Bệnh nhân chen chúc nhau khám các bệnh do triều cường gây nên. |
Những ngày gần đây, ghế chờ khám hai khoa khám bệnh của BV Da liễu TPHCM luôn không còn chỗ trống. Bác sĩ Thanh Thủy khoa Khám bệnh theo yêu cầu cho biết, một tháng nay ngày nào cũng chật kín bệnh nhân. Đa số bệnh nhân đến khám các bệnh liên quan đến “nước ăn chân” hay gọi để chỉ bệnh nấm ở chân.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho biết, hiện nay bệnh do virus, sốt phát ban đang có chiều hướng gia tăng. Nếu kết hợp với triều cường, mùa mưa kéo dài và chuẩn bị mùa đông thì không chỉ các bệnh về da liễu bùng phát mà các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết và tay chân miệng cũng tăng mạnh hơn. |
Bác sĩ Thủy cho biết, cứ trong và sau mỗi đợt triều cường thì người dân ở các quận như 6, 7, quận Bình Thạnh, Thủ Đức, 12… bị mắc bệnh da liễu tăng mạnh do đây là khu vực ngập thường xuyên.
Thống kê, thời điểm hiện tại mỗi ngày khoa này tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân, trong khi khoa khám bệnh thông thường cũng tiếp nhận lượng bệnh nhân tương tự.
Ngồi chờ đợi ở khoa khám bệnh, chị Nguyễn Thị Lài, 36 tuổi làm nghề buôn bán ở quận Bình Thạnh, cho biết lần trước đến khám được bác sĩ chẩn đoán bị nấm ở kẽ ngón chân cho thuốc về uống và bôi nhưng chưa lành.
Nguyên nhân là do chỗ quán bán hàng của chị hay bị ngập lúc mưa và triều cường nên cứ phải nhúng chân xuống nước.
Đường 36, phường Linh Đông, quận Thủ Đức ngập nên bà Bùi Thị Vui không có cách nào khác là luôn phải bì bõm trong nước bẩn để làm việc nhà. Bà cho biết, cứ 10 người thì có đến 5 người mắc bệnh về nấm kẻ chân và nhiễm trùng, dị ứng da.
Mấy con hẻm ở đường Huỳnh Tấn Phát chiều nào cũng ngập. Bệnh nhân Nguyễn Văn Sự (phường Trường Thọ, quận 7) bị nấm chân cả tuần nay mua thuốc bôi đều mà không khỏi.
Ông Sự phản ánh thêm mấy đứa công nhân ở trọ, chiều nào cũng lội ngâm nước bẩn nên có đứa phải nghỉ làm để đi khám da liễu.
Không chỉ lúc triều cường mà sau rút hậu quả để lại là hàng đống rác rưởi, sình lầy, súc vật chết… nhiều người tiếp tục mắc bệnh ghẻ lở, nhiễm.
Phòng tránh
Theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, Giảng viên ĐH Y dược TPHCM, bệnh về da thường tăng đột biến trong mùa mưa hoặc các đợt triều cường liên tục. Các bệnh về da chủ yếu là nấm kẽ chân, nấm bẹn, nấm thân do nhiễm trùng.
Bác sĩ Sương cho biết, khi bị bệnh nhiễm trùng, nhiễm nấm kẽ chân, cần ngâm chân vào nước ấm với thuốc tím pha loãng ngay sau khi phải lội nước.
Nếu xuất hiện tổ chức viêm có mủ, đau nhức, bệnh nhân nên uống kháng sinh, bôi các dung dịch màu như màu xanh Methylen, màu tím Gentian, màu đỏ Fuschin để sát khuẩn và khô mủ.
Trong lúc chờ nước rút, bệnh nhân có thể bôi các thuốc kháng nấm, sau đó đi khám để được thầy thuốc cho toa phù hợp.
Còn theo bác sĩ Thủy, bệnh nấm kẻ các kẽ ngón, thường là ngón chân giữa và áp út, lớp da bên trên bị mủn trắng, có kẽ nứt, bên dưới là một nền da đỏ ướt.
Ở lòng bàn chân, gót chân, các cạnh ngoài bàn chân có thể có mụn nước hoặc mảng da dày màu nâu đỏ, bề mặt phủ vảy nhỏ mịn.
Chúng có thể nhỏ, ở vài vùng rải rác trên chân, cũng có thể tạo một mảng lớn trùm cả bàn chân.
Bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu. Trong trường hợp bị bội nhiễm, bệnh nhân có thể sốt, nổi hạch bẹn và đau.
Bác sĩ Bạch Sương lưu ý để phòng ngừa bệnh da do triều cường tốt nhất tìm cách giữ đôi chân khô ráo. Mỗi lần đi mưa hoặc tiếp xúc với nước bẩn nên rửa chân sạch.
Chị em phụ nữ nên đặc biệt chú ý, do lội nước nhiều hoặc ngâm mình trong nước rất dễ mắc thêm bệnh phụ khoa, do đó cần phải vệ sinh sạch sẽ, tránh virus gây bệnh tấn công.