Đơn độc cuộc chiến 'nhà báo' bẩn

Gia cảnh của một trong những nạn nhân bị một “nhà báo” lừa tiền chạy việc
Gia cảnh của một trong những nạn nhân bị một “nhà báo” lừa tiền chạy việc
TP - “Anh tin chú đủ độ trong sạch đương đầu với cuộc chiến này, để vạch trần những kẻ sâu mọt. Nhưng chú phải hết sức cẩn thận, chứng cứ không chắc là bị bọn chúng quật lại. Bọn anh biết hết và rất bức xúc, cũng mong muốn làm trong sạch đội ngũ báo chí ” – một đồng nghiệp đàn anh “bỏ nhỏ” vào tai tôi, khi Tiền Phong khởi đăng loạt bài “Loạn nhà báo rởm” do tôi độc lập điều tra.

 "Khiêu vũ" giữa bầy sói

 Năm 2014, trước sự bùng nổ và lộng hành của các “nhà báo rởm”, tôi xin phép tòa soạn điều tra, tiếp cận thông tin để vạch mặt những “con sâu” trong làng báo. Tôi không ngờ công việc thu thập thông tin lại cam go và nhiều áp lực đến vậy. Từ quan chức chính quyền, đến lãnh đạo doanh nghiệp ai cũng bức xúc trước sự lộng hành của lực lượng “nhà báo rởm” nhưng lại rất ngại khi cung cấp thông tin, vì sợ không thể đánh giập được đầu rắn. Thậm chí các đồng nghiệp chân chính gặp tôi cung cấp thêm thông tin nhưng lại không dám đồng hành. “Tốt khoe, xấu che” là tâm lí chung của người Việt ta, nên giới báo chí ta cũng vậy.

Lâu nay, những sai phạm trong làng báo chỉ xuất hiện trên mặt báo khi cơ quan chức năng đã có kết luận vụ việc. Nay chú đơn thương độc mã điều tra khi những sự việc chưa cơ quan quan chức năng nào kết luận thì quá liều mạng. Không ít người đồng cảm, chia sẻ với chú vì một làng báo trong sạch, nhưng cũng có người nói chú đang “vạch áo cho người xem lưng” đấy. Hết sức cẩn thận!” - một đồng nghiệp chia sẻ.

Đơn độc cuộc chiến 'nhà báo' bẩn ảnh 1 PV Hoàng Nam tiếp xúc với một nạn nhân bị “nhà báo rởm” lừa tiền để đòi công lí cho con gái bị hiếp dâm


Loạt bài 4 kỳ “Loạn nhà báo rởm” được đăng tải trên Tiền Phong gây chấn động làng báo. Những nhân vật cộm cán trong “làng báo rởm” bị gọi thẳng tên, chỉ thẳng mặt. Không ít quan chức chính quyền, giám đốc các doanh nghiệp và cả những nhà báo chân chính đã gặp trực tiếp, hoặc gọi điện cho tôi gửi lời cảm ơn vì đã giúp họ nói lên nỗi lòng bấy lâu nay uẩn ức và mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để dẹp nạn “nhà báo rởm” đang lộng hành khắp hang cùng, ngõ hẹp. 

Nhớ lại, khi kỳ 1 của loạt bài được đăng trên Tiền Phong, đang hân hoan với thành quả của mình thì một lãnh đạo Ban biên tập điện vào với giọng nghiêm trọng: “Không ngờ bài báo lại gây chấn động đến vậy, chú động chạm đến quá nhiều đồng nghiệp, nhiều tờ báo bạn, họ phản ứng dữ dội. Họ nói phóng viên của họ đã điều tra ra nhiều sai phạm của chú, họ công bố sẽ quật lại báo mình và cá nhân chú nếu không dừng lại và gỡ bài đã đăng. Nếu chú chỉ cần có một sai phạm nhỏ, họ công bố lên mặt báo thì tờ Tiền Phong mất mặt, không ai có thể đỡ nổi cho chú cả!”. 

Tôi trả lời ngay: “Anh yên tâm! Khi em quyết định đụng đến “bầy sói” này em đã lường trước mọi chuyện. Ban biên tập hãy tin em, em trong sạch thì không phải sợ gì hết. Nếu họ chỉ cần đăng một mẩu tin về sai phạm của em, em sẵn sàng chịu kỷ luật và tự giác rời khỏi báo Tiền Phong”. 
“Chú nói thế thì anh yên tâm rồi” - và loạt bài vẫn tiếp tục đăng cho đến hết kỳ cuối. Sau đó, duy nhất một tờ báo bạn viết bài phản ứng, cho rằng tác giả vu khống phóng viên của họ, nhưng lại đồng thời nhanh chóng tháo tấm bảng “Văn phòng đại diện” to đùng nằm trên con phố lớn nhất TP Đồng Hới (Quảng Bình).

