêu hãnh: Hiểu tôi là ngọn núi cao/ Thương tôi có một vì sao cuối trời. Trong cuộc đời, đã mấy ai hiểu Bốn thực sự…
Tranh: Nguyễn xuân Hoàng.

Từ chàng trai đồng đất quê mùa, học hành lỡ dở, vốn chữ nghĩa chẳng là bao, tiền nong chỉ đủ giắt lưng lang thang đi kiếm ăn ở thiên hạ. Vậy mà chàng trai ở "làng Moi" ấy với một "bị thơ" lục bát, nghênh ngang mũ cối, quần bò… láo liên, lấc cấc đã dám xông thẳng vào chốn kinh kỳ, gõ cửa nhà những đại gia, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà thơ đã thành danh với sự hăm hở liều mình hiếm thấy… Những câu thơ lục bát đã đưa Bốn vào đời, tranh đấu để tồn tại, đứng vững… rồi bay lên: Tôi là thi sĩ đồng quê/ Dám đem lục bát làm mê cung đình.

Số phận kỳ lạ

Từ một kẻ làm thơ vô danh, một kẻ tự xưng là giang hồ quốc tế, là trang hảo hán độc nhất vô nhị của đất Cảng… Bốn trở thành nhà thơ nổi tiếng, một người có nhà cao cửa rộng, tiền nong vung vít,  Bốn được các cây bút có tiếng tăm bình luận, có người đề tên là nhà thơ lục bát tài danh nhất chỉ sau có Nguyễn Bính.

Nhưng "kinh hoàng" nhất là thoắt một cái Bốn thành Giám đốc Trung tâm Doanh nhân Văn hóa Hải Phòng… Cũng com lê, ca vát, giầy đen, đăng đàn đọc diễn văn… Hai đêm thơ của Bốn được tổ chức hoành tráng ở nhà hát Tháng Tám Hải Phòng và Khách sạn Horison Hà Nội. Một tấm ảnh Bốn to tướng (rộng 2m) treo thả suốt trước tiền sảnh nhà hát, các nhạc sĩ trứ danh phổ nhạc thơ Bốn, còn những ca sĩ Trung ương thể hiện ca khúc của Bốn… Khi Bốn đến giao lưu đọc thơ cho sinh viên vài trường đại học được vỗ tay hoan nghênh kéo dài đến vài phút… Khi đã có tiếng tăm, gặp ai Bốn cũng sợ họ nhìn mình vẫn là chàng trai quê nghèo rớt mùng tơi như hồi còn "chăn trâu đốt lửa", sợ "củ khoai nướng cũng cháy thành tro mất" nên Bốn hay "khoe" về sự giàu có của mình: Nhà thì như lâu đài "tiền tỉ" có "gác chuông", có "sư tử phục" trước nhà, có hàng chục bộ đèn chùm các kiểu (mỗi bộ hàng chục triệu), rồi xe máy, rồi vàng bạc, rồi hàng tệp tiền "đô", rồi rượu ngoại, v.v… Còn bạn bè Bốn thì toàn là văn nhân, toàn là các "ông lớn". Riêng giới viết lách thì mấy chục ông Tổng biên tập, nhà văn, nhà thơ có hạng. Đã có lúc, hứng lên Bốn tấn phong cho mình là kẻ được giao y bát của Nguyễn Du để giữ cho thơ lục bát ở Việt Nam được trường tồn, vinh thăng mãi mãi…

Bốn có nhiều kỷ niệm với các nhà thơ, nhà văn và bạn bè ở Hải Phòng từ thuở hàn vi… mà nhiều chuyện hay lắm: đau lòng đến thảm thiết và cũng buồn cười chảy nước mắt. Bốn như một con thò lò sáu mặt, là cầu vồng bẩy sắc hiện sau mưa lúc thì lấp lánh như kim cương, lúc dữ dội tựa biển gầm, lại có lúc như hồ thu sâu lắng, dịu dàng… và có khi là quỷ sa tăng nơi địa ngục… Đúng như Nguyễn Huy Thiệp đã dẫn lời một nhà thơ Nga: "Ta là vua, ta là nô lệ… ta là sâu bọ, ta là thần…". Nhưng dù Bốn có là gì đi nữa, Hải Phòng tự hào vì có Đồng Đức Bốn – một nhà thơ lục bát đã làm thơ ca thành phố mơ mộng, mê say và quyến rũ hơn.

