Nắng gió, khô cằn
Ông Nguyễn Văn Lợ (60 tuổi, xã Yang Trung, Kông Chro) nổi tiếng gần xa vì là người tiên phong trồng 3 ha cây thanh long ruột đỏ theo định hướng, hỗ trợ của huyện Kông Chro. Ông Lợ chia sẻ, những năm mới về đây cuộc sống khó khăn vô cùng, trồng cây gì cũng không hợp bởi khí hậu nắng gió, được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa, nhưng cách đây vài năm từ khi một số cán bộ huyện Kông Chro xuống khảo sát đã khuyên gia đình nên trồng cây thanh long ruột đỏ. Từ đây ông Lợ đào giếng nước, mua hàng nghìn trụ gỗ, đầu tư hệ thống phun nước… với tổng chi phí đầu tư khoảng 300 triệu đồng/3ha. Sau 2 vụ ông Lợ đã thu lại số vốn bỏ ra lúc đầu, hiện mỗi năm trừ hết chi phí đầu tư ông Lợ thu lãi hơn 400 triệu đồng, đây là chưa kể đàn bò 11 con cái sinh sản mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. “Vất vả lúc đầu thôi, những năm sau tôi chỉ cần bỏ ra 40 triệu đồng mua phân bò, 10 triệu đồng thuê công chăm sóc cho vườn thanh long ruột đỏ thôi, nên trừ hết chi phí mỗi năm tôi có dư khoảng 400 triệu đồng. Cứ đến vụ thanh long là thương lái mọi nơi tìm đến mua, có bao nhiêu lấy từng đó” - Ông Lợ vui vẻ.
Theo ông Lợ, cây thanh long ruột đỏ một năm có sáu tháng thu hoạch, để quả thanh long ruột đỏ thơm ngon điều quan trọng nhất là có nguồn nước đầy đủ, dinh dưỡng phải sạch sẽ, chỉ dùng phân vi sinh, không sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu, đất cũng sẽ không bị bạc màu sớm. Cũng bởi vậy mà người dân gần xa tìm đến nhà mua giống, học theo mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Lợ.
Ông Võ Văn Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kông Chro cho biết, đơn vị luôn nắm bắt tình hình nông sản để định hướng bà con nông dân mở rộng diện tích phù hợp, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Bởi vậy, giữa năm 2018, UBND huyện Kông Chro ban quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi giai đoạn 2018 -2020, trên cơ sở này Phòng đã tham mưu xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Cũng từ đây, việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện không ngừng phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá được đẩy mạnh hơn nữa, diện tích các loại cây trồng đều tăng, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng hợp lý, phù hợp với cơ chế thị trường, từng bước hình thành vùng chuyên canh cây hàng hóa gắn với việc tạo vùng nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy chế biến của tỉnh, đầu ra nông sản ngày càng được ổn định.
Theo ông Hưng, trên địa bàn có nhiều chương trình đầu tư ứng dụng, phổ biến khoa học - công nghệ vào sản xuất được các cấp đặc biệt quan tâm, nhiều loại cây trồng lai tạo có năng suất cao được đại bộ phận nhân dân tiếp cận và đưa vào sản xuất như mía, ngô lai, mỳ cao sản, lúa và một số giống cây hàng hóa khác như cây ăn quả. Việc khai thác tài nguyên đất nông nghiệp trên địa bàn từng bước được cải thiện và sử dụng ngày càng có hiệu quả. Vị cán bộ nông nghiệp này chia sẻ, huyện đang tiếp tục tập trung nghiên cứu, mở rộng mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như ớt, ngô lai, mì cao sản, thanh long ruột đỏ, bơ, na dai, măng tây …
Ngoài ra, theo ông Hưng, việc phát triển chăn nuôi được huyện chú trọng, tập trung nuôi những loài thích nghi với khí hậu trên địa bàn, số lượng cũng vì thế mà tăng mạnh thời gian gần đây như hơn 41 nghìn con bò, trâu hơn 1,4 nghìn con, lợn hơn 9,6 nghìn con, dê hơn 8,7 nghìn còn…
Phát triển cây mía một cách khoa học
Dọc quãng đường hơn 30km vào trung tâm huyện Kông Chro được phủ bạt ngàn mía với tổng diện tích hơn 6,4 nghìn ha. Để đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân, huyện Kông Chro đã ký hợp đồng với Nhà máy đường An Khê hơn 5,1 nghìn ha mía (chiếm 80% tổng diện tích mía trên địa bàn). Việc liên kết sản xuất và bao tiêu đầu tư đối với cây mía cánh đồng lớn khiến người dân yên tâm sản xuất, không thấp thỏm lo lắng khi tới vụ thu hoạch sợ mía trổ bông sẽ làm giảm trữ lượng đường trong cây.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phan Văn Trung - Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết, giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2018-2020 tăng bình quân mạnh với tổng diện tích gieo trồng năm 2019 là 40,1 nghìn ha (đạt 102,12% kế hoạch năm), cụ thể là các loại cây trồng chủ lực như bắp lai hơn 7,7 nghìn ha, mía hơn 6,4 nghìn ha, sắn (mì) cao sản hơn 10 nghìn ha, cây ăn quả hơn 468 ha…
“Thời gian tới huyện Kông sẽ tiếp tục duy trì diện tích mía khoảng 6,4 nghìn ha để đảm bảo cung ứng mía nguyên liệu cho Nhà máy đường An Khê. Đồng thời chỉ đạo ngành chuyên môn nghiên cứu, định hướng khoa học nhằm phù hợp với tình hình nắng gió trên địa bàn để trồng những loại cây phù hợp, hiệu quả. Như việc trồng lúa không hiệu quả, sắp tới huyện sẽ giảm diện tích để tăng số lượng cây ăn quả, với mục tiêu đến cuối năm 2020 khoảng 750 ha, năm 2021 khoảng 1 nghìn ha…” - Ông Phan Văn Trung nói.