Bóng ma “nhà báo rởm” vẫn còn đó

 Sau loạt bài, tình cờ tôi gặp một lãnh đạo Bộ TT&TT, ông nói: “loạt bài của chú rất hay và thiết thực, giúp Bộ nhận diện và siết chặt hơn trong công tác quản lí báo chí. Anh cứ chờ mãi loạt bài này được xướng tên trên bục danh dự của giải Báo chí Quốc gia nhưng không thấy”.

Cũng sau loạt bài, lực lượng “nhà báo rởm” ít lộng hành hơn trong một thời gian. Một số “nhà báo” bị tôi gọi tên, chỉ thẳng mặt trong các bài báo buộc phải rời khỏi tờ báo mà họ đang làm, chuyển sang làm cho tờ báo khác, nhưng cũng có người được tòa soạn họ “bao bọc” và tiếp tục nhơn nhơn gây nhiễu xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật nhưng không bị xử lí gây bức xúc dư luận.

Đơn độc cuộc chiến 'nhà báo' bẩn ảnh 2  Hàng loạt đơn tố cáo của các nạn nhân nghèo bị một “nhà báo” lừa tiền chạy việc lên đến tiền tỷ

Những nhà báo chân chính ở Quảng Bình đến nay vẫn không khỏi bức xúc về trường hợp, một nhân viên làm xét nghiệm ở một bệnh viện, sau một vài tin tức hoạt động của bệnh viện này đã được một tờ báo lớn ở Hà Nội nhận làm cộng tác viên. Người này đi đâu cũng xưng mình “nhà báo”, thậm chí trưng bảng văn phòng, làm thủ tục xin đất để xây trụ sở văn phòng đại diện và được UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý.

Điều lạ, không biết người này làm việc ở bệnh viện vào giờ nào, nhưng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình diễn ra sự kiện gì thì đều có sự xuất hiện của người này, tác nghiệp như một nhà báo. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, nhiều cơ quan, ban ngành tổ chức gặp mặt báo chí, không cuộc nào người này bỏ sót, trong đó có ngày diễn ra 4 cuộc gặp cả sáng và chiều thì “nhà báo” này đều tham dự.

Một số “nhà báo” bị đuổi khỏi tờ báo mình đang làm sau loạt bài “Loạn nhà báo rởm” lại nhảy sang tờ báo khác, tiếp tục hành nghề theo cách “ngựa quen đường cũ” tiếp tục vi phạm pháp luật như: lừa tiền chạy việc của nhiều người nghèo lên đến tiền tỷ, hay liên quan đến các vụ án cưỡng đoạt tài sản của cảnh sát giao thông nhưng đều thoát nạn, không bị khởi tố. Một lãnh đạo làm trong ngành pháp luật, một lần “trà dư, tửu hậu” tâm sự với tôi rằng: “Không phải các anh sợ nó (nhà báo rởm - PV) mà ngại cơ quan của nó. Không phải ai cũng “nắm tay” được cả đời, lỡ cơ quan mình có chuyện gì thì phiền phức lắm”.

Vì sao lực lượng “nhà báo rởm” vẫn tiếp tục lộng hành? Trả lời câu hỏi này, một đồng nghiệp cho rằng: Họ là những người không được đào tạo bài bản để làm báo, nhưng lại rất giỏi trong mánh khóe kiếm tiền. Trước áp lực tự chủ kinh phí hoạt động của một số toà soạn báo nên họ nhắm mắt nhận những người này vào để trở thành cái máy kiếm tiền cho tòa soạn. Mục đích chính của các “nhà báo” là kiếm tiền, nên họ bất chấp đạo đức, thủ đoạn, thậm chí vi phạm pháp luật để kiếm tiền về cho toà soạn và cho chính mình. Trong lúc đó, lãnh đạo một số quan chính quyền ngại đụng chạm đến báo chí, thường tặc lưỡi cho qua, nên bóng ma của “nhà báo rởm” vẫn còn lởn vởn trong xã hội này.

Trong ngày “giỗ nghề” không phải tôi “vạch áo cho người xem lưng”, mà nhắc lại câu chuyện này với mong muốn các cơ quan quản lí báo chí, các cơ quan pháp luật, các toà soạn và đồng nghiệp chân chính… mạnh mẽ đấu tranh, thượng tôn pháp luật để “con sâu không làm rầu nồi canh”.

MỚI - NÓNG