Về với trăng sao

Ngày thơ Việt Nam Xuân Bính Tuất (2006) ở Văn Miếu… Mưa xuân lất phất bay, những giọt mưa không ướt áo lãng đãng xa, gần. Tôi đang vui chợt khựng lại, sửng sốt khi nhìn thấy ảnh Đồng Đức Bốn trên một cây thơ, một số người vây quanh lặng lẽ, buồn rầu. Tôi tiến lại, nhìn tấm ảnh nhà thơ: Anh ngồi đó, đầu trọc, áo vàng, đôi cánh tay gầy buộc, trần trụi đến đơn giản khác hẳn những bức ảnh “oai phong” mà anh đã chụp trước đây… Anh ngồi đó lặng lẽ, trầm tư như nghĩ về câu thơ mới viết khi nằm ở bệnh viện: Chăn trâu đốt lửa xong rồi/ Thì ta trả bút cho trời làm hoa…

Dưới chân dung là quyển thơ đồ sộ anh vừa in Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc, dày đến nghìn trang, bằng loại giấy trắng bóng, còn thơm mùi mực. Gần 200 bài thơ được chọn lọc của nhà thơ, 43 bài viết về thơ Bốn của những cây bút tên tuổi, 38 bài thơ được phổ nhạc… Một quyển thơ thật hoành tráng, đáng ghi vào “Ghinet” là tác phẩm riêng đồ sộ nhất trong các nhà thơ Việt Nam…

Trên cây thơ, Bốn chọn hai câu thơ “gan ruột” của mình ghi trên đó: Đừng buông giọt mắt xuống sông/ Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm.

Phải chăng đó là lời giối giăng của anh, tự nhiên tôi bảo Phạm Xuân Trường:

- Bốn có lẽ sắp đi rồi, chỉ mai mốt là cùng!

Ngay lúc ấy, chúng tôi gặp nhà thơ Trần Huy Tản, anh nói: “Con của Bốn vừa điện cho mình sáng nay: Anh ấy không nói được nữa, phải thở ôxy… có lẽ…”. Tản không nói hết câu… Chúng tôi hiểu sự sống của Bốn chỉ còn được tính từng giờ!

Sáng hôm sau, tôi ngồi nhà định gọi điện rủ bạn bè đi thăm Bốn thì Phạm Xuân Trường đạp xe đến. Khi tôi bảo Trường là định lên thăm Bốn, Trường gật đầu nói ngay: “Tôi sẽ đi với ông, tôi cũng muốn lên thăm Bốn một lần”. Chúng tôi phi xe máy lên nhà Bốn lúc 10 giờ sáng ngày 13 tháng 2, thấy cổng ngoài đóng nhưng cửa trong thì mở, một cháu trai chạy ra mở cổng bảo chúng tôi: “Bác cháu mệt nặng lắm, hai ngày qua đóng cửa không tiếp khách, nhưng sáng nay bác cháu lại bảo mở cửa…”.

Chúng tôi đi vào phòng trong nơi Bốn nằm, nhận túi quà tôi đưa, vợ Bốn nghẹn ngào:

- Nhà em yếu lắm, chắc sắp đi rồi, đầu các ngón tay đã tím tái cả… Hai bác vào đi.

