> Cuộc đời Đơn Dương qua những bức ảnh chưa từng công bố
> Diễn viên Đơn Dương qua đời ở tuổi 54
Đơn Dương trong phim “Chuyện tình trong ngõ hẹp” - Kịch bản Đoàn Minh Tuấn, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. |
Vì là tác phẩm đầu tay của cả hai nên tôi (biên kịch) và Nguyễn Thanh Vân (đạo diễn) hết sức chăm chút cho câu chuyện chung. Dạo đó, phim video đã bắt đầu ra nhiều, phim truyện điện ảnh vẫn khan hiếm. Nghe chúng tôi kể qua câu chuyện, Đơn Dương muốn đọc kịch bản.
Bộ phim kể về một ngõ nhỏ, nơi có nhiều phụ nữ sinh sống. Sinh, một phụ nữ góa chồng sống cùng mẹ già và con gái tuổi thiếu nữ. Toàn tình cờ rơi vào gia đình này. Và câu chuyện, như được tiếp thêm lực đẩy, tiến về phía trước với một vẻ đẹp của đời thường. Diễn viên Thanh Quý (vai Sinh) có cảm tưởng câu chuyện rất gần gũi với mình.
Diễn viên Mỹ Duyên cũng có cảm giác nhân vật thiếu nữ cô đảm nhận thấp thoáng đâu đó trong cuộc sống. Còn Đơn Dương, sau khi đọc kịch bản, anh đón chúng tôi với nụ cười rất đẹp.
Những ngày làm phim trên Đà Lạt, Đơn Dương đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt. Một người lao động nghệ thuật nghiêm túc, nhiều khát vọng cống hiến.
Sau này vào thành phố Hồ Chí Minh công tác, tôi vẫn thường gặp anh tại quán Nhà tôi trên phố Lê Quý Đôn, quận 3, do đạo diễn Lê Cung Bắc anh rể của anh mở. Tạp chí Thế giới Điện ảnh của chúng tôi ở ngay bên cạnh quán nên anh em trong tòa soạn thường qua đó ăn sáng, ăn trưa, ăn tối cùng bạn bè, đồng nghiệp. Lúc rảnh rỗi, Đơn Dương thường ôm cây ghita, hát một ca khúc trữ tình.
Bỗng khoảng năm 2002 hay 2003 gì đó, xảy ra vụ lùm xùm vì chuyện Đơn Dương tham gia đóng phim Rồng xanh của đạo diễn Timothy Linh Bùi. Câu chuyện trong phim, phải nói là rất sinh động. Người xem được thấy bao nhiêu mảnh đời của người Việt Nam trong một trại tị nạn của Mỹ.
Người căm giận vì bị bỏ rơi, người mang phận làm lẽ, một ông tướng Việt Nam cộng hòa bị khinh bỉ, những đứa trẻ hồn nhiên kết bạn với một người da đen, có năng khiếu vẽ tranh tường. Họ cùng nhau vẽ con rồng xanh như gửi gắm niềm tin và hi vọng.
Trong phim, Đơn Dương vào vai một người đàn ông, được lính Mỹ cảm tình, cho vào thăm đất Mỹ trước, về kể lại cho các đồng hương của mình nghe về một nước Mỹ “thứ gì cũng có” trong khi những người đàn ông Việt Nam cứ băn khoăn một điều nhỏ nhoi là “liệu nước Mỹ này có ớt chỉ thiên không?”.
Sau đó, Đơn Dương được đạo diễn Mỹ Randall Wallace mời vào vai trung tá Nguyễn Hữu An trong phim Chúng tôi từng là lính (We were soldiers – 2002). Bộ phim tái hiện cuộc chạm trán đầu tiên giữa những người lính chính quy của quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội Mỹ.
Nghe tin Đơn Dương đóng vai sĩ quan Việt Cộng trong phim chiến tranh của Mỹ, nhiều người lên tiếng phản đối, đòi kỷ luật Đơn Dương. Thực ra, ngày đó, cả hai phim này, hầu như chưa có mặt ở Việt Nam nên dù Đơn Dương có thanh minh thế nào chăng nữa, thì “chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết” nữa là Đơn Dương. Rồi trong cơn giận dỗi bốc đồng nhạy cảm của nghệ sỹ, Đơn Dương xin định cư ở Mỹ. Thật tiếc cho anh. Bởi từ trước tới khi đó, Đơn Dương luôn được giới truyền thông chiều chuộng. Anh không có kinh nghiệm ứng xử với scandal.
Gần 10 năm đã trôi qua, sự việc cũng dần vào quên lãng. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Nghe tin anh sắp trở về nhưng đã phải ra đi, có điều gì đó day dứt cho anh, cho tôi, cho chúng ta.