Ghi nhận của Tiền Phong hôm 29/9, tại Khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 hai tuần trở lại đây số trẻ nhập viện do ho, sổ mũi, viêm phổi, viêm tiểu phế quản chiếm khoảng 50 phần trăm các bệnh vào thăm khám.
Trong tổng số hơn sáu nghìn trẻ đến khám, các bệnh hô hấp, SXH và TCM chiếm 4.000 ca. 4 - 5 bệnh nhi phải nằm chung một giường.
Trong khi đó, bác sĩ Trịnh Hữu Tùng - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Nhi Đồng 2 cho biết, trong ngày 29/9 có hơn 5.500 trẻ được đưa đến khám, 70 phần trăm trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm. Tại Khoa hô hấp 1 và 2 của bệnh viện này trong ngày hôm qua có 250 trẻ nằm điều trị và gần 100 trẻ mắc mới nhập viện trong ngày.
Cùng lúc, dịch SXH cũng gia tăng mạnh. Tại hai Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 trong ngày 29/9 tiếp nhận hơn 200 trường hợp mắc SXH điều trị, nhiều trẻ trong đó bị sốc nặng.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, trong tháng Tám, dịch SXH giảm 17 phần trăm nhưng tăng lên trong tháng Chín. Đến nay toàn TPHCM có hơn 1.650 ca mắc, tám ca tử vong. Hiện mỗi tuần TPHCM có thêm khoảng 400 ca mắc mới nhập viện.
Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong ngày hôm qua có 200 ca người lớn mắc SXH đang điều trị. Trong khi ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM số ca SXH người lớn cũng tăng, từ 50 ca tuần đầu tháng Chín tăng lên gần 100 ca.
Theo dự báo của Sở Y tế TPHCM, số ca mắc SXH ở TPHCM dự đoán sẽ tăng lên 500 ca/tuần từ nay đến cuối tháng 11, vì từ tháng Chín đến tháng 11 là đỉnh điểm của dịch SXH.
Chưa có con số chính thức từ ngành y tế về số ca mắc TCM, tuy nhiên theo các bác sĩ tại BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, bắt đầu từ tháng Chín số trẻ mắc TCM nhập viện gia tăng. Tại BV Nhi Đồng 1, ngày 29/9 có 120 trẻ bị TCM nhập viện, trong đó có ba trẻ bị biến chứng phải thở máy.
Hiện, mỗi ngày bệnh viện có khoảng 30 trẻ nhập viện điều trị. Tại BV Nhi Đồng 2 từ ngày 20/9 đến nay có 150 trẻ mắc bệnh này nhập viện, tăng 50 phần trăm so với các tháng trước. Tại khoa Nhiễm của BV Nhi Đồng 2, mỗi giường phải nằm 2-3 trẻ.
Hà Nội: Điêu đứng vì bệnh giao mùa
Thời tiết đang giai đoạn chuyển mùa, là điều kiện thuận lợi cho các loại virus gây bệnh trên trẻ em phát triển. Hiện cũng đang là thời điểm dịch sốt xuất huyết (SXH) hoành hành tại Hà Nội với số bệnh nhân gia tăng từng ngày tại những bệnh viện lớn.
Thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư cho thấy trung bình mỗi ngày có từ 1.700-2.000 trẻ em tới khám và điều trị, tập trung chủ yếu vào các bệnh như tiêu chảy, ho, sốt, viêm mũi…
Tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi T.Ư, nhiều cháu bé chỉ hơn một tháng tuổi phải đợi chờ hàng tiếng mới tới lượt khám bệnh. Mỗi ngày có tới hơn 130 trẻ bị viêm đường hô hấp nhập viện, một số trẻ rơi vào tình trạng nặng như viêm phổi cấp. Số bệnh nhi tăng cao, nên từ hai tuần nay bệnh viện phải tăng số lượng bác sĩ khám tại Khoa Khám bệnh lên gấp đôi.
Cũng chung tình trạng như Bệnh viện Nhi, tại Bệnh viện Saint Paul, từ một tuần nay số trẻ nhập viện gia tăng, với 450 - 500 cháu tới khám một ngày. 2/3 trong số đó là bệnh nhi viêm đường hô hấp, gặp nhiều nhất ở trẻ sơ sinh tới gần ba tuổi.
Ông Nguyễn Thanh Liêm – GĐ BV Nhi T.Ư cho biết nhiều trẻ bị viêm đường hô hấp kèm theo tiêu chảy. Nguyên nhân là do phụ huynh tự ý điều trị tại nhà cho trẻ bằng thuốc kháng sinh để chữa bệnh viêm đường hô hấp.
Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh nhất trong vòng 10 năm qua tại Hà Nội. Đó là nhận định của Sở Y tế Hà Nội.
ThS Trần Quốc Tuấn – Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đống Đa) cho biết trung bình mỗi ngày có 10 bệnh nhân SXH nhập viện, bệnh nhân chủ yếu là học sinh, sinh viên. Bệnh viện Đống Đa luôn có hơn 100 bệnh nhân điều trị. Bệnh viện đang huy động các khoa khác cùng bố trí giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân SXH.
Đáng chú ý, năm nay nhiều bệnh nhân mắc SXH nhập viện trong tình trạng nặng, bị sốc, nhiễm khuẩn, tràn dịch màng phổi, tụt huyết áp... Ở giai đoạn đầu, bệnh rất khó chẩn đoán bởi dấu hiệu lâm sàng không rõ ràng. Bệnh giống như sốt thông thường, bệnh nhân thường có sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39-40oC, sốt kèm các triệu chứng như: mệt mỏi, chán ăn, đau người, đau cơ, thường sau hai tới ba ngày da mới xung huyết hoặc có phát ban.
Tại Viện các Bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, số bệnh nhân SXH nhập viện liên tục tục tăng mạnh, nhiều ca SXH nhập viện trong tình trạng bệnh rất nặng do nhập viện muộn hoặc đã điều trị tại một số phòng khám nhưng không đỡ.
Đặc biệt một số bệnh nhân sau khi được điều trị đỡ bệnh và xuất viện nhưng lại tự ý truyền dịch tại nhà để mong lấy lại sức khỏe nhanh khiến bệnh chuyển biến theo hướng nguy kịch.
Bệnh viện Đống Đa từng điều trị cho một số bệnh nhân bị sốc do tự ý truyền dịch. Hậu quả của việc truyền dịch không đúng cách khiến cơ thể dư thừa dịch, tràn dịch đa màng, rối loạn nhiều chức năng của cơ thể, rối loạn đông máu.
SXH là bệnh có miễn dịch nhưng đây là loại bệnh gây ra do nhiều type virus khác nhau D1, D2, D3, D4 nên có khả năng một người đã mắc rồi vẫn có thể mắc lại. Nếu bệnh nhân mắc lại type virus đã mắc trước đây thì mức độ bệnh rất nhẹ, có thể không gây ra những biến chứng nặng mà chỉ là những triệu chứng sốt thông thường.
Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều ca được ghi nhận đã mắc một lần rồi nhưng khi mắc lại lần hai thì bệnh khá nặng, gây sốc và có thể nguy hiểm hơn. Vì vậy, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo vẫn đề phòng các trường hợp mắc lại. Việc mắc lại tập trung ở tất cả các lứa tuổi nhưng thanh thiếu niên dưới 15 tuổi dễ mắc hơn vì hệ miễn dịch chưa ổn định.