Chiều 3/12, tại tọa đàm giới thiệu môi trường đầu tư tỉnh Lạng Sơn tới các doanh nghiệp Trung Quốc. Ông Hoàng Xuân Thuận - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lạng Sơn - chia sẻ: Lạng Sơn có Khu kinh tế cửa khẩu rộng hơn 390 ha và các khu, cụm công nghiệp đang được đầu tư hạ tầng đồng bộ. Lạng Sơn thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa trong và ngoài tỉnh, cũng như đối với hoạt động ngoại thương quốc tế.
Đặc biệt, tỉnh có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương và 7 cửa khẩu phụ; trong đó, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là một trong những cửa khẩu lớn, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sôi động nhất trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đây là những điều kiện lý tưởng để thúc đẩy hợp tác, phát triển sản xuất kinh doanh, giao thương...
Ông Hoàng Xuân Thuận - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Lạng Sơn. |
Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn ưu tiên triển khai một số dự án liên quan đến các lĩnh vực như: Dự án giao thông (3 dự án); dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp (18 dự án); dự án thương mại, du lịch, dịch vụ (8 dự án); dự án thủy lợi cấp nước (1 dự án); dự án điện, năng lượng (25 dự án); dự án y tế (2 dự án); dự án nghĩa trang (4 dự án).
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu Trung Quốc đã trao đổi, tìm hiểu cụ thể thông tin về các cơ chế chính sách liên quan đến giá thuê đất, các chính sách ưu đãi liên quan đến thuế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.
Ông Trương Đức Hàng - Phụ trách vận hành Trung tâm Dịch vụ Chính phủ RCEP, thành phố Nam Ninh, Trung Quốc - mong muốn chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn cung cấp cụ thể những chính sách miễn, giảm thuế cho thuê đất và ưu đãi giá thuê đất cho doanh nghiệp sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp.
Ông Hàng đề nghị Lạng Sơn tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục xây dựng, các vấn đề liên quan đến đầu tư, sản xuất và cấp thị thực, thị thực xuất nhập cảnh khi nhà đầu tư vào Lạng Sơn khảo sát đầu tư... Nhân dịp này, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lạng Sơn đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Dịch vụ công RCEP Nam Ninh, Trung Quốc.
Các đại biểu, doanh nghiệp Trung Quốc tham gia tọa đàm giới thiệu môi trường đầu tư tỉnh Lạng Sơn. |
Cũng trong chiều 3/12, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới: Tăng tốc và Bứt phá”. Đây là một trong các hoạt động thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2024.
Theo báo cáo, Lạng Sơn đã quan tâm triển khai các chương trình, đề án phát triển sản phẩm chủ lực địa phương, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh phát triển kinh doanh thương mại điện tử... Nhờ đó, đến nay, Lạng Sơn có 20.984 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 2 toàn quốc; có 48.920 giao dịch thành công, đứng thứ 4 toàn quốc; có 228.099 số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, đạt 93%, đứng thứ 3 toàn quốc.
Ông Đoàn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - khẳng định: Trong thời gian qua, Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp cận với các kỹ năng số, ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh; tích cực triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh... Tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường triển khai các giải pháp nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics phục vụ thông quan hàng hóa thương mại điện tử quốc tế.