Trong khổ đau và đói nghèo, người nghệ sĩ ấy chưa từng có ý định bỏ nghề, cũng không một lời oán trách Tổ nghiệp kém ưu ái, không tặng bà những huy chương hay danh hiệu.
Người hiền lại sắm vai ác
Nghệ sĩ Hồng Sáp trợ diễn cho diễn viên trẻ trong chương trình “Sao nối ngôi” |
Hồng Sáp khoe rằng, bà gốc Hà Nội. Bây giờ ở thủ đô bà vẫn còn người thân. Nếu Hồng Sáp không tự giới thiệu thì có lẽ không ai đoán ra gốc gác của bà. Giọng nói của bà đã thuộc về miền nắng ấm. 8 tuổi, bà theo cha mẹ vào Sài Gòn. Cha mẹ bà là những người yêu nghệ thuật cải lương, mẹ của bà ca, cha của bà chơi đàn. Máu nghệ sĩ và tình yêu với bộ môn nghệ thuật cải lương thấm vào bà mỗi ngày. 14 tuổi, Hồng Sáp lên sân khấu với vai trò múa minh hoạ. Sau này bà được nhắm vào những vai đào lẳng, đào độc trong một số tuồng cải lương Hồ Quảng như “Tình sử A Nàng”; “Hai dòng sữa mẹ”… Đến bây giờ ở độ U90 nhìn lại thời tóc xanh trên sân khấu, bà chấm điểm: “Tôi ưng ý nhất vẫn là vai mẹ của Tấm Cám, mà người ta gọi là mụ dì ghẻ, trong tuồng Tấm Cám”. Bà nhập vai đến độ bị khán giả ghét, có khi đi chợ còn bị người ta chỉ mặt nói, “bà dì ghẻ ác như quỷ”. Những vai diễn bị khán giả chỉ mặt là nguồn vui giúp bà vững bước với nghề dù dòng đời sóng gió triền miên.
Có bao giờ Hồng Sáp buồn vì trông mặt phúc hậu lại thường bị phân vai phản diện? Bà lắc đầu, giải thích: “Người viết tuồng phải nhìn xem diễn viên có đảm nhận được vai đó không thì họ mới giao. Tôi không phân biệt vai chính diện hay phản diện, mà một vai khó người khác không làm được, mình lại làm được mới hay”. Hồng Sáp cũng không để tâm vai chính hay vai phụ, vai thấp hèn hay cao sang, vì một lý do duy nhất: “Là nghệ sĩ thì giao vai nào cũng phải làm tốt, không cân đo, tính toán”. Bây giờ, khi tóc bạc, da mồi, Hồng Sáp chỉ mong được làm nghề là vui. Bà kể, mới đây một nhóm sinh viên thực tập mời bà quay một đoạn phim về cuộc đời của bà: “Tôi không đòi cát-xê, chỉ xin một chút tiền bồi dưỡng. Làm việc có chút tiền, còn được bao ăn uống, thế là khoái rồi”. Bà cũng nhiệt tình tham gia MV ca nhạc của những ca sĩ trẻ. Ca sĩ Như Ý, Quán quân solo cùng bolero 2018, từng mời nữ nghệ sĩ tham gia MV của mình, đã chia sẻ với Tiền Phong: “Hồng Sáp không kì kèo cát-xê. Đưa bà bao nhiêu bà nhận vậy, rất hiền lành. Bà nhập vai một cách dễ dàng, đúng là một diễn viên gạo cội”. Nhìn cảnh nghệ sĩ U90 vẫn miệt mài làm việc kiếm sống không ít người chạnh lòng, thương cảm. Như Ý nói tiếp: “Chúng tôi có bồi dưỡng thêm cho bà, bởi bà đã lớn tuổi còn gánh nặng mưu sinh”.
