Thông thường, họ tự nhận mình là nhân viên PR của quán bar. Thế nên, từ đây tôi sẽ gọi họ là PR quán bar.
Đương nhiên, người ngoài nhìn vào những nhân viên PR quán bar bằng ánh mắt không thiện cảm. Những dư luận đồn thổi còn khiến họ bị dè bỉu nhiều hơn.
Ít ai biết, phía sau ly rượu sóng sánh màu sắc dưới ánh đèn vàng xanh tím của quán bar, là những nhọc nhằn tủi phận.
Giữa đêm, nhắn tin cho Diễm: "Khi nào xong việc, nhắn lại cho anh. Anh qua đón em đi ăn khuya".
4 giờ sáng mới nhận được tin phản hồi từ Diễm: "Qua đón em về. Em không đi ăn được".
Đứng lơ ngơ trên vỉa hè, đợi Diễm từ sàn đi xuống. Diễm say khướt, biết là Diễm cố lắm mới không ngăn được cơn nôn của người quá chén. Chở Diễm về nhà trọ tại quận 3, trước khi chia tay, hẹn "Chiều mai, cà phê với anh".
1. Tôi biết Diễm từ rất lâu rồi, thuở còn tự do để la cà phố xá lúc quá khuya. Hồi ấy, Diễm làm nhân viên PR cho quán bar trên đường Nguyễn Trung Trực.
Vào quán bar ấy chơi vài lần, Diễm là nhân viên rót rượu phục vụ bàn của tôi. Nói chuyện hợp hợp nên quen thôi. Diễm uống rượu rất khiếp. Đơn giản, nhân viên PR quán bar không ai lại có tửu lượng thấp cả. Diễm vào ca lúc 20 giờ 30 phút đêm trước, tan ca sớm thì lúc 4 giờ sáng hôm sau, trễ thì 4 giờ 30. Uống rượu không khiếp thì sao làm được.
Diễm phải đứng bàn, rót rượu và uống rượu với khách từ lúc vào ca cho đến khi quán bar đóng cửa. Uống từ lúc tỉnh táo, uống cho đến khi người mềm oặt như bánh mì nhúng nước thì cũng vừa hết giờ làm.
Hôm bắt tay vào thực hiện loạt phóng sự này, gọi điện thoại hú họa cho Diễm. Diễm có trách là sao lâu quá mới gọi cho em. Hỏi Diễm, em còn làm trong bar không. Diễm đáp, vẫn vậy. Hỏi tiếp, anh viết gì đó từ nghề của em được không. "Được mà. Nhưng anh không được đưa tên thật với hình ảnh của em", Diễm trả lời. Diễm không phải là tên thật của em, Diễm là cái tên giả định tôi đặt ra để Diễm tránh phải những phiền phức.
Ngồi cà phê với nhau, Diễm nói tránh là đừng hỏi cái gì quá phức tạp, em không trả lời đâu. Tôi nghĩ hồi lâu, bảo rằng, trả lời được thì trả lời, anh không ép. Đời Diễm là một chuỗi bi kịch kéo dài.
Quê Diễm ở Cà Mau. Sinh Diễm được vài tháng thì mẹ Diễm mất. Không biết người ta bàn tán thế nào, mà cha Diễm khăng khăng là Diễm cao số, hại chết mẹ Diễm.
Năm Diễm học lớp 8, cha Diễm tục huyền. Mẹ kế Diễm thay cha Diễm quản lý các ki-ốt là tài sản của cha Diễm, gồm: một cửa hiệu bán vàng, một cửa hàng bán lưới đánh cá, một tiệm điện thoại di động… Năm Diễm học lớp 10, mẹ kế của Diễm sinh con. Diễm chính thức bị ra rìa từ đó.
Chưa tốt nghiệp cấp 3 thì Diễm nghỉ học, theo bạn bè lên Sài Gòn với 500 nghìn đồng trong túi. Không có quá nhiều lựa chọn cho Diễm trong hoàn cảnh đó, Diễm bảo với tôi vậy. Ban đầu, Diễm ở nhà trọ cùng bạn tại Gò Vấp, đi bán cà phê. Rồi bạn của bạn Diễm rủ Diễm vào làm quán bar… tất cả diễn ra nhẹ tênh.
