Đôi vợ chồng gần 40 năm thủy chung với nghề dệt chiếu cói thủ công

TPO - Ông Toản, bà Lương là một trong số ít hộ dân còn gắn bó với nghề dệt chiếu cói thủ công ở xã Hưng Hòa, TP Vinh, Nghệ An. Tuy đã lớn tuổi nhưng ông bà không bỏ nghề. Phần để kiếm thêm thu nhập, phần để giữ cái nghề đã nuôi sống bao đời nay.
Đôi vợ chồng gần 40 năm thủy chung với nghề dệt chiếu cói thủ công ảnh 1

Vào những năm 2010, có 8/9 xóm tại xã Hưng Hòa (TP Vinh, Nghệ An) làm nghề dệt chiếu cói với gần 1.000 lao động. Chiếu cói Hưng Hòa không chỉ được bán ở thị trường các tỉnh miền Trung, mà còn xuất khẩu qua Lào. Riêng 2 xóm Phong Hảo và Phong Thuận được công nhận là làng có nghề vào năm 2005. Đó là thời “vàng son” của nghề chiếu cói Hưng Hòa. Đến nay, số hộ dân còn gắn bó với nghề chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong ảnh: Người dân thu hoạch cói.

Đôi vợ chồng gần 40 năm thủy chung với nghề dệt chiếu cói thủ công ảnh 2

Cói sau khi thu hoạch sẽ được chẻ bằng máy.

Đôi vợ chồng gần 40 năm thủy chung với nghề dệt chiếu cói thủ công ảnh 3

Sau đó, cói sẽ được phơi khô, buộc thành từng bó để làm chiếu hoặc nhập bán cho thương lái.

Đôi vợ chồng gần 40 năm thủy chung với nghề dệt chiếu cói thủ công ảnh 4

Ông Trần Toản (SN 1972, trú xóm Phong Thuận) cho biết, ông biết đan chiếu cói từ khi còn nhỏ, đến nay đã gần 40 năm theo nghề. Tuy đã lớn tuổi nhưng vợ chồng ông không bỏ nghề. Phần để kiếm thêm thu nhập, phần để giữ cái nghề đã nuôi sống bao đời nay.

Đôi vợ chồng gần 40 năm thủy chung với nghề dệt chiếu cói thủ công ảnh 5

“Trước đây, cả xóm đều làm chiếu nhưng hiện chỉ còn mỗi gia đình tôi. Ngày nay, các dự án phát triển thủy sản xuất hiện nhiều, diện tích trồng cói bị thu hẹp. Ngoài ra, nguyên nhân chính vẫn là thiếu đầu ra cho sản phẩm. Người dân sản xuất chiếu cói xong, không biết bán cho ai nên lần lượt bỏ nghề, kiếm kế khác sinh nhai”, ông Toản chia sẻ.

Đôi vợ chồng gần 40 năm thủy chung với nghề dệt chiếu cói thủ công ảnh 6

Theo ông Toản, nghề dệt chiếu cói nghe qua tưởng đơn giản nhưng rất kỳ công. Một tấm chiếu đến tay khách hàng phải trải qua 5 bước chính gồm chuẩn bị cói, dây đay, vào khung, dệt và hoàn thiện sản phẩm.

Đôi vợ chồng gần 40 năm thủy chung với nghề dệt chiếu cói thủ công ảnh 7

Bà Trần Thị Lương (SN 1968, vợ ông Toản) cho biết, vất vả nhất là công đoạn phơi cói vì phải chọn thời gian và thời điểm thích hợp để sợi cói từ màu xanh chuyển qua màu trắng sáng và mềm dẻo, đặc biệt là cói phải phơi đủ nắng để không bị ẩm mốc.

Đôi vợ chồng gần 40 năm thủy chung với nghề dệt chiếu cói thủ công ảnh 8

Dệt chiếu cần sự phối hợp của hai người. Một người cầm cây văng chao những sợi cói qua go, người kia đập răng go cho những sợi cói ép khít vào nhau thật đều và chặt.

Đôi vợ chồng gần 40 năm thủy chung với nghề dệt chiếu cói thủ công ảnh 9

Sau khi hoàn thành sản phẩm, chiếu cói được phơi nắng một lần nữa để khô đều hai mặt chiếu rồi mới giao hàng cho khách.

Đôi vợ chồng gần 40 năm thủy chung với nghề dệt chiếu cói thủ công ảnh 10

“Vợ chồng tôi chỉ làm loại chiếu mỏng, hay được các nhà ga đặt mua trải trên tàu cho khách. Thời gian làm một chiếc chiếu mất khoảng 3 giờ đồng hồ, bán với giá 18 nghìn đồng/chiếc. Mỗi ngày cật lực cũng làm được 5-6 chiếc”, bà Lương cho hay.

Đôi vợ chồng gần 40 năm thủy chung với nghề dệt chiếu cói thủ công ảnh 11

Những chiếc chiếu cói được làm hoàn toàn thủ công, đảm bảo tiêu chí đông ấm, hè mát.

Đôi vợ chồng gần 40 năm thủy chung với nghề dệt chiếu cói thủ công ảnh 12

Ở làng nghề chiếu cói Hưng Hòa, hiện nay chỉ còn vài hộ gắn bó với nghề. "Nghề làm chiếu cói vất vả, thu nhập chẳng được là bao nên người dân trong vùng đều đã bỏ nghề đi kiếm việc làm khác. Tuy nhiên, vợ chồng tôi luôn động viên nhau cố gắng giữ cái nghề đã nuôi sống bao đời nay".

Tin liên quan