Đơn vị thi công đã bị nhắc nhở nhiều lần

Đơn vị thi công đã bị nhắc nhở nhiều lần
TP - “Chúng tôi đã nhắc nhở đơn vị thi công trên dưới 10 lần về các tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật. Cái này có thể đánh giá đây là một tai nạn do lỗi thi công không cẩn thận của nhà thầu” - Ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, đại diện chủ đầu tư.
Đơn vị thi công đã bị nhắc nhở nhiều lần ảnh 1

Cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường. Ảnh: Nguyễn Tú

Ông Bình cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, Ban quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư dự án) đã yêu cầu nhà thầu tạm dừng thi công, bảo vệ hiện trường để các cơ quan chức năng khám nghiệm, đánh giá. Đồng thời lập tức kiểm tra toàn bộ vị trí đấu nối dầm trên toàn tuyến.

“Chúng tôi đã yêu cầu họ khẩn trương làm báo cáo vì sao xảy ra sự cố trên. Tập hợp toàn bộ hồ sơ liên quan đến chất lượng trong quá trình thi công để làm rõ”.

Thưa ông, đến nay các đơn vị thi công, tư vấn báo cáo về sự cố như thế nào?

Sự cố bắt đầu từ việc thanh dầm số 2 bị nghiêng, sau đó đổ vào dầm số 3, rồi theo hiệu ứng vào dầm số 4. Tuy nhiên, chưa thể xác định vì sao dầm bị nghiêng. Hiện nay các chuyên gia và cơ quan chức năng đang tìm hiểu, đánh giá nguyên nhân cụ thể.

Nhưng ban đầu, có thể nói hệ thống giằng chống liên kết các phiến dầm rất kém, không như các thanh còn lại. Có thể đây là nguyên nhân cơ bản làm lệch đổ các thanh dầm.

Đơn vị thi công đã bị nhắc nhở nhiều lần ảnh 2
Ông Phạm Thanh Bình

Qua quan sát cho thấy, nhà thầu chống đỡ các dầm cầu bằng các cột chống là cây gỗ non. Liệu việc này có đảm bảo không, thưa ông?

Gỗ hay thép không vấn đề gì, mấu chốt là chống như thế nào, ví như chống hờ thì mới nguy, chứ đúng kỹ thuật thì không sao.  Bây giờ đầu cột chống có thể gỗ bị bê tông bào mòn, vẹt đi, nhưng nó không hề bị gãy.

Hơn nữa, dầm chỉ chịu được khi đứng chứ không chịu được lực khi nằm ngang ra. Bản thân cấu tạo dự ứng lực theo chiều cong của dầm, không thể chịu được tính tải khi nằm ngang.

Nghĩa là trong phương án thi công vẫn cho phép sử dụng những đoạn gỗ này để chống đỡ các dầm cầu?

Vấn đề là người ta phải chống như thế nào. Sau khi kiểm tra sơ bộ cũng cho thấy một số thanh chống không đảm bảo yêu cầu và cho khắc phục ngay.

Có ý kiến cho rằng, các gối cao su để gác dầm lên có thể bị phong hóa và làm lệch vị trí các phiến dầm, kết hợp với việc giằng chống không tốt cũng làm đổ dầm cầu, thưa ông?

Chúng tôi vừa trao đổi với tư vấn và trong những cái tư vấn đang nghi ngờ cũng có thể là do gối cao su không đảm bảo. Khi đặt lệch thì sẽ làm cho gối bị lệch tạo ra độ nghiêng của dầm.

Phía nhà thầu cũng nhận định có thể do thanh chống dầm không đảm bảo nên dầm nghiêng gây hiệu ứng đổ domino khi chưa thực hiện dầm liên kết ngang. Tại sao khi bắc dầm không làm liên kết ngang luôn?

Do trình tự thi công của nhà thầu là gác dầm xong rồi đổ dầm ngang và làm bản mặt cầu ngay. Họ làm theo phương pháp cuốn chiếu như thế.

Nhưng thực tế sự cố xảy ra trong điều kiện bình thường không có tác động của ngoại lực hay thời tiết bất thường, thưa ông?

Nếu sự cố xảy ra khi có thiết bị nặng thi công thì xác định nguyên nhân rất dễ. Đây cũng là một trong những lý do các chuyên gia xem xét để tìm ra nguyên nhân chính xác. Tất cả lý do hiện nay đều đang là phỏng đoán.

Vậy sự cố sập dầm cầu này do lỗi kỹ thuật hay lỗi thi công?

Cái này có thể đánh giá đây là một tai nạn do lỗi của công nhân thi công. Về chủ quan, có thể đánh giá đây là lỗi không cẩn thận của nhà thầu khi thi công. Đây hoàn toàn do chủ quan của nhà thầu và biện pháp thi công không đảm bảo. Cái này phía Ban và tư vấn đã nhắc nhở nhiều lần rồi.

Việc xử lý trách nhiệm như thế nào?

Hiện nay sản phẩm chưa phải của chủ đầu tư mà đang là của nhà thầu. Để xảy ra sự cố, nhà thầu phải có giải pháp, không để ảnh hưởng chậm toàn tiến độ, và phải chịu toàn bộ chi phí liên quan khắc phục và làm lại 4 phiến dầm.

Chiều tối 19-4, Bộ trưởng GTVT cho biết đã yêu cầu các đơn vị liên quan xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân; kiểm tra, làm rõ nguyên nhân báo cáo Bộ bằng văn bản trước ngày 24-4-2010. Qua đánh giá sơ bộ nguyên nhân ban đầu của việc sập 4 phiến dầm, theo Bộ GTVT là do sơ suất của nhà thầu.

Bộ GTVT cũng yêu cầu khẩn trương rà soát lại hồ sơ thiết kế các hạng mục công trình, thiết kế biện pháp tổ chức thi công, biện pháp đảm bảo an toàn lao động... Cùng ngày, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng về việc nêu trên. Đình Thắng

Nguyễn Tú (ghi)

MỚI - NÓNG