"Vào quán bar rồi, em mới biết rằng mình có khả năng uống rượu", giọng Diễm hiu hắt quá.
Vào quán bar đêm ấy uống rượu với mấy người bạn đồng nghiệp, Diễm là người rót rượu. Quán bar, ồn ào không nói được gì nhiều. Chẳng hiểu sao, vẫn xin được số điện thoại của Diễm.
Diễm ngày đó xinh lắm. Có đi ăn, cà phê với nhau nhiều lần. Cũng có dạo phố Sài Gòn những ngày Diễm được nghỉ phục vụ. Chắc là, cũng có những điều mà nói ra sẽ làm nặng lòng nhau. Nhưng thôi, cả hai đều biết kiềm chế.
Nữ PR quán bar, là mẫu phụ nữ có thể kiềm chế tình cảm rất tốt.
Làm quán bar được ít lâu thì Diễm có bạn trai. Bạn trai Diễm là Việt kiều. Đa phần, dân Việt kiều vào quán bar đều để "đi bay". "Đi bay", tức là phê thuốc lắc.
Bên trong một quán bar ở quận 1, TP HCM. |
2. Diễm yêu anh Việt kiều ấy lắm. Ban đầu, yêu là để tính toán. Sau đó, yêu thật lòng. Yêu đến mức, Việt kiều "bay", Diễm cũng "bay". Việt kiều lắc, Diễm cũng lắc. Việt kiều đập đá, Diễm cũng đập đá theo.
Người tình về lại nước ngoài, có cho Diễm số tiền để mướn căn nhà trọ sạch sẽ ở riêng. Thêm chiếc xe gắn máy tay ga hiệu @ để Diễm đi lại. Người tình về được vài tuần, Diễm gọi điện thoại qua thông báo: "Em có thai rồi, anh ơi. Em thử mấy que liền, đều hiện lên hai vạch đỏ".
Người tình nghe Diễm nói hết câu, thờ ơ bảo: "Giờ em tính giữ hay bỏ". Không để Diễm trả lời, người tình nói tiếp: "Em nghĩ vậy đi cho đơn giản vậy nè. Em có bầu, em sinh con. Anh về Việt Nam, em có đi bar với anh được không, em có đập đá với anh được không, em có nhảy múa với anh được không?...". Hàng loạt câu hỏi được người tình đặt ra khiến Diễm quị ngã.
Bán chiếc @ người tình để lại, Diễm nhờ bạn dắt mình đến bệnh viện để phá thai.
"Em có gặp lại nó không?", tôi hỏi Diễm. "Có chứ, lần nào nó về mà không tìm đến em", Diễm trả lời. Lần đầu tiên Việt kiều về gặp Diễm, Việt kiều bảo, xe anh để lại cho em với mục đích là khi nào anh về Việt Nam, có phương tiện để anh đi lại. Giờ em bán rồi, tùy em tính sao thì tính, phải đền chiếc xe đó lại cho anh.
Diễm vay mượn bạn bè, đền lại chiếc xe cho Việt kiều. Việt kiều nhận xe, cười cười bảo, anh thương em thật tình mà, cái này chỉ là vật chất. Diễm cũng cười cười trả lời, em cũng thương anh vậy. Có điều, sau lần đòi xe ấy, mỗi lần đi chơi với Việt kiều, Diễm khi nào cũng đòi tiền.
"Nó muốn em để giải trí, thì em phải bắt nó trả tiền chứ. Đơn giản là vậy thôi mà. Mà anh có biết, phục vụ mấy thằng nghiện đập đá như thế nào không?", Diễm hỏi.
Tôi nói với Diễm, tôi biết những kẻ đòi mây mưa sau khi phê thuốc điên loạn ra sao. Diễm gật đầu, không tiếp lời.
