Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố

Nắng sớm mát rượi xuyên qua tán cây của đại ngàn giữa phố
Nắng sớm mát rượi xuyên qua tán cây của đại ngàn giữa phố
TPO - Giữa những khu phố sầm uất tấp nập, Buôn Ma Thuột vẫn còn giữ được một mảng đại ngàn tuyệt đẹp, đó là vạt rừng tự nhiên trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Có một không gian xanh tươi yên tĩnh, mỗi sớm mai líu lo tiếng chim trong vắt, hồn nhiên để dạo bước thư thái, hít thở không khí thanh sạch thơm hương hoa cỏ, là diễm phúc không phải ở đâu cũng dễ dàng tìm thấy như nơi này.   
Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố ảnh 1 Bên lối vào, chú voi nâng bảng nội quy đứng chào khách rất thân thiện, dễ thương

 Trên cao nguyên Đắk Lắk bạt ngàn nắng gió, Buôn Ma Thuột là thành phố trung tâm, đông dân và giàu bản sắc văn hóa Tây Nguyên. 

Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố ảnh 2 Bảo tàng Đắk Lắk, một trong 50 công trình kiến trúc đẹp và độc đáo nhất Việt Nam

Quá trình đô thị hóa đã làm biến mất quá nhiều diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn, nên những mảng xanh hiếm hoi trong phố trở nên quý giá vô cùng. 

Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố ảnh 3 Thật quý giá khi giữa phố đông, chỉ cần rẽ vào nơi này, sẽ được ngắm đại ngàn xanh thẳm

Là nơi lưu giữ giá trị di sản văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, Bảo tàng Đắk Lắk được thành lập từ năm 1976, trên toàn bộ khuôn viên của Biệt Điện Bảo Đại. Có sự tài trợ từ Chính phủ Cộng hòa Pháp, từ năm 2011 Bảo tàng khánh thành tòa nhà xây mới, được xếp vào danh sách 50 công trình kiến trúc đẹp nhất Việt Nam.

Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố ảnh 4 Cây Long não trồng từ thời vua Bảo Đại, được chăm sóc vô cùng cẩn trọng

Các chuyên gia Pháp và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã giúp Bảo tàng Đắk Lắk trở thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn với du khách và mọi cư dân bản địa.

Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố ảnh 5 Những người thợ chăm cây nhẹ nhàng gỡ bớt rêu phong, tầm gửi bám trên từng cành cổ thụ trong khuôn viên Bảo tàng

Mỗi năm, hàng vạn du khách đến Buôn Ma Thuột. Sự khang trang sống động, bộ mặt văn minh, lối sống hiền hòa của một đô thị vùng cao có hơn nửa triệu dân thuộc 40 dân tộc anh em của “thủ phủ cà phê” của Việt Nam đem đến cho những vị khách đến từ phương xa cảm giác thân thiện, yêu mến.

Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố ảnh 6 Hoa Pơ lang nở rực rỡ, êm đềm rụng xuống mặt cỏ xanh
Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố ảnh 7

Mùa quả chín, chôm chôm rừng trĩu nặng đầu cành cổ thụ, Bảo tàng phải điều xe cẩu đến hái 

Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố ảnh 8

Quả chôm chôm rừng vỏ đỏ thắm, nhân màu vàng cam mọng nước chua ngọt, ít người biết là một trong những loài cây hoang dã vẫn đơm hoa kết trái hàng năm trong khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk

Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố ảnh 9

 Để giữ lối đi sạch sẽ, khỏi trơn trượt cho du khách, các nữ nhân viên của Bảo tàng thường đem bạt ra hứng quả, dọn cành

Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố ảnh 10

Cụm Bằng lăng cổ thụ cứ định kỳ thay vỏ, khoe áo mới trắng muốt

Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố ảnh 11

Thân cây Sao được năm tháng ốp kín những bụi Mu rùa cổ kính và Phong lan mềm mại nên thơ

Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố ảnh 12

Những gốc Đa, gốc Si thân dây, rễ tỏa có một không hai, vô cùng độc đáo

Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố ảnh 13

Một trong hai "cụ" Long não được xếp hạng cây Di sản năm ngoái, vừa chính thức lìa đời, toàn bộ thân cành được lãnh đạo tỉnh nhất trí cho phủ bạt cất giữ, chờ kinh phí để chế tác bộ đồ gỗ lưu niệm trưng bày tại Bảo tàng

Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố ảnh 14

Một cây Long não con đã được trồng thay thế ngay tại gốc Long não mới từ trần

Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố ảnh 15

Di sản thiên nhiên vô cùng quý giá, là nét riêng của đại ngàn giữa phố

Đón ban mai cùng đại ngàn giữa phố ảnh 16 Cây Ngọc lan quanh năm tỏa hương trước dinh thự Biệt điện cổ kính

Mảng đại ngàn giữa phố trong khuôn viên xanh tươi rộng hơn 6 hecta Bảo tàng Đắk Lắk cho thấy: Sự hào phóng, giàu có của thiên nhiên là di sản vô giá của Buôn Ma Thuột , rất cần được chính quyền và nhân dân tiếp tục trân trọng kế thừa, gìn giữ, vun đắp cho thế hệ hôm nay và mai sau.   

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.