Đội tuyển Việt Nam: Làn gió mới từ những 'cánh chim lạ'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việc HLV Philippe Troussier triệu tập nhiều gương mặt mới khiến cho nhân sự hàng tấn công đội tuyển Việt Nam trở nên chật chội. Cuộc cạnh tranh giữa các gương mặt mới và cũ bỗng trở nên vô cùng quyết liệt.

Ở tuyến tiền vệ, HLV Troussier đã gọi tới 11 cầu thủ. Tuy nhiên nếu đếm kỹ, chỉ 3 cái tên có kinh nghiệm dày dạn nhất, gồm Nguyễn Quang Hải, Hoàng Đức (Viettel) và Tuấn Anh (HAGL). Trong số này Hoàng Đức có thể chắc suất khi vẫn duy trì phong độ khá ổn ở Viettel. Trong 3 năm qua, Hoàng Đức cho thấy sự tiến bộ vượt bậc, dần chiếm vị trí chính thức ở đội tuyển Việt Nam. Ngược lại, Tuấn Anh chơi không thực sự nổi bật ở HAGL, một phần do đội bóng phố núi bị suy giảm sức mạnh vì mất nhiều trụ cột. Tương tự, Nguyễn Quang Hải cũng đối diện dấu hỏi về phong độ do ít được ra sân ở Pau FC. Anh mới đây đã chính thức chia tay đội bóng hạng Nhì của Pháp để tìm bến đỗ mới.

Trong ngày hội quân, HLV Troussier thừa nhận, nếu theo tiêu chí phong độ thì cả Quang Hải và Công Phượng đều không có suất ở đội tuyển Việt Nam. Nó như một thông điệp ngầm của nhà cầm quân người Pháp, là tất cả đều sẽ phải nỗ lực và không có chỗ cho những trường hợp ngoại lệ.

Đội tuyển Việt Nam: Làn gió mới từ những 'cánh chim lạ' ảnh 1

Lâm Ti Phông (bên phải) lần đầu lên tuyển Việt Nam.

Cơ hội vì vậy sẽ mở ra cho những gương mặt mới, vốn đang thể hiện tốt ở V-League như Trọng Long, Bùi Văn Đức, Hải Huy hay thậm chí Lâm Ti Phông, Triệu Việt Hưng và Châu Ngọc Quang. Mục tiêu lớn nhất ông Troussier hướng đến ở đợt tập trung này có lẽ là truyền tải triết lý lối chơi, cách thức vận hành đội bóng của mình tới các cầu thủ, đồng thời tạo nên môi trường cạnh tranh quyết liệt để phá sức ì ở đội tuyển Việt Nam. Đây là yêu cầu cần thiết để đội bóng lấy lại động lực chiến đấu mạnh mẽ nhất sau khi đã có dấu hiệu sa sút 2 năm cuối dưới thời ông Park Hang-seo.

Với các nhân tố mới trong tay, HLV Troussier cũng có thể dễ dàng điều chỉnh lối chơi của đội tuyển Việt Nam theo ý mình, vốn trái ngược với phong cách người tiền nhiệm. Hải Huy chơi ngẫu hứng và tương đối phá cách. Văn Đức được biết đến bởi nền tảng thể lực sung mãn, thi đấu mạnh mẽ. Triệu Việt Hưng và Châu Ngọc Quang với nền tảng từ “lò” HAGL, giàu kỹ thuật và cũng không kém phần hiệu quả.

Trên hàng tiền đạo, mức độ cạnh tranh giữa các trụ cột cũ với những gương mặt mới cũng dự báo không hề kém “nhiệt”. Công Phượng đã lâu không được ra sân ở FC Yokohama, chắc chắn cần hết sức nỗ lực để giành vị trí. Dưới thời ông Park, cựu tiền đạo HAGL thực tế cũng không thường xuyên có suất đá chính. Vị trí trung phong độ tuyển Việt Nam thuộc về tiền đạo Nguyễn Tiến Linh.

Dù vậy thời gian qua, chân sút Becamex Bình Dương lại không đạt phong độ cao. Chấn thương đã khiến Tiến Linh sa sút và tới hiện tại anh mới chỉ có vỏn vẹn 2 bàn thắng ở V-League, hiệu suất rất thấp. Lâm Ti Phông và Đinh Thanh Bình ngược lại đang cho thấy sự tiến bộ. Thanh Bình được HLV Kiatisuk Senamuang mô tả là mẫu tiền đạo chịu khó chơi pressing và đang khao khát rất lớn. Đó là một ưu điểm để anh có thể được HLV Troussier để ý. Lâm Ti Phông có lối chơi đa năng khi đá được cả vị trí tiền đạo cánh và hộ công. Chọn các cầu thủ đa năng là ưu tiên của ông Troussier khi xây dựng đội bóng.

Nếu tính cả Phạm Tuấn Hải đang dần khẳng định vị trí ở CLB Hà Nội và Văn Toàn mới trở về từ Hàn Quốc, cuộc đua giành vị trí chính thức nơi hàng tiền đạo đội tuyển Việt Nam hứa hẹn sẽ rất gay cấn. Ngoài yếu tố phong độ, việc chân sút nào được lựa chọn còn phụ thuộc vào sở thích chuyên môn của ông Troussier. Nhưng có thể tin điều này sẽ khiến đội tuyển Việt Nam giàu sức sống hơn.

MỚI - NÓNG