Lương của Diễm ở quán bar là 2 triệu/tháng. Thông thường, lương được lãnh vào ngày 5 và 25 mỗi tháng. Mỗi lần, 1 triệu.
Để có thể sở hữu số tiền lương ấy, Diễm phải đạt được doanh thu do quán bar đề ra. Nhân viên PR như Diễm, doanh thu cho mỗi 2 tuần là 10 triệu. Nếu không kiếm ra bao nhiêu đó doanh thu, thì chấp nhận nộp phạt. Nộp phạt đến lần thứ 3, nhân viên PR sẽ bị cắt hợp đồng với quán.
Doanh thu dựa trên số lượng khách mà nhân viên PR mang đến cho quán bar. Gọi là khách đặt bàn. Còn khách vãng lai, thích thì vào bar uống rượu, như tôi thì không tính vào doanh thu mà quán bar được đặt ra cho nhân viên PR.
Nghĩa là, nữ PR quán bar sao đó, phải tìm mọi cách để kéo khách vào quán. Nếu nhân viên PR quán bar, mang về doanh thu cao hơn, sẽ được tăng thêm tiền lương.
Nữ nhân viên PR mang lại doanh thu 20 triệu trong 2 tuần thì lương tăng thêm 500 nghìn.
Để có được 20 triệu doanh thu, nhân viên PR phải có đủ chiêu để níu khách đến quán bar. Tất nhiên ngoài cái duyên ăn nói, thì nữ nhân viên PR cũng phải biết chiều khách để khách đồng ý gọi điện thoại cho nhân viên đặt bàn.
"Có lần, em làm 2 ngày mà đạt doanh thu sau thuế đến 28 triệu. Khách quen của em tổ chức tiệc sinh nhật cho bạn gái. Sau cái lần ấy, quản lý PR nhìn em bằng con mắt khác", Diễm hào hứng kể.
Nữ nhân viên PR càng mang lại doanh thu cho quán bar, càng có tiếng nói trong các cuộc họp nội bộ với ban lãnh đạo quán bar.
"Anh nhớ có lúc em kể, khách của em tính tiền gần cả trăm triệu cho một lần ngồi sofa", tôi nói. "Đúng rồi, thằng bồ Việt kiều của em chứ ai. Lần đó, nó uống Louis 13 mà", Diễm đáp.
3. Lâu rồi, Diễm không về thăm quê. Sau cái lần Diễm gọi điện thoại về cho cha để xin tiền chữa bệnh xuất huyết bao tử mà không được hồi đáp, Diễm lại càng bặt tin gia đình.
3 giờ sáng hôm ấy, Diễm nôn tại bàn rượu. Nôn ra toàn máu. Mấy nữ nhân viên PR đang đứng bàn vội vã đưa Diễm vào bệnh viện. Ai cũng nồng nặc mùi rượu, họ quýnh quáng không biết đưa Diễm đến bệnh viện nào… Cuối cùng, họ quyết định đưa Diễm về lại nhà trọ của Diễm. "Em nôn ra máu từng cục. Nằm bẹp dí 2 tuần liền. Khỏe một chút, lại đến quán bar, uống rượu", lời của Diễm.
Sở dĩ, nữ nhân viên PR quán bar phải uống nhiều là bởi ngoài khoản tiền boa của khách, họ cần thiết phải làm sao đó để hóa đơn thanh toán của bàn trước 12 giờ đêm là trên 1 triệu.
Nếu hóa đơn trên 1 triệu trước 12 giờ đêm, họ được 5% trên tổng số tiền thanh toán. Sau 12 giờ đêm, thì tổng số tiền thanh toán của khách là phải 3 triệu, họ mới được hưởng 5%. Còn không, họ phải mời khách được 2 chai rượu của một hãng rượu mới.
Chính vì vậy, nữ nhân viên PR sợ nhất là gặp khách vào quán bar mà uống rượu gửi.
