Đòi lại cô dâu sau 20 ngày cưới
Hai người khuyết tật ở Bình Dương sau khi cưới về sống chung được khoảng 20 ngày thì nhà gái đòi lại cô dâu. Cơ quan chức năng lúng túng không biết phải giải quyết ra sao...
Ngày 22.1.2013, anh Nguyễn Quốc Hùng (24 tuổi, ngụ xã Long Nguyên, H.Bến Cát, Bình Dương; bị bại liệt 2 chân) được 2 gia đình đồng ý tổ chức đám cưới với chị Nguyễn Thị Yến (26 tuổi, ngụ P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương; bị bại não bẩm sinh). Sau đám cưới khoảng 20 ngày, nhà gái đòi lại cô dâu với lý do Hùng và Yến không thể tự phục vụ, chăm sóc cho bản thân. Anh Hùng viết đơn cầu cứu cơ quan chức năng giải quyết 2 nguyện vọng: đưa Yến về sống chung và giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn.
Hình ảnh đám cưới của Hùng và Yến - Ảnh do Hùng cung cấp. |
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hơn và bà Trần Thị Lân (cha mẹ của Yến), cho biết Yến bị bại não từ nhỏ, đi lại khó khăn (đi được khoảng trên 10 bước thì té ngã). Yến nói không rõ tiếng, suy nghĩ và nhận thức không thống nhất. Bà Lân than thở: “Do đầu óc của cháu không được như người bình thường nên thỉnh thoảng Yến bỏ nhà ra đi, không biết đường nào mà tìm. Như vậy chúng tôi sao dám giao con cho người ta được”. Khi PV hỏi vì sao biết con mình bị như vậy mà vẫn tổ chức đám cưới, bà Lân nói: "Do hai đứa từng học chung với nhau, thấy cả hai thương nhau quá, vả lại Yến cũng năn nỉ nên gia đình chiều con cho cưới".
Trong khi đó, bà Lý Ngọc Giao (mẹ của Hùng) quả quyết: “Cho dù thế nào thì cũng phải đưa Yến về sống chung với Hùng. Vì gia đình đã phải chạy vạy làm đám cưới, mua bông tai, nhẫn cưới cho cô dâu. Bây giờ nhà gái đòi lại cô dâu thì còn mặt mũi nào ăn nói với bà con, xóm giềng”.
Ông Nguyễn Ngọc Vũ, cán bộ Tư pháp P.Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một), cho biết: “Sau khi nhận đơn của anh Hùng, chúng tôi đã đi xác minh. Yến bị bại não, có thể rơi vào trường hợp cấm kết hôn được quy định tại khoản 2 điều 10 luật Hôn nhân gia đình (người mất năng lực hành vi dân sự thì bị cấm kết hôn - PV). Tuy nhiên, chỉ có tòa án mới phán quyết một người mất năng lực hành vi dân sự. Hiện nay, gia đình Yến chưa yêu cầu tòa án nên chúng tôi chưa biết giải quyết như thế nào”.
Trong khi đó, một cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp Bình Dương), phân tích: “Bằng trực quan sinh động, cán bộ tư pháp cũng có thể nhận thấy những hành vi không bình thường của Yến và có quyền từ chối giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn, không cần phải chờ đến quyết định của tòa án”.
Theo Đỗ Trường
Thanh Niên