Lực lượng chức năng xã Ea Tiêu sửa chữa lại các phòng làm việc bị hư hỏng sau sự việc. |
Ưu tiên giải quyết hồ sơ tồn đọng, đến hạn
Ngày 15/6, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hai trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) bị tấn công trước đó đã hoạt động trở lại, phục vụ người dân.
Tại đây, lực lượng dân quân tự vệ, công an xã và công nhân tiến hành dọn dẹp, sửa chữa các phòng làm việc bị hư hỏng.
Theo ông Hồ Viết Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu, hai ngày nay, xã dọn dẹp để sửa chữa, khôi phục các dãy phòng làm việc. Phòng một cửa bị hư hỏng nhiều nhất, rất may toàn bộ là hồ sơ lưu, còn hồ sơ gốc lưu trữ ở khu vực khác.
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, sáng 15/6. |
Chị H'Nuk Niê (33 tuổi, trú ở Buôn Kram, xã Ea Tiêu) đến UBND xã Ea Tiêu đăng ký làm bảo hiểm cho em trai để làm thủ tục xuất viện từ sáng 15/6. Ban đầu lo xã chưa làm việc, tuy nhiên khi tới đây, chị rất vui vì được các cán bộ xã tiếp nhận nhiệt tình và hoàn tất hồ sơ nhanh gọn. Chị H’Nuk cho biết sẽ về thông báo cho người dân yên tâm tới làm.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu, từ 14/6, xã đã tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân, ưu tiên các hồ sơ tồn đọng, đến hạn. Thống kê sơ bộ, hai hôm nay có khoảng 20 người dân đến thực hiện các thủ tục và đều được giải quyết nhanh chóng.
Tại xã Ea Ktur, ông Nguyễn Kim May - Chủ tịch UBND xã cho biết hai hôm nay, xã đã bố trí nhà văn hóa xã để thực hiện các thủ tục, trả kết quả cho người dân.
Theo ông May, đã có khoảng 10 người đến UBND xã Ea Ktur giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Y Djan Êban (đeo kính) - Mục sư xã Ea Ktur trò chuyện cùng chính quyền địa phương. |
Dân vận vô cùng quan trọng
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Y Min Ênuôl - Bí thư Đảng ủy xã Ea Tiêu, cho biết, sau khi sự việc xảy ra, Thường trực Đảng ủy xã đã họp, thông báo đến bà con tại 21 thôn, buôn bình tĩnh, không hoang mang, thực hiện theo yêu cầu của lực lượng chức năng.
"Sau khi xảy ra sự việc, tôi đã mời 20 mục sư ở các thôn, buôn trên địa bàn huyện đến nhà để nắm thông tin. Tôi đề nghị các mục sư tiếp tục tuyên truyền đến bà con phải tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước" - Ông Y Djan Êban - Mục sư xã Ea Ktur.
Ông Y Djan Êban - Mục sư xã Ea Ktur, đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, cho hay: Hoạt động tôn giáo trên địa bàn buôn Kniết (xã Ea Ktur) luôn chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra.
“Sau khi xảy ra sự việc, tôi đã mời 20 mục sư ở các thôn, buôn trên địa bàn huyện đến nhà để nắm thông tin. Tôi đề nghị các mục sư tiếp tục tuyên truyền đến bà con phải tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, động viên bà con bình tĩnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tuyệt đối không nghe, không tin và làm theo xúi giục của kẻ xấu", ông Y Djan chia sẻ.
Ông Y Luyện - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk (giữa) trò chuyện cùng các lãnh đạo huyện Cư Kuin. |
Ông Y Luyện Niê K'đăm - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk (đang sinh sống tại xã Ea Tiêu) cho hay: Bà con trong buôn có đến hỏi ông về vụ việc. Ông đã động viên bà con bình tĩnh, đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số tuyệt đối không nghe, không tin và làm theo xúi giục của các thế lực phản động; đồng thời tuyên truyền cho bà con tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chính sách chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Cách đây hơn 20 năm, tại Đắk Lắk từng xảy vụ một bộ phận người dân tộc thiểu số bị lực lượng phản động lưu vong và các thế lực thù địch xúi giục, lôi kéo, tham gia tụ tập đông người, gây rối, biểu tình. Thời điểm đó, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Để giải tán đám đông, ông Y Luyện đã cùng lãnh đạo các cấp họp bàn, phát huy sức mạnh của công tác dân vận trong hệ thống chính trị.
Đích thân ông Y Luyện cũng trực tiếp giải thích cho bà con hiểu về âm mưu, thủ đoạn của bọn xấu nhằm mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Sau khi hiểu rõ vấn đề, bà con tự nguyện trở về buôn làng. Chính quyền cũng hỗ trợ thức ăn, nước uống, cấp xăng, sửa chữa những xe hư hỏng để bà con trở về nhà.
Theo ông Y Luyện, dân vận là công tác đặc biệt quan trọng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong một cuộc chia sẻ với PV Tiền Phong trước đó, ông Y Luyện tâm sự, từ thời làm cách mạng, ông đã đảm nhận công tác dân vận trong vùng dân tộc thiểu số và cảm động trước tinh thần góp của, góp sức của bà con cho cuộc giải phóng dân tộc. Khi làm công tác Đảng, chính quyền, ông cũng rất quan tâm đến vấn đề đào tạo cán bộ nguồn là người dân tộc thiểu số.
Theo ông Y Luyện, chính quyền cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, đào tạo và sử dụng cán bộ nguồn là đồng bào dân tộc thiểu số và tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo vệ an ninh trật tự của buôn làng.