Không chỉ đồng nghiệp mà nhiều khán giả đều biết Hồng Sáp rất nghèo. Điểm danh những nghệ sĩ nghèo đang hoạt động nghệ thuật ở nước ta, chắc không thể không nhắc tới Hồng Sáp. Bà không che giấu điều này, mà thật thà thú nhận: “Người ta mời tôi đóng vai bà già ăn xin tôi cũng đóng. Bảo tôi vào vai bà già đóng vé số tôi cũng làm. Tuổi này còn được làm nghề, lại có chút tiền, là hạnh phúc rồi, đòi hỏi chi vai này, vai kia”. Bây giờ, bà vẫn có thể ca cải lương song cải lương hết thời vàng son, cơ hội nào cho Hồng Sáp? Bà chạy qua phim ảnh, nâng niu những vai diễn nhỏ trong “Dốc tình”; “Xóm bắt cào cào”; “Khóc thầm”… Dù ở sân khấu hay phim trường, Hồng Sáp cũng đều cháy hết mình, đôi khi còn gặp phải những tai nạn khiến cơ thể tuổi già nhức nhối. Trong một phân cảnh, Hồng Sáp đóng cùng Mạc Can ở phim “Án mạng trong cô nhi viện”, bà bị ngã. Sau khi được nhân viên kỹ thuật dùng dầu gió xoa bóp, bà lại tiếp tục quay phim đến khuya. Chỉ đến khi hoàn thành công việc trở về nhà bà mới cảm nhận được cơn đau hành hạ, phải vào viện khám và dùng thuốc suốt nửa tháng trời. Hồng Sáp không nhớ nổi bà đã hoá thân trong bao nhiêu vai diễn trên sân khấu và phim ảnh. Phóng viên hỏi: “Đã có vai diễn nào buồn hơn cuộc đời bà chưa?”. Nữ nghệ sĩ đáp gọn: “Hình như chưa có”.
Nghệ sĩ Hồng Sáp (trái) và nghệ sĩ cải lương Bình Tinh |
Cười trên sân khấu, khóc khi về nhà
Đời buồn của Hồng Sáp khiến tôi liên tưởng đến truyện “Kép Tư Bền” của Nguyễn Công Hoan. Đây là đoạn kết của tác phẩm nổi tiếng ấy: “Khi không còn phải thở dài để hoan nghênh những cái hoan nghênh của công chúng, anh Tư Bền mới lật đật chạy vào buồng trò, cởi vội mũ áo và rửa quàng mặt mũi. Lúc ấy, trong khi anh đang rối beng nghĩ đến cha anh, không biết bây giờ đã lạnh tới đâu, thì một người bạn hát chạy đến, vội vã ấn vào tay anh tập giấy bạc của ông chủ để sẵn cho anh, và nói: Mau mà về. Anh Tư ơi! Hỏng từ ban nãy mất rồi! Khốn nạn thân anh quá!”.
Hồng Sáp có 7 người con nhưng 4 người con đã ra đi, trong đó 3 người con qua đời vì bệnh tật vì không có tiền chữa trị kịp thời. Hai người con sau cùng lìa trần khi mẹ của họ còn bận diễn trên sân khấu. Chồng cũ của bà ra đi khi bà cũng đang hát ở Bạc Liêu. Để bà hát xong, ông bầu mới cho người thông báo tin dữ. Dù hai người đã chia tay nhau nhiều năm nhưng Hồng Sáp và các con vẫn về chịu tang. Bà không có tiền để mua đất xây mộ cho cha lũ trẻ nên mang tro cốt của ông gửi ở Chùa Nghệ Sĩ, bởi ông cũng là một nghệ sĩ, một nhạc công của đoàn cải lương. Bà kể: “28, 29 tuổi tôi mới lấy chồng. Hồi đó, tôi chỉ muốn ca, không muốn lấy chồng sớm làm chi. Tôi lấy ông ấy vì ông ấy hiền”. Hồng Sáp lấy chồng nhạc công giống như mẹ của bà. Cha mẹ của bà cũng trải qua một cuộc đời nghèo khó. Cuộc đời con gái họ cũng không khá hơn. Hồng Sáp nhớ lại đoạn tình xưa: “Tôi hát trên sân khấu, ông đàn ở dưới. Ông thương mình thì mình thương lại, quyết định về một nhà. Lúc trước tôi không biết ông nghiện rượu, khi tôi sanh con thì mới biết ông uống rượu bê tha. Cứ khi rượu vào ông lại đánh tôi. Đánh tôi hoài… Sau này ông cũng vì rượu mà ra đi”.
Nghệ sĩ Hồng Sáp trong đời thường |
Cả đời Hồng Sáp có khi nào được ăn sung mặc sướng, đầu óc thảnh thơi? Giọng bà chùng xuống: “Đâu có được sung sướng bao giờ, toàn là khổ không. Có khi bây giờ còn đỡ hơn trước vì tôi mướn được nhà ở”. Hồng Sáp đang sống với cháu nội (con của một người con trai đã mất) và một người con trai khác theo nghề nhạc công, chưa lập gia đình. Nhà trọ mà bà thuê tuy nhỏ, chiều rộng hơn 3m, chiều dài chừng 5m nhưng vẫn là nơi đi về ấm áp. Hàng ngày, cháu nội nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ quần áo. Nỗi lo của bà bây giờ là làm sao xoay được 3 triệu đồng để trả cho chủ nhà trọ. Hồng Sáp nhận công việc ủi trang phục, trông trang phục, phụ diễn viên thay trang phục cho một đoàn cải lương. Công việc này cũng không mang lại bao nhiêu thu nhập: “Coi trang phục chỉ được 300 ngàn đồng/đêm. Nhưng người ta có hát nhiều đâu? Lâu lâu mới hát một lần. Có diễn viên thương tình lại cho tôi thêm chút tiền”. Lo phục trang cho diễn viên tuy không phức tạp nhưng khá vất vả với người đang bước tới tuổi 90: “Họ diễn đến khoảng 11 rưỡi, 12 giờ đêm thì tan. Tôi cùng cháu nội về nhà, tắm rửa rồi ăn cơm, 2 giờ sáng mới đi ngủ”. “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Hồng Sáp không có may mắn ấy. Ba người con còn lại của bà cũng nghèo khó như mẹ: “Một đứa con gái đang ở Mỹ Tho, một đứa làm ở Sài Gòn, toàn ở đợ không à! Còn người con trai đi đánh trống cho đoàn cải lương”, nữ nghệ sĩ kể.
Có lúc nào Hồng Sáp định bỏ nghề? Bà nói: “Nghề của mình sao mà bỏ được?”. Nhưng dì ghẻ trong tuồng Tấm Cám thú nhận: Đã từng có thời điểm bà nghĩ đến cái chết. Song khán giả đã giữ bà lại: “Lúc bi quan nhất lại có người bảo tôi, cố gắng sống đến 100 tuổi nghe bà, để bà quay phim với bà hát cho tôi coi”.
Chỉ viết được tên mình
Phóng viên hỏi Hồng Sáp: Sao bà không viết hồi ký, khi cuộc đời bà không khác gì tiểu thuyết buồn? Bà đáp: “Tôi đâu biết viết nhiều chữ? Tôi chỉ biết viết tên tôi thôi. Nhưng tôi đọc được”. Giải đáp sự ngạc nhiên của tôi, bà cười: “Hồi xưa, làm gì có tiền đi học? Sau này cha mẹ mất, một mình tôi bơ vơ giữa Sài Gòn, toàn ăn khoai lang, khoai mì qua ngày thôi”.
Hồng Sáp chia sẻ, bà không mắc bệnh nặng, trí óc hoàn toàn minh mẫn: “Tôi đi quay phim làm người trong đoàn phim ngỡ ngàng thốt lên: Bà gần 90 tuổi mà minh mẫn quá trời”. Hồng Sáp vẫn nhớ lời thoại tốt. Bà còn bật mí, bản thân chưa từng dính COVID. Hồi đại dịch tàn phá Sài Gòn, bà vẫn bám trụ thành phố và sống lay lắt nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó có không ít đồng nghiệp.