Đối phó chứng đái dầm ở trẻ

Đối phó chứng đái dầm ở trẻ
TP - Đái dầm chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể thấy ở trẻ lớn và người trưởng thành. Đái dầm tuy không phải là trọng bệnh nhưng gây nhiều phiền phức trong cuộc sống, tuy vậy, vẫn có thể tránh mắc chứng đái dầm cho trẻ được.

Có nhiều nguyên nhân gây nên đái dầm, có thể là là do sự phát triển của bàng quang không tốt (quá nhỏ) hoặc hệ thần kinh chưa phát triển hoàn thiện hoặc do mắc một số bệnh nào đó như bị stress, căng thẳng thần kinh, nhiễm giun kim, hẹp bao quy đầu (trẻ em trai), nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em gái gặp nhiều hơn trẻ em trai do niệu quản ngắn hơn, lỗ đái lại gần với hậu môn, nhất là trẻ vệ sinh kém. Theo thống kê thì tỷ lệ các trẻ em trai hẹp bao quy đầu gây dái dầm chiếm tỷ lệ khá cao.

Ngoài ra một số bệnh như đái tháo đường, các bệnh về thận (sỏi tiết niệu) do đi tiểu nhiều lần làm cho giảm tỷ trọng nước tiểu cũng gây nên đái dầm.

Đái dầm có di truyền hay không cho đến nay chưa có kết luận một cách chắc chắn. Có thể gặp loại đái dầm có từ lúc nhỏ, đái dầm liên tục trong tất cả các đêm (có khi đái dầm cả lúc ngủ ban ngày), loại này thường gặp ở lứa tuổi dưới 5 tuổi và chiếm khoảng 15 - 20%.

Có thể gặp đái dầm thứ phát, tức là đã có thời kỳ không còn đái dầm nhưng sau một thời gian, vì lý do nào đó, trẻ mắc chứng đái dầm lại.

Loại đái dầm thứ phát thường gặp ở lứa tuổi từ 5 tuổi đến 12 tuổi và chiếm khoảng từ 3 - 8%. Bên cạnh đó có một số người trưởng thành mắc chứng đái dầm, loại này chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp khoảng từ 2 - 5%.

Đối với trẻ dưới 5 tuổi mắc chứng đái dầm thì cha, mẹ không nên quá lo lắng, không nên cho trẻ đi khám bác sỹ ngay mà cần có sự giúp đỡ trẻ đái tự chủ, ví dụ như không nên cho trẻ uống nhiều nước trước khi đi ngủ.

Cần đánh thức trẻ dậy đi tiểu vào những giờ cao điểm mà cháu thường dái dầm.

Nếu trẻ đã lớn và gia đình đã làm hết cách mà trẻ vẫn đái dầm thì nên cho trẻ đi khám bệnh để được thử nước tiểu, siêu âm, chụp đường niệu, khám bao quy đầu (ở trẻ em trai), xét nghiệm phân tìm trứng giun kim... để xác định nguyên nhân và điều trị.

PGS. TS Bùi Khắc Hậu
(Đại học Y Hà Nội)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG