Động đất còn xảy ra ở Kon Tum

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hơn 40 trận động đất xảy ra trong hai ngày qua ở huyện Kon Plông - Kon Tum, trong đó có trận động đất mạnh 5.0 độ vào trưa 28/7, gây rung chấn cho toàn Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, con số dự báo không dừng lại ở đó.
Động đất còn xảy ra ở Kon Tum ảnh 1
Khu vực dân cư sống gần thủy điện Thượng Kon Tum, nơi thường xuyên xảy ra động đất

Rung chấn rộng khắp Tây Nguyên, miền Trung

Tây Nguyên từng là khu vực có hoạt động địa chất tương đối ổn định. Dữ liệu của Viện Vật lý địa cầu cho thấy, trong hơn một thế kỷ (từ năm 1903 đến 2020), khu vực này chỉ ghi nhận trên 30 trận động đất, trận mạnh nhất có độ lớn 3.9. Tuy nhiên, mọi việc thay đổi từ tháng 4/2021, sau khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước, khiến huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum trở thành điểm nóng về động đất trên cả nước với hàng trăm trận động đất ghi nhận trong hơn 3 năm qua.

Mới nhất, trận động đất trưa 28/7 với độ lớn 5.0, gây rung chấn mạnh cho khu vực tâm chấn khiến nhiều nhà dân nứt nẻ, gây ra một số thiệt hại. Các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đều cảm nhận được rung chấn của trận động đất này. Trong gần 2 ngày (từ 28/7 đến chiều 29/7), hơn 40 trận động đất xảy ra ở khu vực này, bao gồm các tiền chấn và dư chấn sau động đất chính.

Động đất còn xảy ra ở Kon Tum ảnh 2
THCS Đắk Ring (xã Đắk Ring, huyện Kon Plông) bị nứt tường do trận động đất 5.0 độ, trưa ngày 28/7

Lý giải vì sao động đất mạnh 5.0 độ có thể gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn như thế, PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, thời gian qua, khu vực Tây Nguyên có mưa lớn kéo dài khiến nền địa chất yếu, trong khi động đất xảy ra ở vị trí nông khiến cảm nhận rung chấn trên mặt đất rõ hơn, vùng ảnh hưởng rộng hơn.

Theo số liệu của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum, động đất khiến một hộ dân ở (thôn Măng Bút, xã Măng Bút) bị rơi hỏng một ti vi, trường Trung học cơ sở và Trạm Y tế xã Đắk Ring bị nứt toác các vách ngăn tường xây. Cơ quan chức năng đang tiếp tục thống kê các thiệt hại.

Đánh giá, khảo sát nguy cơ các vùng bị ảnh hưởng

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cho biết, trên địa bàn huyện Kon Plông có 6 công trình thủy điện nhưng chỉ có 3 công trình thủy điện có hồ chứa là thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện Đăk Đrinh và thủy điện Đăk Re. Huyện Kon Plông có 125 công trình thủy lợi. Qua kiểm tra các công trình trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo an toàn không bị ảnh hưởng động đất xảy ra.

Huyện Kon Plông đang phối hợp với tỉnh, Trung ương để kiểm tra, đánh giá, khảo sát nguy cơ các vùng bị ảnh hưởng. Đồng thời, cung cấp tờ rơi, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý nhân dân trên địa bàn; tập huấn cho lực lượng xung kích, nhân dân cách phòng tránh và diễn tập tình huống. Đặc biệt, sẽ kiểm tra các công trình hạ tầng trên địa bàn huyện, kết cấu các công trình có chịu đựng được động đất ở cấp độ nào để đưa ra phương án xử lý phù hợp.

Động đất còn xảy ra ở Kon Tum ảnh 3

Một khu dân cư ở xã Đăk Tăng nằm trên ngọn đồi

Do hồ chứa nước?

Năm 2021, ngay sau khi động đất liên tiếp xảy ra ở khu vực này, các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu đã thực hiện điều tra, khảo sát và đưa ra nhận định, động đất liên tiếp ở huyện Kon Plông là động đất kích thích, xảy ra do hoạt động tích nước của hồ chứa thủy điện tạo sức ép lên hệ thống đứt gãy bên dưới, khiến động đất xảy ra sớm hơn so với hoạt động tự nhiên.

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, có 3 điều kiện dẫn đến động đất kích thích, gồm cấu trúc địa chất, hoạt động của đới đứt gãy bị siết ép mạnh và hoạt động tích nước của hồ chứa đủ lớn.

Khu vực xảy ra động đất ở Kon Tum nằm trên đứt gãy Rào Quán - A Lưới, là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới (Thừa Thiên - Huế), kéo dài tới Quy Nhơn (Bình Định). Trên đới đứt gãy này, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi). Về cấu trúc địa chất, khu vực xảy ra động đất nằm trên nền địa chất có nhiều đá biến chất.

Động đất còn xảy ra ở Kon Tum ảnh 4

Thôn Đăk Tăng chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ các trận động đất vừa qua

Những ghi nhận trên thế giới cũng như Việt Nam cho thấy động đất kích thích xảy ra trên nền địa chất này thường kéo dài nhiều năm, như tại Ấn Độ, có khu vực động đất kích thích kéo dài tới 40 năm; hay tại thủy điện sông Tranh 2, động đất kích thích kéo dài hơn 10 năm qua. Vì vậy, theo PGS. Cao Đình Triều, trên nền cấu trúc địa chất như vậy, động đất kích thích có thể tiếp tục ở khu vực huyện Kon Plông trong những năm tới. Chu kỳ động đất sẽ liên quan chặt chẽ đến chu kỳ tích nước của hồ chứa thủy điện trong vùng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, dựa trên các nghiên cứu trong nước và quốc tế, động đất kích thích cực đại ở khu vực này ít có khả năng vượt quá 5.3 độ; không loại trừ khả năng, trận động đất mạnh 5.0 trưa ngày 28/7 là kích động chính (trận động đất kích thích mạnh nhất) ở khu vực này.

Theo TS. Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, đơn vị đang tiếp tục theo dõi, đánh giá các trận động đất trong khu vực. Mới đây, một hệ thống quan trắc động đất đã được thiết lập ở khu vực này, sẽ giúp nghiên cứu chi tiết hơn về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực và lân cận. Từ đó, góp phần làm rõ nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và vùng lân cận cũng như mối liên hệ giữa hoạt động động đất và tích nước hồ chứa, đánh giá các kịch bản có thể xảy ra.

Làm rõ nguyên nhân, ứng phó kịp thời

Ngày 29/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Công điện số 73/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum và các địa phương thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông để kịp thời phát hiện, có biện pháp ứng phó và khắc phục các sự cố, hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn cho công trình. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, triển khai công tác khắc phục sự cố (nếu có), bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, công trình giao thông, nhất là các hồ đập, hồ chứa nước, công trình giao thông tại khu vực gần tâm chấn động đất.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực.

Văn Kiên

MỚI - NÓNG