Rượu gửi, là rượu đêm trước được khách quen uống không hết, gửi lại tại quán bar để đêm sau đến uống tiếp. Có những khách quen, gửi một lúc vài chai.
Khách vào quán bar, đưa phiếu nhận rượu gửi, nữ nhân viên PR hãi lắm. Đơn giản, họ phải cố gắng uống hết số rượu gửi, thì khách mới kêu rượu mới. Kêu rượu mới, thì mới tính tiền được. Có tiền, có thể nghĩ đến chiết khấu % mà nữ nhân viên PR hy vọng được hưởng.
"Người ta uống rượu để vui, còn tụi em, uống rượu là để kiếm tiền. Vậy mà, có những khách sau khi làm đủ kiểu, còn nghĩ ra cách xù tiền boa của tụi em. Không phải, khách nào cũng như anh đâu", Diễm chua chát.
Có những vị khách vào quán bar, trong lúc uống rượu thì cười cợt, tay chân loạn xạ với nữ nhân viên PR. Nhưng, đến lúc tính tiền thì thanh toán hóa đơn xong lại giả vờ say đến quên mất tiền boa.
Nữ nhân viên PR lên tiếng xin, lập tức họ sừng sộ đòi gọi quản lý ra mắng vốn. Mà chuyện xin tiền của khách, nếu nhân viên PR để quản lý biết, họ sẽ bị phạt gấp đôi hoặc gấp 3 số tiền nhân viên PR xin của khách.
Có nữ nhân viên PR, được khách boa cho 200 nghìn, nhưng hai nhân viên PR đứng cùng bàn không được boa. Thương bạn, nữ nhân viên này kỳ kèo: "Anh boa cho hai đứa bạn em với. Mỗi đứa 100 cũng được". Khách làm loạn lên, quản lý xuất hiện. Sau khi nghe khách than phiền, nữ nhân viên xin tiền giúp bạn bị phạt gấp đôi số tiền đã nhận và xin của khách là 800 nghìn…
Có lần, Diễm phục vụ cho đám khách chơi thuốc. Phải hơn 90% thanh niên vào quán bar là để chơi thuốc. Khách phê, đè Diễm ra ngấu nghiến đòi "làm chuyện đó" tại chỗ. Diễm có gắng vùng vẫy thoát thân bỏ chạy ra khỏi quầy bar. Đến lúc tính tiền, quản lý nhá máy cho Diễm xuất hiện để đợi khách boa, khách gặp mặt Diễm, gắt: "Cái loại như mày, từ mặt tao đi. Đây là Sài Gòn, chứ ở Nha Trang, tao đã cắt cổ mày".
Nói xong, khách rót hết rượu trong chai ra cái ly lớn. Thảy lên bàn tờ 500 nghìn, bảo: "Mày uống hết ly này, số tiền đó là của mày".
Nguyên tắc trong bar, nhân viên PR không được từ chối rượu mời của khách. Diễm uống cạn ly, lấy tiền xong chạy ra toilet của quán… bật khóc.
"Vài năm nữa, cũng kiếm cái nghề khác làm chứ em. Không lẽ, em cứ rót rượu rồi uống rượu vậy hoài", tôi nói với Diễm.
"Em tính rồi, em cố làm đủ tiền để dành sau đó bỏ tiền ra cưới chồng. Kế tiếp, chồng sẽ nuôi em. Vì em đã bỏ tiền ra cưới nó mà", Diễm vừa nói vừa cười.
Nụ cười trên khuôn mặt có đôi mắt quầng thâm vì thức đêm rất buồn bã.
Mỗi tuần, Diễm được nghỉ một ngày để dưỡng sức.
Bạn đọc có chứng kiến cảnh, một nhóm khách bẻ quặt tay nữ nhân viên quán bar để đổ tràn rượu vào miệng như thế nào, thì mới hiểu hết cái tủi nhục của nghề này.
Với nhóm khách VIP, bảo vệ bên trong quán bar thường không dám can thiệp vào những tình huống như vậy.
Theo Kinh Hữu
Công An Nhân Dân