Bốn đang nằm, chân co lên, thoi thóp thở, người anh chỉ còn da bọc xương… thấy chúng tôi Bốn cố giơ tay bắt rồi anh kêu “đau lắm”. Tôi nhìn Bốn lòng nghẹn lại. Chợt nhớ hình ảnh Bốn những ngày khỏe mạnh: Com lê, cavat, giầy đen, đi đứng nghênh ngang, nói năng hùng dũng, ngang tàng “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”… Lòng tôi đầy thương cảm, mới hay trước khi về với trăng sao, con người ta sẽ trở lại cội rễ nguyên sơ của mình như Bốn lúc này - Bên trong tôi lại dội lên những câu thơ cuối đời thật nhân ái, bao dung của Bốn: “Dẫu chưa đến được mặt trời/ Cũng thành hạt thóc tháng mười vàng ươm”.

Và “… Ta giờ dẫu của trăng sao/ Vẫn vui về với yếm đào chốn quê”.

Trường và tôi kể với Bốn về bạn bè đã gặp trong Ngày thơ Việt Nam, ai cũng gửi lời hỏi thăm và mong Bốn vượt qua “đận này” để tiếp tục sáng tác… Bốn nghe, hiểu và khẽ gật đầu,… Chúng tôi đứng lên nắm tay Bốn từ biệt, Bốn thì thào:

- Vĩnh biệt… tôi tặng 2 ông sách và nhờ Long Khánh mang tặng…

Vợ Bốn lấy 2 quyển thơ tặng chúng tôi… nhưng Phạm Xuân Trường từ chối, anh bảo: “Tôi đọc chung với ông Long Khánh được rồi, chị cất một quyển đi…”.

Vợ Bốn cảm động, chị bảo:

- Em đi xem, thày cúng bảo chỉ ngày 17, 18 âm lịch là nhà em đi. Hai bác nhớ sang chia buồn với gia đình em…

2h chiều hôm sau 14/2 (ngày 17 âm lịch) tôi qua trụ sở Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố, anh Quang Ngọc, phó chủ tịch Hội báo tin Bốn mất lúc 10h30 phút sáng…  Tôi giật mình nhớ lại những lời vợ Bốn nói. Tôi về nhà lấy quyển thơ Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc của Bốn tặng, mở ra… Lạ vô cùng, đây là câu thơ đầu tiên của Bốn mà tôi được đọc: “… Bên trời, bên những thần linh/ Bạn đi tìm những bình minh vô thường”.

Tôi giở trang cuối phần tuyển thơ của Bốn: “Tôi giờ về với trăng sao/ Xin trời một trận mưa rào đón tôi…”.

Tuyển tập Đồng Đức Bốn.

Nhà thơ, đại gia giàu có

Bốn có những câu thơ xuất thần không ai hiểu được Bốn viết ra như thế nào? Nghệ sĩ điện ảnh Đào Trọng Khánh đọc thơ Bốn, bảo tôi: "Thơ Bốn như có hồn ma nhập vào, đọc hãi lắm…". Tôi thì lại nghĩ khác: Bốn dứt khoát không phải người xấu khi Bốn viết những câu thơ gan ruột thế này: “… Mẹ nằm như lúc còn thơ/ Mà con trước mẹ già nua thế này”, “… Trở về với mẹ ta thôi/Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ”; “… Cho xin mẹ một tiếng cười/ Và câu hát thuở mẹ ngồi ru con”. Và Bốn mong ước: "Không được làm tấm lòng vàng/ Thì xin làm cỏ nghĩa trang bốn mùa…”

Những câu thơ như thế rải rác khắp 5 tập thơ của Bốn… Có thể thiên hạ hiểu sai Bốn. Lúc ấy Bốn phải "lên tấn" trợn mắt, khuỳnh tay, xù lông, xoè cánh… Bốn tự xưng là mafia là đại ca của nhiều tay anh chị nổi tiếng ở bến tàu, bến xe… Nhưng sau cái vẻ hùng hổ ấy vẫn là sự chân thực, nhút nhát, lo lắng rất buồn cười… vì Bốn chưa hề đánh được ai??? Có điều công việc đang làm, hoàn cảnh Bốn đang sống bắt Bốn phải làm ra thế mới "đứng được" ở đời… Cả khi Bốn đã là một nhà thơ, một đại gia giàu có, nhưng Bốn vẫn không giấu được con người thật của mình: một nhà thơ của đồng quê ấm áp.